Bị cáo Đinh La Thăng: “Góp vốn của PVN vào OJB là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”

Mạnh Hùng| 20/03/2018 18:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (20/3), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm trong vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.

Mở đầu phiên tòa chiều nay, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV - PVN trả lời các câu hỏi của luật sư bào chữa.

Theo đó, trả lời luật sư Phan Trung Hoài về việc OceanBank (OJB) bị NHNN mua 0 đồng vào năm 2015 dẫn đến việc PVN mất vốn 800 tỷ đồng vốn góp tại ngân hàng này, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho PVN thoái vốn từ năm 2014 thì đã không có chuyện Tập đoàn này bị mất vốn.

Câu chuyện thoái vốn của tập đoàn PVN xuất phát từ việc Tập đoàn này sở hữu 20% vốn điều lệ OJB, vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 55 Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2011 về tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng.

Cụ thể: Luật quy định một tổ chức chỉ được phép sở hữu tối đa 15% vốn điều lệ của một TCTD. Đinh La Thăng nói: “Với một cổ đông lớn, một đối tác lớn như PVN mà thoái vốn thì phải có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Nếu Thủ tướng đồng ý cho PVN thoái vốn từ năm 2014 thì đã không có chuyện mất vốn của PVN. Việc thoái vốn phải có lộ trình, không phải thích rút thì rút”.

Bị cáo Đinh La Thăng: “Góp vốn của PVN vào OJB là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”

Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa chiều nay

Bị cáo Đinh La Thăng cho biết thêm, ngay từ tháng 3/2011, HĐTV PVN đã thống nhất giao Tổng Giám đốc triển khai việc chuyển nhượng phần vốn của PVN tại OceanBank, nhưng vì sao không thực hiện được thì bị cáo không có trách nhiệm. Bị cáo này nói: “Sau đó bị cáo chuyển công tác ở công việc khác, từ đó bị cáo không bao giờ quay trở lại. Khi vụ án bị khởi tố thì bị cáo mới biết hai bên đã tìm đối tác là một doanh nghiệp Singapore và một doanh nghiệp trong nước, các bên đã thống nhất chuyển nhượng vốn của PVN tại OceanBank . Ban đầu Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng sau đó đã không đồng ý”.

Bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục, trong khoảng thời gian từ năm 2009 - 2013, tập đoàn PVN đều được chia cổ tức từ khoản đầu tư vào OceanBank, việc sau này ngân hàng gặp khó khăn, bị cáo không biết vì thuộc trách nhiệm HĐQT và Ban điều hành Ngân hàng Đại Dương.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Thăng  nói về việc Ngân hàng Nhà nước mua OJB với giá 0 đồng, bị cáo này nói: “Bị cáo có theo dõi và được biết Thủ tướng đã yêu cầu chấm dứt việc mua 0 đồng đối với các TCTD. Bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội trong lần xét xử vụ án OceanBank cũng đã yêu cầu làm rõ tính pháp lý của việc mua 0 đồng, và theo bị cáo được biết việc mua 0 đồng là trái với quy định của pháp luật”.

Nói về trách nhiệm của bản thân trong việc tập đoàn PVN góp vốn vào OceanBank, bị cáo Đinh La Thăng  khẳng định: “Tất cả các đợt góp vốn đều phải có sự đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ và PVN lấy đó làm căn cứ để thực hiện. Việc thực hiện theo đúng quy định của pháp pháp luật là đương nhiên nên HĐQT PVN hoàn toàn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu có gì sai phạm thì Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có sự chỉ đạo dừng việc đầu tư”.

Nói về Nghị quyết của HĐTV PVN đồng ý góp vốn đợt 3 (100 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ của OceanBank, bị cáo Thăng khẳng định trong thời gian này bị cáo đi công tác dài ngày và ủy quyền cho hai thành viên HĐQT là Hoàng Xuân Hùng và Nguyễn Xuân Thắng nên không biết. “Mặc dù bị cáo không tham gia biểu quyết và không biết về việc này, bị cáo cũng không được nghe anh Thắng báo cáo, nếu biết thì bị cáo đã chỉ đạo dừng thực hiện. Tuy nhiên, bị cáo nhận trách nhiệm là người đứng đầu. Tại phiên tòa này, bị cáo xin nhận trách nhiệm hoàn toàn thay cho anh Thắng, anh Đức”, bị cáo Thăng nói.

Bị cáo Đinh La Thăng: “Góp vốn của PVN vào OJB là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”

Ông Hà Văn Thăm tại phiên tòa

Cũng tại phiên tòa xét xử chiều nay, luật sư Lê Văn Thiệp đặt câu hỏi đối với nguyên Chủ tịch OceanBank - Hà Văn Thắm, với tư cách người làm chứng.

Theo đó, ông Hà Văn Thắm cho rằng khi mua cổ phần OceanBank, PVN chỉ là một cổ đông bình thường như những cổ đông khác và họ cũng chỉ có một đại diện trong HĐQT của ngân hàng. Đây đơn thuần là hoạt động góp vốn vào OceanBank, chứ không phải là mua cổ phần. Ông này nói: “Không có một cổ đông nào của OJB nhận tiền của PVN cả nên đây được coi là hoạt động góp vốn để tăng vốn điều lệ. Nếu dùng đúng từ phải là “góp vốn” chứ không phải là “mua cổ phần” vì đây là việc góp thêm vốn điều lệ của OceanBank”.

Tiếp đến, luật sư Lê Văn Thiệp hỏi về việc ngân hàng bị mua 0 đồng, Hà Văn Thắm nói: “Nếu mua 0 đồng thì phải đưa ngân hàng vào kiểm soát đặc biệt và phải báo cáo với đơn vị kiểm toán và các cổ đông. Tôi không biết việc ngân hàng bị mua 0 đồng, và đến năm 2016, tôi nói với cán bộ điều tra là “cho em được đi thu nợ”, lúc đó người ta nói rằng “ngân hàng của anh bị mua mất rồi còn đâu”.

Ông Thắm nói: “OJB có sở hữu một giá trị rất lớn về bất động sản, nếu ký mua 0 đồng với đặc thù của OJB thì phải là Thủ tướng ký”. Ông tiếp tục: “Cho đến khi tôi bị bắt, OJB chưa bao giờ bị coi là ngân hàng yếu kém. Trước đó, đoàn thanh tra của NHNN có kết luận chúng tôi nợ xấu 14 nghìn tỷ đồng tính đến tháng 3/2014, sau đó chúng tôi thu lại được 8 nghìn tỷ đồng vào tháng 9/2014. Nhưng kết luận thanh tra vẫn không ghi chi tiết này”.

Theo đó, ông Hà Văn Thắm mong muốn HĐXX và các cơ quan nhà nước xem xét lại việc mua 0 đồng này để các cổ đông, trong đó có PVN, bớt thiệt thòi; nếu giá trị ngân hàng được tính bằng 0, ít nhất cũng phải trả lại tài sản cho cổ đông.

Phiên tòa sẽ được tiếp tục làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (21/3).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bị cáo Đinh La Thăng: “Góp vốn của PVN vào OJB là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”