Ở độ tuổi ngoài thất thập, các cụ ông cụ bà thường dành thời gian vui thú điền viên, dạy dỗ con cháu để hưởng hạnh phúc tuổi già. Cuộc sống muôn hình vạn dạng, không phải lúc nào cũng diễn ra êm ả, có những cụ ông không muốn yên phận, tự tạo ra những “sóng gió” bằng tình huống chống gậy ra Toà ly hôn ở tuổi xế chiều thật oái oăm, ngậm ngùi…
Ngồi ở hàng ghế “nguyên đơn dân sự”, ông Trần Văn Long không giấu được sự gượng gạo, lưng ông như còng xuống dù khuôn mặt vẫn khá hồng hào so với độ tuổi ngoài 70 xuân xanh. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Lan năm nay đã hơn 60 tuổi, thỉnh thoảng đưa tay gạt nước mắt, có lẽ bà không thể hình dung sau suốt gần một đời sống cảnh vợ chồng, bà lại phải ra toà ly hôn trong một tình thế éo le. Cả hai đều xa cách tưởng như giữa họ chưa hề tồn tại những năm tháng mặn nồng. Người khởi xướng việc chia tay là ông Long, lý do được nêu trong đơn là “lối sống không phù hợp, hôn nhân không hạnh phúc”. Thực tế có nhiều lý do “tế nhị” khác mà mỗi khi nhắc đến, ông Long không khỏi ngượng ngùng.
Trình bày về những rắc rối trong hôn nhân ở tuổi xế chiều, ông Long trầm giọng kể về cuộc sống cô đơn khi hai ông bà không tìm được “tiếng nói chung”. Do không muốn làm phiền con cái nên hai ông bà chỉ sống bằng lương hưu và bà đã “quản lý” chi tiêu một cách quá chặt khiến ông bức bối, “nhiều khi trong túi không có tiền mời bạn bè uống trà mà bà ấy đâu có hiểu cho tôi”, ông Long phân trần. Ông không ngần ngại chê vợ khô khan, không hiểu tâm lý chồng khiến ông cảm giác mệt mỏi, lâu ngày thấy không còn tình cảm với vợ (?). Ông khẳng định chắc nịch: “Suốt mấy chục năm qua tôi sống với bà là quá đủ, giờ tôi muốn toà cho chúng tôi đường ai nấy đi”.
Khác vời lời trình bày của cụ ông, bà Nguyễn Thị Lan nghẹn giọng cho rằng tình cảm bà dành cho ông vẫn rất sâu đậm. Bà không hề giữ tiền cho riêng mình mà muốn tiết kiệm cho cả ông lẫn bà phòng lúc trái gió trở trời không phiền luỵ đến con cháu. Theo bà, nguyên nhân sâu xa là do ông “hồi xuân” nên thay lòng đổi dạ, có người đàn bà khác. Đó là cô N. ngụ cách nhà ông bà hai dãy phố, ông quen biết qua những lần thể dục buổi sáng. “Tôi già rồi nên sống với ông ấy chỉ là nghĩa, là tình, chuyện vợ chồng tế nhị tôi không thể chiều ông được nữa, vậy là ông có thêm tình nhân rồi bỏ bê tôi”, bà Lan đau khổ nói trong ngại ngùng.
Bà cho biết thêm ông nói với cả nhà muốn ly hôn bà để được tự do đi lại với cô N. Các thành viên trong gia đình không khỏi choáng váng, kiên quyết can ngăn nhưng ông đều bỏ ngoài tai. Đó là lý do phiên toà chỉ có mỗi hai ông bà, con cháu không muốn đi dự khán. Trình bày ý kiến, bà Lan không đồng ý việc ly hôn và mong muốn được hàn gắn tình cảm vì hai người đều đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, không nên sống cho riêng bản thân, nên vì con cái mà quay về nối lại tình nghĩa hơn 40 năm chung sống.
Trong quá trình xử án, vị Thẩm phán trầm tư, nhìn mái tóc đã bạc của hai đương sự, ông nhiều lần nhắc nhở hai cụ suy nghĩ lại. Trong xã hội ngày nay, không chỉ lớp trẻ “sống gấp” mà còn có những người già “sống vội”, việc ly hôn có thể được dư luận nhìn nhận cởi mở hơn. Luật Hôn nhân gia đình cũng không điều chỉnh tuổi tác trong vấn đề ly hôn, nhưng nhìn nhận ở khía cạnh đạo đức truyền thống, việc đưa nhau ra toà ở độ tuổi “gần đất xa trời” của các cụ quả đáng suy ngẫm. Sẽ có những tổn thương tâm lý nặng nề cho những người trong cuộc, nhất là ở cái tuổi mong muốn và khát khao bình yên nhất. Tuy nhiên, nếu vẫn níu giữ hôn nhân khi lửa lòng đã cạn, tình nghĩa đều nhạt phai thì những bi kịch và hệ luỵ sẽ còn khó lường hơn.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
An Dương