Khí hậu mùa đông tại miền Bắc thường rất lạnh và hanh khô dễ dẫn đến viêm xoang, những người bị viêm xoang mạn tính thì lại càng khó chịu hơn nữa. Do vậy chuẩn bị những kiến thức cần thiết để chữa và phòng căn bệnh này là điều cần thiết với mọi gia đình.
Viêm xoang là tình trạng các khoang rỗng nằm trong khối xương mặt, thông với hốc mũi bị viêm nhiễm hay phù nề, tăng ứ đọng dịch nhày mủ, gây ra hiện tượng tắc nghẽn trong lỗ thông xoang khiến người bệnh khó chịu.
Bệnh này nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy dịch kéo dài, mờ mắt do viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như công việc.
Bệnh khởi phát với những triệu chứng điển hình như hắt hơi, sổ mũi (nước mũi trong, có dịch nhày hoặc mủ), ngạt mũi, đau nhức mũi kéo theo đau đầu, đau ổ mắt, mặt nặng, đau nhức một số vùng trên mặt, ù tai, đau ngứa họng… Đây là nguyên nhân khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, tinh thần sa sút…
Theo ước tính, ở nước ta hiện nay có khoảng 15-25% dân số bị mắc bệnh viêm xoang, đa phần số người bị mắc bệnh sẽ trở thành mãn tính. Tuy nhiên những cách làm sau đây sẽ giúp bạn và gia đình có thể phòng chống và chữa bệnh xoang một cách hiệu quả.
Thường xuyên vệ sinh mũi, miệng bằng nước muối sinh ấm
Khi bạn làm việc, di chuyển ngoài đường cả một ngày dài sẽ kèm theo hít nhiều khói bụi vào đường thở của mình. Nếu không vệ sinh sạch đó có thể là tác nhân chính gây ra viên nhiễm và khiến cơ thể bạn khó chịu. Chính vì vậy thường xuyên sử dụng nước muối sinh lý có độ mặn vừa phải vệ sinh mũi, miệng sẽ giúp bạn phòng ngừa được nhiều bệnh khác nhau.
Lấy một muỗng cà phê muối pha với 2 cốc nước ấm khoảng 600C (pha loãng) hoặc dùng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) cho vào lọ sạch nhỏ lần lượt nhỏ vài giọt vào từng bên mũi rồi sau đó cúi xuống và nhẹ nhàng xì sạch mũi ra. Thực hiện việc này lặp đi lặp lại khoảng 5 lần/ngày, liên tục trong 2 tuần sẽ cho thấy kết quả rõ rệt, các triệu chứng sẽ giảm dần. Người bệnh không còn bị chảy nước mũi thường xuyên và bớt nghẹt mũi.
Massage mũi và đắp khăn ấm lên mũi
Dùng khăn mặt sạch nhúng nước nóng rồi đắp lên ngang mũi, dùng ngón tay giữ chặt trong khoảng 1 phút, lặp đi lặp lại động tác này nhiều lần. Sau đó dùng tay massage quanh sống mũi và các vị trí khác trên mặt như gò má, trán bạn sẽ cảm thấy giảm đau rõ rệt. Việc đắp khăn ấm và massage sẽ kích thích sự lưu thông máu quanh vùng xoang đồng thời khiến nhịch nhày loãng ra, giúp người bệnh bớt nghẹt mũi.
Gối cao đầu khi ngủ
Người bị viêm xoang khi ngủ thường xuất hiện các cơn ho do gối đầu quá thấp khiến các dịch nhày ở mũi trào ngược vào bên trong. Cách để giảm những triệu chứng khó chịu do viêm xoang khi ngủ đó là kê thêm 2 gối lót đầu để các dịch nhày và nước mũi chảy ra bên ngoài, không chảy vào họng gây nên các cơn ho ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Tắm nước nóng bằng vòi hoa sen
Nếu mới nghe bạn sẽ cho rằng đây là cách chữa khác lạ nhưng việc tắm nước nóng bằng vòi hoa sen được xem là cách trị viêm xoang hiệu quả. Khi bạn tắm hơi nước nóng hít vào sẽ làm giãn nở xoang mũi giúp lưu thông xoang, thông mũi, bớt nghẹt mũi. Bạn nên điều chỉnh nước ở độ ấm vừa phải, hít thở đều trong vòng 5-10 phút, đều đặn hàng ngày.
Quả dứa có thể giúp trị viêm xoang
Trong dứa có chứa một lượng lớn enzym bromelain, được sử dụng như một vị thuốc ở nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh tác dụng chống viêm, giảm đau, một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Đức đã chỉ ra bromelain còn có hiệu quả phục hồi thông qua việc làm giảm đáng kể các triệu chứng viêm xoang mạn tính ở trẻ em. Bạn chỉ cần ép lấy nước dứa uống sẽ có tác dụng chữa bệnh khá tốt.
Sử dụng thuốc kháng sinh
Việc sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách và đủ liều lượng sẽ diệt được vi khuẩn khu trú trong khoang mũi, ngăn chặn vi khuẩn ngược dòng vào bên trong gây nên viêm họng, viêm phổi… Tuy nhiên, muốn sử dụng các loại thuốc kháng sinh hiệu quả người bệnh cần có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.