Sức Khỏe

Bệnh đau mắt đỏ bùng phát, hàng trăm học sinh phải nghỉ học

Minh Quân 19/09/2023 - 14:02

Bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát tại Quảng Ngãi, nhất là trong các trường học. Hiện đã có hàng trăm học sinh phải nghỉ học để điều trị và hạn chế lây lan.

Trong những ngày qua, tại tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện có hàng ngàn trường hợp bị bệnh đau mắt đỏ, chủ yếu tại các trường học. Theo thống kê sơ bộ trong các cấp học của địa phương này, có 1.000 đến 1.500 em học sinh bị phát hiện mắc bệnh đau mắt đỏ mỗi ngày.

Trường tiểu học Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) có 622 học sinh, thuộc 24 lớp, tuy nhiên trong 2 tuần qua, đã có 132 học sinh bị đau mắt đỏ. Đến nay, đã có 43 học sinh khỏi bệnh và đi học trở lại. Còn lại 89 học sinh vẫn đang nghỉ học ở nhà, cách ly với các bạn cùng lớp theo yêu cầu của nhà trường.

anh-tin-benh-mac-do-1.jpg
Lớp học vắng nhiều học sinh vì bệnh đau mắt đỏ.

Theo ghi nhận của Phóng viên, tại lớp 5C, Trường tiểu học Tịnh Hiệp, có 35 học sinh, nhưng hiện có đến 19 học sinh vắng mặt vì mắc bệnh đau mắt đỏ phải ở nhà điều trị nhằm tránh việc lây lan trong trường.

Cô Phan Thị Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 5C cho biết, bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh. Cách đây vài ngày, lớp vắng 3 em, nhưng sau 3 ngày thì con số học sinh vắng của lớp đã lên đến 19 em.

Thầy Lê Văn Trí, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tịnh Hiệp, cho biết, bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện hầu hết ở các lớp học trong nhà trường. Tỉ lệ học sinh mắc bệnh chiếm tới 20% và nhà trường đã thông báo đến tất cả các phụ huynh học sinh phải theo dõi sức khỏe của con em mình ngay tại nhà.

“Trường hợp nào có triệu chứng bị đau mắt đỏ thì phải nghỉ học ở nhà điều trị cho đến khi khỏi hẳn, nhằm tránh lây lan mầm bệnh trong trường học”, thầy Trí khuyến cáo.

anh-tin-benh-mac-do-2.jpg
Bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát tại Quảng Ngãi.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi), từ đầu tháng 9 đến nay, trên địa bàn huyện đã ghi nhận hơn 1.500 ca đau mắt đỏ. Trong đó, các địa phương ghi nhận nhiều ca đau mắt đỏ nhất là ở các xã: Tịnh Giang, Tịnh Bình, Tịnh Hiệp, Tịnh Phong, Tịnh Sơn,… với hàng trăm ca mắc mỗi ngày, chủ yếu trong các trường học và số ca bị đau mắt đỏ trong cộng đồng tiếp tục tăng nhanh qua từng ngày.

Hiện trung tâm y tế huyện Sơn Tịnh đã chỉ đạo các trạm y tế xã phối hợp với trường học trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế bệnh lây lan rộng trong trường học và trong cộng đồng.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Quảng Ngãi) cho biết, học sinh bị đau mắt đỏ xuất hiện rải rác từ ngày khai giảng. Ngay sau khi phát hiện học sinh có triệu chứng này, nhà trường đã thông báo cho phụ huynh đón trẻ về để điều trị, tránh lây lan.

“Nhà trường đã bố trí nhân viên y tế và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm quan sát học sinh trước khi vào lớp; hướng dẫn phụ huynh khi con có biểu hiện đau mắt đỏ phải báo nhà trường và cho trẻ nghỉ học”, cô Thảo nói.

Cũng theo cô Thảo, Trường tiểu học Trần Phú hiện có gần 2.000 học sinh đang theo học, thuộc 48 lớp. Tại đây, các học sinh được các giáo viên thường xuyên hướng dẫn cách phòng bệnh đau mắt đỏ để phòng tránh.

Không chỉ tại huyện Sơn Tịnh mà các địa phương khác như: TP Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành,… cũng ghi nhận hàng trăm trường hợp bị đau mắt đỏ mỗi ngày. Số ca bị đau mắt đỏ ở Quảng Ngãi tiếp tục tăng nhanh qua từng ngày.

anh-tin-benh-mac-do-3.jpg
Mỗi ngày Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ngãi tiếp nhận số lượng bệnh nhi bị đau mắt đỏ tăng gấp 3 – 4 lần bình thường.

Tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi, nếu trong tháng 6/2023 có gần 200 bệnh nhi đau mắt đỏ đến khám, thì đến nửa đầu tháng 9, số lượng bệnh nhi đã vượt hơn nhiều. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận trên 50 bệnh nhi có biểu hiện của đau mắt đỏ đến khám và điều trị, tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường.

Bác sĩ Lê Thị Thảo Nguyên, chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt (Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ngãi) khuyến cáo, khi trẻ có các biểu hiện mắt sưng đỏ, chảy nước mắt, đổ ghèn nhiều, thì cha mẹ nên cho trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Tránh sử dụng các biện pháp dân gian hoặc tự ý mua thuốc để tự điều trị, rất dễ gây ra các biến chứng như: viêm giác mạc, sẹo giác mạc làm giảm thị lực của trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh đau mắt đỏ bùng phát, hàng trăm học sinh phải nghỉ học