Bi kịch gia đình sau tội lỗi của gã nghịch tử

An Dương| 22/04/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị cáo Nguyễn Văn Đấm (SN 1973, ngụ huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) đứng trước vành móng ngựa bởi tội ác mà mình gây ra đối với người cha ruột.

Đứng trên khía cạnh pháp luật hay đạo đức đều không thể dung thứ, nhưng đằng sau bản án lại là những câu chuyện buồn xé lòng về tình cảm gia đình, cha con...

Những người tham dự phiên tòa đều lặng người, bàng hoàng khó tin trước những lời khai của Nguyễn Văn Đấm về tính chất, động cơ phạm tội của bị cáo. Đấm sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại huyện Củ Chi. Cha Đấm là ông Nguyễn Văn Gấm (SN 1943) quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nuôi các con khôn lớn và tạo dựng được khu đất canh tác và sinh sống quây quần cho cả gia đình.

Trái với tính cách chăm chỉ của người cha, Đấm lại là một gã ham chơi, nhác làm và nghiện rượu chè. Mặc dù  đã có vợ và hai con nhỏ, sống cạnh nhà cha mẹ nhưng Đấm không tu chí làm ăn. Vợ Đấm sau nhiều lần khuyên can chồng bỏ  cờ bạc rượu chè không thành đã lặng lẽ bỏ nhà ra đi. Từ đó, Đấm ngập chìm trong những cơn say, bỏ mặc hai con nhỏ của Đấm (con lớn SN 2007, con nhỏ SN 2010) cho mẹ là bà Nguyễn Thị Rinh (SN 1949) còng lưng nuôi nấng.

Bi kịch gia đình sau tội lỗi của gã nghịch tử

Bị cáo Đấm tại phiên tòa

Thất vọng trước sự bạc nhược của đứa con ngỗ ngược, ông Nguyễn Văn Gấm thường xuyên la mắng, mong sao Đấm biết tu tâm dưỡng tính. Tuy nhiên,  Đấm bỏ ngoài tai, thậm chí y còn đòi bán đất, bán nhà nhưng ông Gấm không cho phép.

Trưa 25/4/2015, Đấm đi uống rượu với bạn bè đến say. Khoảng 14 giờ cùng ngày, Đấm về nhà lục bếp lấy cơm ăn và tuyên bố với mẹ hãy đồng ý cho y bán căn nhà (nằm sát bên cạnh nhà ông Gấm, bà Rinh). Đấm nại lý do “cần tiền để tậu đàn bò về nuôi”. Tuy nhiên, bà Rinh yêu cầu Đấm nói chuyện với cha vì giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất đều đứng tên ông Gấm.

Lúc này, ông Gấm đang nằm nghỉ ở trong nhà, loáng thoáng nghe chuyện Đấm nói bán nhà nên rất bức xúc liền bước ra la mắng Đấm. Ông khẳng định không mua bán gì hết vì nếu có tiền bán nhà, Đấm sẽ “nướng” hết vào cờ bạc, rượu chè. Nghe lời cha nói xong, Đấm hỗn xược phản ứng bằng cách cầm tô cơm  đang ăn ném mạnh xuống sàn nhà. Mảnh vỡ tô cơm văng trúng đầu và chân ông Gấm khiến ông bị thương chảy máu. Đấm không quan tâm đến thương tích của cha, y bỏ ra võng ở hành lang nằm.

Sau khi xảy ra vụ việc, em gái Đấm là chị Nguyễn Thị Thủy nhận được tin cha bị Đấm ném tô gây thương tích liền chạy về nhà cha mẹ. Chứng kiến cảnh cha mình bị thương nên chị Thủy không nén nổi bức xúc liền chạy vào bếp lấy cây rựa, đi đến chỗ Đấm đang nằm và hỏi: “Tại sao anh đánh cha?”. Sau đó, chị Thúy vung rựa chém Đấm nhiều nhát. Đấm vùng dậy bỏ chạy và nhặt khúc cây quay lại đánh chị Thúy nhưng được mọi người can ngăn. Chị Thúy liền đến Công an trình báo sự việc.

Lúc này, Đấm vào nằm ở trước sân, ông Gấm tuy bị thương nhưng quá bức xúc đứa con ngỗ nghịch nên chống gậy đến tiếp tục chửi mắng, dùng gậy đánh vào người Đấm. Đấm liền nhặt khúc tre gần đó tấn công vào vùng đầu cha ruột khiến ông Gấm ngất xỉu. Mọi người trong gia đình liền đưa ông Gấm đi cấp cứu  nhưng đến ngày 1/5/2015, do chấn thương sọ não quá nặng, ông Gấm đã không qua khỏi.  Đấm bị công an bắt tạm giam để điều tra về tội “Giết người”.

Tại phiên tòa sáng 12/4/2016, bị cáo Nguyễn Văn Đấm tỏ thái độ dửng dưng, không có chút gì ăn năn hối cải trước tội lỗi tày đình do y gây ra. Thậm chí, Đấm còn lớn tiếng cho rằng việc truy tố Đấm tội “Giết người” oan cho bị cáo(?).  Đấm nại lý do “tôi chỉ lỡ tay đánh cha trong cơn say chứ không cố ý giết chết cha”. Những người dự khán còn ngạc nhiên khi nghe Đấm bao biện cho hành vi phạm tội là do “cha bị cáo đánh trước nên bị cáo mới chống lại”. Vị Thẩm phán chủ tọa liền bác bỏ: “Cho dù bị cáo là người đã trưởng thành, thậm chí đã 60, 70 tuổi thì cha bị cáo vẫn có quyền la mắng bị cáo, bởi bị cáo là con. Trong vụ án này, cha bị cáo chỉ  muốn giữ lại đất, nhà cho con của bị cáo sau này nên mới can ngăn, la mắng bị cáo. Vậy nhưng bị cáo lại thực hiện hành vi đánh chết cha mình, còn gì là luân thường đạo lý? Lương tâm bị cáo ở đâu mà còn bao biện?”. Khi nghe Tòa phân tích, Đấm mới cúi đầu im lặng.

Cùng ra tòa với tư cách bị cáo cùng Đấm là chị Nguyễn Thị Thúy bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Chị Thúy trình bày, bản thân không cố ý gây thương tích cho anh trai. Do Đấm suốt ngày rượu chè bê tha, quậy phá cha mẹ già. Khi nghe tin cha bị Đấm gây thương thích, chị định cầm rựa hù dọa nhưng do trong lúc nóng giận lại làm Đấm bị thương. Từ đó khiến cha phải chống gậy ra nói chuyện với Đấm để rồi mất mạng.

Cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Đấm 20 năm tù về tội “Giết người”, Nguyễn Thị Thúy 2 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” cho hưởng án treo. Phiên tòa kết thúc trong tiếng nấc nghẹn của người mẹ già. Không hiểu trong thâm tâm, Đấm đã ngộ ra hậu quả đau lòng sau hành động ngỗ nghịch, bất hiếu của bản thân? 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bi kịch gia đình sau tội lỗi của gã nghịch tử