Bí thư Hưng Yên nhận quyết định làm Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam

30/06/2021 16:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều ngày 30/6 đã diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam.

Dự lễ công bố có ông Phạm Bình Minh – Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; các Uỷ viên Trung ương Đảng: Ông Nguyễn Quang Dương – Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Huỳnh Tấn Việt – Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông...

Tại Quyết định 898/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động, bổ nhiệm ông Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hưng Yên giữ chức Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Quyết định có hiệu lực từ ngày 9/6.

Trước đó, tại Quyết định 858/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngày 1/6/2021.

do-tien-sy.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho ông Đỗ Tiến Sỹ

Tại buổi lễ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Bình Minh – Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho ông Đỗ Tiến Sỹ.

Phó Thủ tướng đánh giá ông Đỗ Tiến Sỹ là cán bộ được đào tạo bài bản, có hai nhiệm kỳ là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XIV và XV, được rèn luyện, trưởng thành qua nhiều vị trí công tác khác nhau, trong đó nhiều năm là người đứng đầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên.

Việc điều động ông Đỗ Tiến Sỹ giữ chức Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đối với Đài tiếng nói Việt Nam và cá nhân ông Đỗ Tiến Sỹ.

Phó Thủ tướng tin tưởng ông Đỗ Tiến Sỹ sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cầu thị, lắng nghe để cùng tập thể cán bộ lãnh đạo làm cho Đài phát huy được truyền thống 76 năm qua, xây dựng Đài tiếng nói Việt Nam thực sự là tổ hợp truyền thông đa loại hình, đa phương tiện, hiện đại, vững mạnh toàn diện, tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những cơ quan báo chí hàng đầu của đất nước, vươn tới tầm khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.

Ngày 7/9/1945, Đài tiếng nói Việt Nam chính thức ra đời, chỉ 5 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Trải qua 3/4 thế kỷ, đến nay Đài Tiếng nói Việt Nam đã có một đội ngũ đông đảo với hơn 2.700 cán bộ, phóng viên, biên tập viên hoạt động ở khắp mọi miền của Tổ quốc và trên thế giới.

Từ chỗ chỉ là phát thanh, đến nay Đài có thêm nhiều kênh truyền hình, báo điện tử và báo in, trở thành cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện, phát song 13 thứ tiếng các dân tộc thiểu số, 13 thứ tiếng nước ngoài và Tiếng Việt cho đồng bào xa Tổ quốc, lan tỏa mạnh mẽ thông tin trên các nền tảng truyền thông hiện đại phục vụ công chúng trong và ngoài nước.

Trong các giai đoạn phát triển, Đài luôn nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò là cơ quan ngôn luận hàng đầu của đất nước, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, là nhịp cầu tin cậy, thân thiện giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế, xứng đáng với danh xưng “Đây là Tiếng nói Việt Nam”.

Theo Phó Thủ tướng, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, truyền thông số, mạng xã hội trên nền tảng Internet đã đặt báo chí nói chung, trong đó có Đài tiếng nói Việt Nam, trước nhiều thách thức mới, đòi hỏi phải nhanh chóng cập nhật, thích nghi và chuyển đổi phương thức làm báo.

Bên cạnh những lợi thế về bề dày truyền thống và kinh nghiệm phát triển trong hơn 76 năm qua, Đài tiếng nói Việt Nam cần nắm bắt thời cơ và nhận thức rõ các thách thức đang đặt ra đối với báo chí nói chung và ngành phát thanh nói riêng để duy trì vị thế và tiếp tục phát triển.

Trong thời gian tới Phó Thủ tướng đề nghị Đài tiếng nói Việt Nam cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, bảo đảm các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài được nâng cao kiến thức mọi mặt, trước hết là nâng cao nhận thức lý luận chính trị, cập nhật công nghệ mới, tác nghiệp thành thạo trên nhiều lĩnh vực, nhiều loại hình báo chí nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức người làm báo và chất lượng sản phẩm báo chí.

Đài tiếng nói Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất chương trình truyền dẫn phát sóng phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và trên thế giới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ sở của Đài, bảo đảm an ninh nội bộ, an ninh thông tin và an toàn sóng.

Bên cạnh đó, Đài cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, cùng nhau khắc phục khó khăn vướng mắc còn tồn tại như tái cơ cấu Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, Đề án xây dựng Đài tiếng nói Việt Nam thành cơ quan đa loại hình, đa phương tiện hiện đại.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Đỗ Tiến Sỹ bày tỏ vinh dự và tự hào được đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều động và bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam ngay tại địa danh lịch sử - Trung tâm Phát thanh Quốc gia, 58 Quán Sứ, Hà Nội; đồng thời cảm ơn chân thành trước sự tín nhiệm, tin tưởng và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho cá nhân ông và cho Đài Tiếng nói Việt Nam trong nhiều năm qua.

“Chúng tôi xác định rằng, hơn lúc nào hết, trước sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội cùng các loại hình truyền thông mới, Đài Tiếng nói Việt Nam không thể chậm trễ đổi mới”, ông Đỗ Tiến Sỹ nói.

Tân Tổng Giám đốc Đài TNVN cũng cho rằng, bên cạnh việc nhanh nhạy, kịp thời trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng luôn xác định và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của nghề báo là bảo đảm thông tin chính xác, chính thống, nhanh nhạy, có kiểm chứng; tiếp tục thể hiện tính cách mạng, tính tiên phong, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước; khẳng định vai trò một là trong những đơn vị truyền thông, báo chí hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong dẫn dắt định hướng thông tin, định hướng dư luận.

Với 8 kênh phát thanh, 16 kênh truyền hình, 2 tờ báo điện tử, 1 tờ báo in cùng gần 2.700 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, Đài Tiếng nói Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực vươn lên, đổi mới, sáng tạo.

“Công việc phía trước còn nặng nề, gian nan, với trọng trách Tổng Giám đốc, bằng kinh nghiệm từ thực tiễn của bản thân, tôi cam kết sẽ đem hết sức mình, quyết tâm cao, cùng với đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Đài tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang qua gần 76 năm hình thành và phát triển, quyết tâm xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam thành một tập thể đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo và luôn chủ động vượt qua những khó khăn, thách thức lớn trong tương lai; đưa Đài Tiếng nói Việt Nam phát triển xứng tầm với vị thế cơ quan truyền thông đa phương tiện, xứng đáng với niềm tin yêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó”, ông Đỗ Tiến Sỹ phát biểu.

Ông Đỗ Tiến Sỹ sinh năm 1965; Quê quán: xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân; Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Cử nhân Sư phạm Toán

Trước khi giữ chức Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, ông Đỗ Tiến Sỹ đã kinh qua nhiều vị trí công tác: Phó Bí thư, Phó Bí thư Thường trực, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Hưng Yên nhận quyết định làm Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam