Trong thời đại công nghệ số, một số quyền về nhân thân đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Nhiều nạn nhân vẫn chưa biết mình được pháp luật bảo vệ như thế nào?
Ngay từ khi mới thành lập, Nhà nước ta đã quan tâm và bảo vệ cho quyền riêng tư của công dân. Cụ thể, trong Hiến pháp 1946 có quy định: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”.
Theo xu thế phát triển chúng ta vẫn giữ quy định về bảo vệ quyền riêng tư và phạm vi bảo vệ cũng mở rộng hơn. Tuy nhiên, có thể thấy các bản Hiến pháp này chỉ quy định bảo vệ bí mật đời tư của công dân đối với tư tín, điện thoại, điện tín, phạm vi bảo vệ còn tương đối hẹp.
Hình minh họa (Nguồn: Thanh niên)
Đến Hiến pháp 2013, quyền bí mật đời tư của cá nhân đã được tiếp cận theo cách khác, theo đó: “(1). Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn và (2.) Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.
Hiến pháp 2013 đã mở rộng hơn rất nhiều đối với quyền bí mật đời tư, theo đó không chỉ bao gồm thư tín, điện thoại, điện tín mà tất cả các vấn đề về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình đều được pháp luật bảo vệ.
Đặc biệt, trước đây, nội dung này chỉ được quy định chung là quyền bí mật đời tư thì nay được ghi nhận theo hướng mở rộng và cụ thể hơn là bao gồm cả bí mật gia đình.
Và để cụ thể hóa, nội dung này đã lần đầu tiên được quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016).
Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015:
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.