Theo lẽ thường, thân nhân của người bị hại lúc nào cũng có những lời miệt thị, mạt sát đối với kẻ tước đoạt mạng sống của người thân mình. Tuy nhiên, trong một phiên tòa mới đây, mọi chuyện lại hoàn toàn khác.

Mẹ và bà ngoại của nạn nhân liên tục xin giảm án cho hung thủ. Điều này đã khiến không ít người trong khán phòng rơi nước mắt.

Cuộc tình của anh làm thuê và cô tiếp viên quán karaoke

Ngay từ sáng sớm, bà Nguyễn Ngọc Ánh cùng mẹ được người nhà của bị cáo Phan Châu Cường (SN 1990, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đón đến phiên tòa phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM. Điều đáng nói, con gái của bà Ánh là chị Nguyễn Thị Nhi đã bị Cường sát hại cách đây gần một năm. Trên đường đến tòa án, bà Ánh không một lời oán trách Cường. Thay vào đó, bà không ngừng cầu mong tòa sẽ chấp nhận đơn kháng cáo, giảm án cho gã.

Bi kịch ghen tuông

Cường đứng nghe tuyên án

Trong phòng xét xử, hai mẹ con bà Ánh lặng lẽ nhìn bị cáo, thỉnh thoảng họ còn rơi nước mắt. Chúng tôi nhẹ nhàng đến bên cạnh bà Ánh hỏi khẽ: “Sao bà lại xin giảm án cho kẻ đã sát hại con gái của mình”. Bà Ánh vẫn không rời ánh mắt khỏi Cường: “Con gái tôi chết rồi, giờ mọi tình cảm, tôi dành hết cho bị cáo. Thử hỏi, làm sao không xin giảm án được”. Mẹ bà Ánh (bà ngoại của bị hại) móm mém tiếp lời: “Mất con, mất cháu, chúng tôi đau lắm chứ. Tuy nhiên, giờ có làm gì đi nữa thì Nhi cũng không sống lại. Trong khi đó, Cường không phải là người xấu. Cháu nó là người tốt”.

Có lẽ, gần một năm qua, không một ai chia sẻ nỗi đau mất con, do đó, khi thấy có người muốn lắng nghe, bà Ánh không ngại ngần trút bầu tâm sự. Bà kể, mẹ ruột chỉ sinh được mỗi bà. Đến bà sinh được hai người con gái. Bà luôn hy vọng, hai đứa con của mình sau này lớn lên sẽ có cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, ước mong đó không trở thành hiện thực.

Bi kịch ghen tuông

Mẹ con bà Ánh trong phiên tòa phúc thẩm

Con gái đầu lấy chồng, sinh được một cậu con trai. Cách đây vài năm, con gái tử vong trong một vụ tai nạn giao thông. Từ đó, bà nuôi đứa cháu ngoại. Riêng chị Nhi, do cuộc sống khó khăn nên đã lên thành phố Tây Ninh mưu sinh. Không được học hành, lại là thân gái chân yếu tay mềm, chị xin nhiều nơi nhưng chẳng ai nhận vào làm. Nhờ một người bạn giới thiệu, chị được chủ quán karaoke nhận vào làm tiếp viên.

Chị Nhi biết, làm tiếp viên quán karaoke mang tiếng vô cùng. Chị sợ mẹ và bà ngoại buồn nên giữ kín. Mỗi khi về thăm nhà, chị bảo mình làm công nhân. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, bà Ánh cũng biết được sự thật. Bà có gọi điện la mắng, chị Nhi khóc và hứa chỉ làm tiếp viên chứ không bán thân xác để kiếm cơm.

Sau đó không lâu, trong một lần khách vào hát karaoke, chị Nhi gặp Cường. Nghe Cường chia sẻ về hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải lên thành thị mưu sinh bằng nghề lát la phông. Dù tiền lương không cao nhưng cũng đủ sống. Cường bảo, điều ao ước lớn nhất là có một mái ấm hạnh phúc.

Chị Nhi thấy mủi lòng trước lời tâm sự của Cường, mặc dù chị cũng có ngại ngần khi được biết Cường nhỏ hơn mình 4 tuổi. Tuy nhiên, sau đó, hai người không thể kìm nén mãi nên thổ lộ tình cảm với nhau. Cứ thế, tình cảm của họ ngày càng thắm thiết.

Bi kịch ghen tuông

Họ quyết định thuê phòng trọ để sống chung như vợ chồng. Cường đưa chị Nhi về nhà ra mắt thì bị cha mẹ la mắng vì không chấp nhận con trai yêu một người lớn tuổi hơn, lại là tiếp viên quán karaoke. Ngược lại, khi chị Nhi đưa Cường về nhà, gia đình chị Nhi cũng phản đối.

Cường biết người yêu buồn nên ra sức khuyên nhủ, động viên. Cường cũng không muốn vì sự ngăn cản của hai gia đình mà đánh mất tình yêu nên dù bị mẹ và bà ngoại Nhi mắng, đuổi, Cường vẫn thường xuyên về thăm và kiên trì thuyết phục. Mưa dầm thấm lâu, mẹ con bà Ánh cảm nhận được tình cảm của Cường dành cho chị Nhi, họ dần chấp nhận.

Bà Ánh kể, cứ mỗi lần về nhà bà, Cường lại nhỏ nhẹ trò chuyện và làm hết thảy mọi công việc trong gia đình không nề hà nặng nhọc như sửa lại mái nhà, góc bếp… Cường lại hỏi thăm sức khỏe, nắn bóp chân, tay cho bà ngoại. Cứ thế, những hành động nhỏ nhặt, lời nói đầy chân tình của Cường đã chiếm trọn tình cảm của cả gia đình chị Nhi.

Đầu năm 2014, bà Ánh có nghe Cường bảo nghi ngờ chị Nhi có nảy sinh tình cảm với một người đàn ông tên Tuấn. Bà Ánh điện thoại hỏi thì con gái bảo không có. Bà Ánh nhỏ nhẹ động viên Cường đừng suy nghĩ lung tung mà khiến tình cảm đổ vỡ.

Bà Ánh không ngờ, vào trưa 15/2/2014, bà lại nhận được thông tin chị Nhi đã bị Cường sát hại. Khi bà đến phòng trọ, con gái đã qua đời, còn Cường được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Sau đó, bà có vào trại giam gặp Cường để hỏi rõ ngọn ngành. Cường kể, ngày lễ tình nhân (14/2/2014) Cường mua một chiếc nhẫn để làm quà cho chị Nhi. Khoảng 16h cùng ngày, chị Nhi đi làm về. Trong bữa cơm, Cường quỳ gối, tặng nhẫn và hứa hẹn suốt đời sẽ yêu thương chị cũng như người thân của chị.

Đến 21h, Cường phát hiện chị Nhi nhận được điện thoại của Tuấn rồi thay áo quần định dắt xe đi. Cường van nài người yêu ở nhà đón Valentine với mình. Tuy nhiên, chị Nhi cự tuyệt. Cường bực mình, thu điện thoại, chìa khóa xe. Chị Nhi yêu cầu trả lại cho mình đi chơi nhưng không được, nên dùng tay đánh vào mặt Cường. Trong cơn tức giận, Cường bóp cổ người yêu dẫn đến tử vong. Sau đó, Cường tự tử nhưng bất thành.

Trong những lần gặp bà Ánh trong trại giam, Cường không ngừng khóc, xin bà Ánh tha thứ cho mình. Gã bảo: “Nếu sau này còn sống trở về, con sẽ không bao giờ cưới vợ nữa. Con sẽ chuộc lỗi với mẹ và bà ngoại bằng cách chăm sóc hai người khi về già, xem như là cách báo hiếu và chuộc lỗi của con”. Qua ánh mắt, bà Ánh biết những lời nói ấy xuất phát từ đáy lòng của Cường. Do đó, bà cũng vơi giận.

Trong phiên tòa hôm ấy, bà Ánh khiến những người dự khán không khỏi bất ngờ khi ba lần bốn lượt đề nghị giảm án cho Cường. Không chỉ thế, mẹ của bà Ánh cũng xin có ý kiến. Cụ run rẩy, miệng móm mém, giọng nói đứt quãng: “Cường không phải là người xấu đâu. Mong tòa chấp nhận kháng cáo của mẹ con chúng tôi”.

Hôm đó, giờ nghị án diễn ra khá lâu. Chuông reo, mọi người đều hồi hộp vì không biết kết thúc phiên tòa như thế nào. Chủ tọa nhận định, tội ác của Cường là đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, xem xét những lời khẩn cầu của bà Ánh cũng như bà ngoại của nạn nhân, tòa chấp nhận giảm án cho Cường từ chung thân xuống còn 20 năm tù giam về tội “Giết người”.

Nụ cười chan hòa nước mắt

Theo chân công an ra xe bít bùng về trại giam, Cường không ngừng ngoái nhìn lại phía sau. Cường nhắn gửi: “Con cảm ơn mẹ và ngoại nhiều lắm. Con hứa sẽ cải tạo tốt, sớm trở về chăm sóc mẹ và ngoại”. Trong khi đó, mẹ con bà Ánh nhìn theo chiếc xe bít bùng lăn bánh, hòa vào dòng người nụ cười chan hòa nước mắt.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bi kịch ghen tuông