Các chuyên gia tim mạch đã hội chẩn, tư vấn và cùng can thiệp tim mạch cho một bé trai mới 23 ngày tuổi bị hẹp van động mạch phổi.
PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với những trường hợp khó, trước đây đều phải chuyển tuyến về Bệnh viện Nhi Trung ương để can thiệp. Nhưng hiện nay, nhờ đề án bệnh viện vệ tinh, các bác sĩ tuyến dưới đã có thể làm tốt kĩ thuật này, các bác sĩ tuyến trên chỉ hướng dẫn những ca khó.
Trước đó, vào ngày 29/5, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa vào sử dụng hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa - Telehealth. Đây là bệnh viện thứ 2 sử dụng ứng dụng này để khám chữa bệnh sau Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Qua ứng dụng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các chuyên gia tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương đã hội chẩn, tư vấn và cùng can thiệp tim mạch cho một bé trai mới 23 ngày tuổi bị hẹp van động mạch phổi khá phức tạp tại điểm cầu Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn từ xa tại điểm cầu Bệnh viện Nhi Trung ương
Bệnh nhi 23 ngày tuổi, nặng 4,5kg nhập viện trong tình trạng tím tái, thở nhanh và được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh chẩn đoán hẹp van động mạch phổi, có thể đe dọa đến tính mạng.
Ngay sau đó, bệnh nhi được chuyển đến phòng phẫu thuật có kết nối hệ thống hội chẩn từ xa với sự tham gia của Tiến sĩ Lê Hồng Quang - Trưởng Khoa Hồi sức tim mạch (Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương).
Kíp phẫu thuật thống nhất chỉ định can thiệp tim mạch, nong van động mạch phổi bằng bóng qua da và toàn bộ hình ảnh quá trình này được truyền trực tiếp về đầu cầu Bệnh viện Nhi Trung ương. Ca can thiệp tim mạch đã diễn ra thành công, bệnh nhi đang được hồi sức tích cực và sức khỏe có tiến triển khả quan.
Trường hợp khác cần hội chẩn là một bệnh nhi 13 tháng tuổi ở Phú Thọ, được phát hiện teo thực quản bẩm sinh, đã từng được phẫu thuật khi 1 ngày tuổi.
Tuy nhiên 4 tháng gần đây, trẻ nôn liên tục 8-10 lần/ngày, nôn cả thức ăn lẫn dịch. Bệnh nhân thiếu máu nghiêm trọng, mệt nhiều, viêm phổi nặng. Sau khi xem xét kĩ các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân sẽ phải can thiệp phẫu thuật sớm để tạo hình lại thực quản.
Ca bệnh thứ 3 là một bệnh nhi bị u não khó chẩn đoán ở Bắc Ninh. Ca bệnh thứ 4, nhóm chuyên gia tư vấn vận chuyển một ca bệnh cấp cứu từ Hà Nam lên Hà Nội. Trường hợp thứ 5, hướng dẫn chăm sóc cho một bà mẹ 18 tuổi người dân tộc sinh con tại huyện vùng cao Sốp Cộp.
GS Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Telehealth cho phép hội chẩn cùng lúc rất nhiều điểm cầu, chất lượng hình ảnh, âm thanh rất tốt.
Ngoài tư vấn, hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ ở nhiều đầu cầu có thể xem trực tiếp hình ảnh siêu âm, điện tâm đồ, nhịp tim, huyết áp, soi tai mũi họng, các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân... để có những đánh giá chuẩn xác.
Ứng dụng này cũng cho phép bệnh nhân kết nối trực tiếp với bác sĩ, đặt lịch khám, xem lại lịch sử điều trị, đọc các chỉ định của bác sĩ. Những trường hợp không thể đi lại, bệnh nhân có thể mua thêm trang thiết bị, tự kết nối với bác sĩ tại nhà để thực hiện đo, khám lâm sàng theo hướng dẫn của bác sĩ.
"Mô hình khám chữa bệnh từ xa đặc biệt có ý nghĩa với các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện vùng sâu, vùng xa, giúp các bác sĩ tuyến dưới có thể học tập, nâng cao trình độ chuyên môn qua việc trao đổi, tư vấn, hỗ trợ từ những chuyên gia nhi khoa đầu ngành", ông Hải chia sẻ.
GS Hải thông tin thêm, kể từ sau hôm nay, bệnh viện sẽ thường xuyên có đội ngũ bác sĩ trực tại phòng hội chẩn trực tuyến 24/24h. Khi có cuộc gọi của tuyến dưới sẽ lập tức điều động chuyên gia từ các khoa có mặt để cùng hỗ trợ.