Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp thông tin về Chương trình Avant – hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Áo về phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đột quỵ gia tăng
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc - Giám đốc Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Trung ương quân đội 108) cho biết: Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau ung thư, tim mạch và đứng đầu về tàn tật. Những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đang tăng nhanh, nhưng hầu hết bệnh nhân lại không được điều trị phục hồi chức năng sau khi xuất viện. Đây là lý do khiến nhiều bệnh nhân sau đột quỵ bị liệt các chi, liệt nửa người, cứng cơ, rối loạn nhận thức và lời nói giao tiếp…
Theo PGS.TS Lương Tuấn Khanh - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bạch Mai, ở nước ta, tỷ lệ mắc đột quỵ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới và các lứa tuổi. Hàng năm, khoảng 230.000 ca mới và ước tính ngành y tế chi phí khoảng 48 triệu USD/năm.
Một khóa tào tạo về PHCN cho người nhà người bệnh vừa được triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai.
Khoảng 86% bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại khoa cấp cứu, điều trị tích cực, can thiệp tim mạch và phục hồi chức năng. Nhờ các phương pháp can thiệp điều trị tiên tiến được áp dụng ngay trong những giờ đầu nên tỷ lệ tử vong do căn bệnh này đã giảm 17% kể từ 2013 đến nay.
Cũng theo bác sĩ Khanh, số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm…
Đặc biệt, chỉ có 20-30% số bệnh nhân sau điều trị tự đi lại phục vụ bản thân, 20-50% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày, 15-25% bệnh nhân đột quỵ phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
Các biểu hiện bệnh đột quỵ dễ nhầm lẫn
Thống kê của Trung ương Quân đội 108 cho thấy, trước đây bệnh nhân đến viện, tỷ lệ thiếu máu não thoảng qua (giai đoạn sớm của bệnh đột quỵ) chiếm tỷ lệ 3-5%, thì trong một năm gần đây thì những người có triệu chứng sớm của đột quỵ não vào viện chiếm tới 20% và trong số đó và rất nhiều bệnh nhân được các bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán phát hiện sớm nên tỷ lệ hồi phục cao.
Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại bệnh viện Bạch Mai
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Ngọc, nhận biết bệnh đột quỵ qua một số chức năng như bệnh nhân có méo miệng, liệt miệng. Thứ hai tay chân bệnh nhân đang vận động thấy yếu, tê. Thứ ba là rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm giác, biểu hiện chóng mặt.
Tất cả các triệu chứng đó trùng lặp với nhiều bệnh lý nội khoa khác. Đặc biệt, nhiều người cứ thực hiện theo dân gian, khi thấy méo miệng thì xoa bóp, yếu tê nửa người một lúc xong hết, nhưng thực tế đó là những biểu hiện sớm của đột quỵ, trong đó là những cơn thiếu máu não thoảng qua.
Trước thực trạng bệnh nhân đột quỵ sau điều trị giai đoạn cấp chưa được tiếp cận với các phương pháp trị phục hồi chức năng một cách có hệ thống và bài bản, việc phổ cập các kiến thức, bài tập phục hồi chức năng không chỉ giúp bản thân bệnh nhân có thể sinh hoạt độc lập, sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường mà còn giúp giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.
Vì vậy, chương trình Avant ra đời nhằm chuẩn hóa hệ thống hóa việc phục hồi thần kinh sau đột quỵ thông qua các khóa đào tạo dành cho đối tượng tham gia là các bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng hội Y học Việt Nam, mạng lưới đào tạo sẽ được phát triển trên khắp cả nước, từ các bệnh viện Trung ương đến các cơ sở y tế tuyến tỉnh và thành phố. Dự kiến sẽ có 100 khóa tập huấn dành cho các cán bộ y tế và 100 lớp học cho người nhà bệnh nhân diễn ra trong ba năm, từ 2017-2020.