Bệnh cúm vào mùa, "sốt" thuốc Tamiflu

Thảo Nguyên| 08/02/2018 14:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Y tế khuyến cáo, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus Tamiflu khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam chưa phát hiện thấy chủng virus cúm mới, lạ nào. Việt Nam nằm trong điểm nóng của khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều giao lưu, giao thông, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy có nhiều nguy cơ bị lây lan các chủng virus cúm từ các nơi khác trên thế giới.

Trước tình hình bệnh cúm gia tăng, tại Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị cúm gây ho khan, sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy. Chỉ 2 – 3 ngày sau, bệnh nhân sốt và khó thở. Có bệnh nhân chưa kịp đến viện đã bị sốc nhiễm khuẩn và khi vào viện điều trị khó khăn, tốn kém. Có những trường hợp tốn vài trăm triệu đồng vẫn không sống được.

Tương tự, mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hàng chục bệnh nhi vào viện xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Theo các bác sĩ nhiều cháu bé đã được mẹ tự mua thuốc Tamiflu điều trị trong đó không ít cháu biến chứng viêm phổi.

Bệnh cúm vào mùa,

Thuốc Tamiflu

Trước tình trạng dịch cúm gia tăng và người dân tự ý sử dụng thuốc điều trị cúm Tamiflu, ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Về vấn đề cung ứng thuốc Tamiflu, ông Đông cho hay, thuốc Tamiflu được nhập khẩu trong năm 2018 để cung ứng cho các đơn vị sử dụng, trong đó chủ yếu tập trung cung ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa do đặc thù của thuốc là chỉ sử dụng trong trong thời điểm xảy ra dịch và trước khi sử dụng cần có sự thăm khám, kê đơn, hướng dẫn sử dụng thuốc đầy đủ bởi bác sĩ chuyên khoa.

Về phía Bộ Y tế, để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân, Cục Quản lý Dược luôn chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp, các cơ sở đăng ký, sản xuất, nhập khẩu, phân phối...) và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan (Cục Quản lý Khám chữa bệnh; Cục Y tế dự phòng) để kịp thời dự báo nhu cầu sử dụng thuốc (bao gồm cả vắc xin, sinh phẩm) làm cơ sở cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động kế hoạch cung ứng thuốc.

Liên quan đến công tác phòng chống bệnh cúm, tại công điện khẩn mới đây, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở điều trị tổ chức tốt công tác phân luồng khám bệnh; thu dung cách ly, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng để điều trị cho người bệnh cúm. Kiểm soát chặt và chỉ định dùng thuốc kháng virut, tránh tình trạng khan hiếm ảo và tình trạng kháng thuốc.

"Thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir không thay thế cho việc tiêm vắc xin phòng cúm. Do đó, hằng năm người dân nên đến cơ sở tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng cúm mùa để chủ động phòng cúm", ông Đông khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh cúm vào mùa, "sốt" thuốc Tamiflu