Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) chủ yếu do virus nhóm adeno gây nên. Hiện không có thuốc đặc trị cho virus này, chỉ có điều trị bổ trợ và thực hiện các biện pháp vệ sinh để ngăn lây lan.
Tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước… và một số bệnh viện Trung ương, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đang gia tăng nhanh chóng. Tháng 9 cũng là thời điểm học sinh bước vào năm học mới, việc học sinh trở lại trường có cơ hội tiếp xúc gần với nhau nên dịch rất dễ lây lan.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh đau mắt đỏ là cách gọi dân gian, chuyên môn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt do cương tụ (giãn) các mạch máu nông nên được gọi là bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, bệnh còn có dấu hiệu: nhiều tiết tố (ghèn, dử mắt) kèm theo sưng nề mi mắt, cộm, chảy nước mắt…
Có nhiều tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ như các loại vi khuẩn gây viêm kết mạc cấp như phế cầu, tụ cầu, liên cầu, lậu cầu... Ở trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc do lậu cầu qua đường sinh dục của người mẹ bị bệnh. Bên cạnh đó còn có các loại virus như adenovirus thường lây lan mạnh, gây ra các vụ dịch lớn (viêm kết mạc họng hạch) do đặc tính lây qua đường hô hấp và khả năng tồn tại được lâu ở ngoài môi trường, hay virus Enterovirus, Herpes...
Ngoài ra, do người bệnh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng dẫn đến mắt bị đỏ nhanh, hai mắt ngứa nhiều, người bệnh dụi tay lên mắt. Đây chính là nguyên nhân gây bội nhiễm, cũng có thể bị ngứa, sổ mũi. Bệnh hay tái phát nhiều đợt, tiết tố dai dính trắng, đôi khi có tiết tố vàng, nhạy cảm với ánh sáng, thị lực mờ. Khi mắc đau mắt đỏ, người bệnh cần chữa trị theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.
Các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid vì không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Theo bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung ương, một số người thấy mình đau mắt đỏ đã vội vàng đi mua thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid để sử dụng theo lời mách của người khác. Thuốc này có tác dụng chống viêm, nhanh chóng làm mắt đỡ bị đỏ, sưng, phù nề, nhiều người dùng tưởng là có hiệu quả tức thì nên hay truyền miệng cho nhau.
Tuy nhiên, thuốc chứa corticoid là con dao hai lưỡi, có tính kháng viêm mạnh nhưng đồng thời cũng để lại hậu quả nặng nề nếu sử dụng không đúng bệnh, không đúng liều lượng.
Nếu bệnh nhân bị ngứa, đỏ mắt vì bị nấm giác mạc thì thuốc corticoid sẽ làm bệnh lan rộng hơn, nặng hơn, làm vết loét rộng ra, lâu lành sẹo, dẫn đến thủng giác mạc, gây mù. Ngay cả bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ cũng phải cân nhắc bệnh nặng nhẹ để kê thuốc corticoid.
Chỉ những bệnh nhân đau mắt nhưng không bị tổn thương giác mạc thì mới được kê thuốc nhỏ trong vài ngày, với sự giám sát của bác sĩ.
"Dùng loại thuốc nhỏ mắt có corticoid phải do bác sĩ chuyên khoa mắt chỉ định, không được tự ý dùng một cách vô tội vạ. Về nguyên tắc sử dụng, loại thuốc này được chỉ định dùng từ 7 - 10 ngày, tình trạng bệnh thuyên giảm hay không vẫn phải đổi loại thuốc khác. Một số bệnh liên quan đến dị ứng, miễn dịch như viêm màng bồ đào là bệnh mãn tính, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt có corticoid lâu hơn, thậm chí suốt đời, song theo nguyên tắc giảm dần liều và theo dõi chặt chẽ biến chứng", bác sĩ Cương nhấn mạnh.
Để chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân:
- Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.
- Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.
- Người bệnh không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc. Cần sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như đồ ăn uống, chậu, khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ; đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi...
- Đối với trẻ em, cần vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt và hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người. Đặc biệt, khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.