Khi vào phòng mổ khoảng 15 phút, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái mời đại diện gia đình vào thông báo tình hình cháu bị sốc khi gây mê và đang tiến hành cấp cứu nhưng cháu tử vong sau đó.
Thông tin từ gia đình cho biết, cách đây hơn 1 tháng, gia đình có đưa cháu Hoàng Tuấn A. (SN 2013, trú tại thôn 5, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đến Bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội) để thăm khám vì cháu bé bị viêm amidan.
Tại đây, gia đình được các bác sĩ thăm khám và tư vấn muốn cắt bỏ amidan cần điều trị hết viêm sau đó mới tiến hành cắt được. Do gia đình ở xa nên gia đình xin cho cháu về địa phương để thăm khám, theo dõi.
Vào chủ nhật hằng tuần, gia đình đưa cháu đến phòng khám Tâm Đức tại TP Yên Bái để khám và rửa mũi. Sau 3 lần khám, một bác sĩ của phòng khám Tâm Đức (là bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái) cho biết tình trạng sức khỏe của cháu đã bảo đảm, có thể tiến hành cắt amidan.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, nơi xảy ra sự việc
Đến chiều 19/11, gia đình đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái để tiến hành cắt amidan. Chiều ngày 20/11, cháu được tiến hành các thủ tục xét nghiệm để đến ngày hôm sau tiến hành cắt amidan.
Sáng ngày 21/11, cháu A. được đưa vào phòng mổ. Sau khi cháu vào phòng mổ khoảng 15 phút thì gia đình được bác sĩ phòng mổ mời vào thông báo, bệnh nhân bị sốc khi gây mê và đang tiến hành cấp cứu. Đến 11h trưa cùng ngày, gia đình được thông báo là cháu đã tử vong.
Người đại diện gia đình cho biết, trước đó cháu vẫn chạy nhảy bình thường và yêu cầu bệnh viện làm rõ nguyên nhân cái chết của bé, nghi vấn về quy trình khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.
"Tại sao trước khi vào khám cháu tôi khỏe mạnh mà lại xảy ra cơ sự như vậy? Đây là lỗi của bác sĩ, lỗi gây mê và lỗi không kiểm tra lại sức khỏe cháu", ông nội cháu A. bức xúc nói.
Trả lời báo chí, BS Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của Bệnh viện cho biết, đơn vị đã nhận được thông tin về vụ việc.
“Quá trình kiểm tra, chúng tôi xác định cháu bé tử vong do bị sốc phản vệ. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tại bệnh viện cũng đã có các GS, TS của Bệnh viện Bạch Mai đến hỗ trợ cấp cứu nhưng không có kết quả”, ông Hào nói.
Theo BS Hào, sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nhất không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà cả người lớn nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Sốc phản vệ luôn là tai biến gây hoang mang cho không chỉ người nhà bệnh nhân mà còn cho cả các y bác sĩ điều trị.