Một cô bé 14 tuổi ở Trung Quốc đã phải nhập viện sau khi không thể đi ngoài trong 5 ngày.
Bé gái 14 tuổi sống ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) bị táo bón, đầy bụng, không thể ăn uống suốt nhiều ngày và được bố mẹ đưa đến bệnh viện thăm khám.
Sau khi khám sơ bộ mà không thể tìm ra nguyên nhân, bác sĩ quyết định chụp cắt lớp (CT) và phát hiệu nhiều khối hình cầu khác thường trong bụng cô bé. Các bác sĩ cho rằng đó là những viên trân châu chưa được tiêu hóa với số lượng lên đến khoảng 100 viên.
Ban đầu, bệnh nhân cố tình không kể hết những gì mình đã ăn uống. Về sau, em kể nhiều hơn nhưng khăng khăng chỉ uống một cốc trà sữa 5 ngày trước sự cố.
Tuy nhiên, bác sĩ Zhang Louzhen cho rằng, cô bé có thể đang che giấu sự thật vì sợ bị bố mẹ trừng phạt. Theo vị bác sĩ này, nữ sinh chắc chắn phải uống một lượng lớn trà sữa trong thời gian dài thì mới lâm vào tình trạng nghiêm trọng như hiện tại.
Ảnh chụp cắt lớp cho thấy hàng trăm viên trân châu trà sữa chưa tiêu hóa được bên trong cơ thể nữ sinh.
Theo các bác sĩ, bản thân trân châu làm từ tinh bột sắn nên đã khó tiêu, nhưng nhiều cửa hàng còn bỏ thêm các loại phụ gia vào để trân châu dai và nhiều hương vị hơn. Theo đó, việc hấp thụ nhiều trân châu có thể cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến các hạt trân châu nói trên không được tiêu hóa bởi đây có thể là trân châu giả.
Năm 2015, đài truyền hình tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc đã làm một phóng sự về trân châu giả được làm từ đế giày và lốp xe cũ. Trong các cuộc phỏng vấn bí mật với các chủ cửa hàng trà sữa, một số người thừa nhận những hạt trân châu giả đều được sản xuất tại các nhà máy, với nguyên liệu là đế giày và lốp xe cũ.