Bệnh nhân vẫn hãi hùng với nhà vệ sinh trong bệnh viện

Thảo Nguyên| 27/03/2018 20:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo báo cáo chỉ số hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh, người bệnh kém hài lòng nhất là cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; trong đó tiêu chí Nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng thấp nhất.

Chỉ số hài lòng người bệnh Việt Nam (PSI) được tiến hành thí điểm thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện dựa trên danh sách gần 140.000 bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước tham gia chương trình khảo sát.

TS Nguyễn Thị Lan Hương - Đại diện Tổ chức Sáng kiến Việt Nam cho biết, bệnh nhân được khảo sát dựa trên 13 câu hỏi, 11 tiêu chí với 6 nhóm trên thang điểm 5: Khả năng tiếp cận; Minh bạch thông tin về khám bệnh và điều trị; Thái độ ứng xứ, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế; Cấp phát thuốc và hướng dẫn sử dụng; Chi phí khám chữa bệnh; Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ người bệnh.

Kết quả khảo sát cho thấy, nhìn chung người bệnh thấy hài lòng nhất về tiêu chí cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc (4,25/5). Tiêu chí Nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58), tiếp theo là tiêu chí Chi phí khám, chữa bệnh (3,99) và Chất lượng giường, chăn, ga, gối, đệm (3,9).

Bệnh nhân vẫn hãi hùng với nhà vệ sinh trong bệnh viện

Tại nhiều cơ sở y tế, nhà vệ sinh bệnh viện luôn là nỗi ám ảnh. (Ảnh minh họa: D.Ngân)

Một số người bệnh tham gia khảo sát cho biết, họ phàn nàn về tình trạng hầu hết các bệnh viện, nhà vệ sinh còn rất thiếu so với số người đến khám, chữa bệnh, nên các nhà vệ sinh luôn quá tải. Các nhà vệ sinh bệnh viện phần lớn không có xà phòng rửa tay và giấy vệ sinh. Trong khi chính ngành y tế đã tổ chức nhiều chiến dịch kêu gọi người dân rửa tay bằng xà phòng để diệt khuẩn, thì điều này là rất trái khoáy!

Cùng với số lượng thiếu, chất lượng nhà vệ sinh cũng đáng ngại bởi tình trạng hôi hám, hỏng hóc, dính chất thải, không sử dụng được, cửa khóa vv… khá phổ biến.

Cũng theo khảo sát, người bệnh sử dụng dịch vụ theo yêu cầu có mức độ hài lòng cao hơn ở hầu hết các yếu tố, đặc biệt chênh lệch ở cơ sở vật chất phục vụ người bệnh (3,93/5 ở dịch vụ theo yêu cầu và 3,73/5 ở dịch vụ thường), kết quả cung cấp dịch vụ (4,27 so với 4,14) và thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế.

Trong số 29 bệnh viện khảo sát có 5 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng Rất Tốt; 16 bệnh viện được xếp hạng Tốt; 8 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng Khá và 2 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng Trung Bình. Nhóm bệnh viện được xếp hạng cao nhất và thấp nhất theo phản hồi của người bệnh đều là các bệnh viện thuộc tuyến tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, việc công khai các chỉ số trong báo cáo sẽ giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của các bệnh viện công thông qua tăng cường minh bạch về chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện, tăng cường công tác giám sát của người dân và cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ y tế công, đặc biệt khi Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công, gia tăng quyền tự chủ cho các bệnh viện, tăng giá các dịch vụ y tế theo lộ trình hướng đến "tính đúng, tính đủ" theo giá trị vào năm 2020.

Lắng nghe phản hồi của người sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế vẫn là một cách tiếp cận mới mẻ với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay ở các nước phát triển, khảo sát hài lòng người bệnh mang tính bắt buộc và được tiêu chuẩn hóa, áp dụng đồng bộ tại các bệnh viện công trong toàn quốc cũng chỉ mới bắt đầu từ thập kỷ 1990.

“Bộ Y tế đã là một trong những Bộ tiên phong xây dựng và thể chế hóa hệ thống đánh giá chất lượng bệnh viện nói chung, thu nhận phản hồi từ người dân sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh nói riêng trong những năm gần đây theo triết lý của quản trị hiện đại”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Từ năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, trong đó nhóm tiêu chí bảo đảm hài lòng người bệnh là một trong năm nhóm tiêu chí phục vụ đánh giá chất lượng bệnh viện. 5 năm qua, Bộ Y tế đã triển khai đo lường sự hài lòng của người bệnh đối với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh công lập bằng cách bệnh viện tự đánh giá và đánh giá thông qua các đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, Sở Y tế.

Phiếu khảo sát của Bộ Y tế được xây dựng gồm năm bộ chỉ số (34 câu hỏi), bao phủ các nội dung tổng hợp về các vấn đề mà người bệnh nội trú quan tâm, cũng như các vấn đề có khả năng ảnh hưởng tới trải nghiệm của bệnh nhân trong cơ sở y tế.

Từ tháng 12/2016 đến tháng 12/2017, đã có trên một triệu phiếu khảo sát về sự hài lòng của người bệnh nội trú và ngoại trú được nhập trên phần mềm khảo sát trực tuyến của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế). Theo đó, tính chung trên cả nước, tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú đạt 75,6%.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh nhân vẫn hãi hùng với nhà vệ sinh trong bệnh viện