Bị cáo Vũ Hồng Chương: Buộc phải ký chuyển tiền dù biết là vi phạm

Mạnh Hùng| 11/01/2018 14:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (11/1), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi.

Theo đó, luật sư của bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án nhiệt điện Thái Bình 2, đã hỏi thân chủ của mình về việc chuyển tiền và ký một số công văn.

Nguyên Trưởng ban Quản lý dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Vũ Hồng Chương khai, bị cáo nhận quyết định về làm Trưởng ban Quản lý dự án ngày 31/3/2009 và Ban quản lý dự án là đơn vị trực thuộc Tập đoàn PVN, hạch toán phụ thuộc.

Bên cạnh đó, bị cáo Vũ Hồng Chương cũng cho biết, khi bị cáo về nhận công tác thì Hợp đồng EPC 33 đã được ký kết còn hợp đồng chuyển đổi 4194 thì mãi sau này mới ký kết, đồng thời, công trình nhiệt điện Thái Bình 2 đã được khởi công. Bị cáo Chương khẳng định, đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của HĐTV và có báo cáo lại.

Bị cáo Vũ Hồng Chương: Buộc phải ký chuyển tiền dù biết là vi phạm

Bị cáo Vũ Hồng Chương (Ảnh: Hải Đăng)

Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi về Công văn 378. Bị cáo đóng dấu mật gửi TGĐ Phùng Đình Thực và đây có phải là dấu hiệu bất thường cho vụ việc bình thường?

Theo đó, bị cáo Chương cho rằng, bị cáo đã trình bày với HĐXX ngày hôm qua và "chẳng qua là tình thế bức bách quá, một mình tôi đơn thân nên phải làm thế"-bị cáo Chương nói.

Bên canh đó, luật sư đặt câu hỏi về việc vì sao biết rõ Hợp đồng 33 không đầy đủ cơ sở nhưng vẫn chuyển tiền tạm ứng cho tổng thầu PVC? Bị cáo Chương: "Tôi buộc phải làm thủ tục chuyển tiền theo yêu cầu của lãnh đạo của PVN với những lý do sau đây:

Thứ nhất, tôi là đơn vị cấp dưới phải phụ thuộc cấp trên, tôi nghĩ rằng, tất cả mọi việc khác phải cố gắng làm, báo cáo kết quả. Tôi là đơn vị cấp dưới phải thực thi chủ trương của đơn vị cấp trên từ chủ trương, đề xuất tạm ứng của lãnh đạo tập đoàn.

Trước sức ép của công việc, dưới áp lực trên đe dưới búa do chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo HĐTV tập đoàn, tôi là một đơn vị mắt xích nhỏ trong hoạt động của tập đoàn nên phải thực hiện.

Thực thi mệnh lệnh, quy chế tập đoàn, tôi buộc phải ký chuyển tiền, mặc dù khi ký, tôi biết vi phạm Nghị định 48 của Chính phủ. Nhưng nếu tôi không ký, người ta sẽ đổ cho tôi thế nọ, thế kia, là nhũng nhiễu nhà thầu, cản trở công việc, cản trở dự án lúc đó sẽ bất lợi với tôi".

Cũng tại tòa, bị cáo Vũ Hồng Chương khai nhiều lần nhận được công văn chỉ đạo của Tập đoàn (do Phó TGĐ Nguyễn Xuân Sơn ký) yêu cầu phải chuyển tiền tạm ứng cho PVC ngay trong ngày (ngay khi Ban Quản lý dự án nhận được tiền tạm ứng từ PVN chuyển về).

Bị cáo này cho biết thêm, sau khi chuyển tiền, bị cáo có 2 công văn yêu cầu tổng thầu báo cáo việc sử dụng vốn tạm ứng như thế nào.

Đến tháng 9/2011, tổng thầu có công văn sang, qua kết quả kiểm tra của Tập đoàn mới phát hiện ra, sử dụng tiền tạm ứng trái mục đích. Cuối năm 2011, tất cả những khối lượng xây lắp nằm trong năm này của tổng thầu không được thanh toán, chỉ trừ tiền nộp thuế.

Cũng trong phiên tòa sáng nay, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng đã đặt câu hỏi cho thân chủ của mình về những vấn đề liên quan đến Hợp đồng 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC giữa PVPower và PVC, về tổng thầu thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVPower làm chủ đầu tư.

Hợp đồng này được ký kết giữa hai đơn vị và người ký là ông Vũ Huy Quang, nguyên Tổng Giám đốc PVPower và bị cáo Vũ Đức Thuận, cựu Tổng Giám đốc PVC. Tại phiên tòa xét xử, ông Vũ Huy Quang (đến toà với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) cho biết hợp đồng này còn thiếu 5 căn cứ để có thể tiến hành thi công theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, lãnh đạo PVN đã ép phải ký trước ngày 28/2/2011 để kịp khởi công vào ngày 1/3/2011.

Nguyên Tổng Giám đốc Vũ Huy Quang nói “Trong bối cảnh không đủ điều kiện như vậy mà tập đoàn PVN vẫn bắt ký, Ban Kế hoạch chúng tôi đã họp và đề xuất là có thể có vi phạm một chút nhưng có thể tháo gỡ được”.

Sau đó, với lý do PVPower không có đủ năng lực làm chủ đầu tư, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo Phùng Đình Thực, cựu Tổng Giám đốc PVN và Nguyễn Quốc Khánh, cựu Phó TGĐ PVN làm thủ tục để PVN thay PVPower làm chủ đầu tư dự án và nhận trách nhiệm tạm ứng cho PVC theo Hợp đồng số 33.

Ngày 31/3/2011, Đinh La Thăng ký Quyết định số 825/QĐ-DKVN thành lập Ban Quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Trong cuộc họp ngày 31/3/2011 công bố Quyết định thành lập Ban Quản lý dự án do Đinh La Thăng chủ trì, Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Hồng Chương, Trịnh Xuân Thanh, và Vũ Đức Thuận có tham dự, sau khi nghe ông Vũ Huy Quang báo cáo về việc hợp đồng số 33 không đủ căn cứ, không thể tiếp tục thực hiện, Đinh La Thăng đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án rà soát lại hợp đồng số 33 để tiến hành ký lại hợp đồng EPC giữa PVN và PVC.

Bị cáo Vũ Hồng Chương: Buộc phải ký chuyển tiền dù biết là vi phạm

Bị cáo Đinh La Thăng (Ảnh: Hải Đăng)

Để làm rõ vai trò của bị cáo Thăng trong việc này, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt ra một số câu hỏi cụ thể với bị cáo Đinh La Thăng:

Luật sư: Ông là người chủ trì cuộc họp 31/3?

Bị cáo Đinh La Thăng: Vâng

Luật sư: Nội dung của cuộc họp và kết luận của ông như thế nào?

Bị cáo Đinh La Thăng: Có rất nhiều nội dung, căn cứ vào đề nghị của các đơn vị, bị cáo có kết luận để giải quyết đề nghị của cá đơn vị. Biên bản của cuộc họp được gửi cho các bên liên quan đọc để thống nhất trước khi ban hành thông báo kết luận cuộc họp. Trong đó có xác định hợp đồng số 33 không có căn cứ pháp lý. Bản thân bị cáo cũng không biết hợp đồng 33 không có hiệu lực.

Mọi chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn, nếu không đúng quy định pháp luật thì người thực hiện có quyền không thực hiện, nếu người thực hiện có báo cáo nhưng vẫn bị yêu cầu thực hiện thì người thực hiện có quyền bảo lưu bằng văn bản.

Luật sư: Trách nhiệm thực hiện nội dung này là của ai?

Bị cáo Thăng: Theo quy định của pháp luật, chủ thể của hợp đồng là người chịu trách nhiệm, đối với dự án này Hội đồng thành viên PVN đã giao cho Hội đồng thành viên PVPower quyết định lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng. Hợp đồng chỉ có hiệu lực khi Hội đồng thành viên PVPower phê duyệt, chứ không phải Hội đồng thành viên PVN phê duyệt, vì khi đó PVPower là Chủ đầu tư.

Luật sư: Ban Tổng Giám đốc PVN có quyền can thiệp vào quá trình thương thảo và ký kết Hợp đồng?

Bị cáo Thăng: PVPower là đơn vị hạch toán độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật, tự chủ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên PVN không có quyền can thiệp.

Luật sư: Khi bắt đầu quyết định chuyển chủ đầu tư về PVN thì trách nhiệm đó thuộc trách nhiệm của PVN?

Bị cáo Thăng: Vâng.

Cuối giờ sáng nay, HĐXX kết thúc phần xét hỏi. Chiều nay, 2h30’ phiên tòa sẽ chuyển sang phần tranh luận, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại phiên tòa đọc bản luận tội và đề nghị mức án với từng bị cáo.

Báo Công lý sẽ chuyển đến độc giả những diễn biến tiếp theo của phiên tòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bị cáo Vũ Hồng Chương: Buộc phải ký chuyển tiền dù biết là vi phạm