Bất động sản công nghiệp vẫn được dự báo sẽ là phân khúc dẫn dắt thị trường địa ốc trong thời gian tới.
Dù được đánh giá là phân phúc hiếm hoi không lao dốc theo xu hướng chung của thị trường địa ốc, song, bất động sản công nghiệp cũng đã trải qua 4 đợt bùng phát của dịch COVID-19 và chịu không ít ảnh hưởng tiêu cực.
Điển hình như việc nhiều khu công nghiệp phải đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19. Vừa qua, tại khu vực phía Bắc, một số nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài đã vận hành trở lại sau một thời gian đóng cửa. Tuy nhiên, tại phía Nam, một số phân xưởng và bộ phận nhà máy tại các KCN vẫn trong tình trạng tạm ngưng hoạt động.
Việc đóng cửa các nhà máy sản xuất có thể gây ảnh hưởng nhất định đến đà tăng trưởng chung. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại một số địa phương vẫn đang diễn biến phức tạp. Liệu về lâu dài, bất động sản công nghiệp có còn giữ được vị trí "ngôi vương"?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn đánh giá, bất động sản KCN vẫn sẽ là phân khúc dẫn dắt thị trường địa ốc Việt Nam trong thời gian tới.
Bởi có nhiều yếu tố thuận lợi liên quan đến định hướng phát triển của Chính phủ, định hướng đẩy mạnh đầu tư công... Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, đa số các doanh nghiệp FDI đang đầu tư rất mạnh vào cơ sở vật chất của các KCN.
Vị chuyên gia này phân tích, đầu tư vào bất động sản công nghiệp là đầu tư mang tính chất dài hạn, không phụ thuộc vào yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh. Do đó, về mặt tổng quan, đây vẫn là phân khúc tiềm năng. Còn giai đoạn hiện tại, đây vẫn là phân khúc hoạt động tốt bất chấp dịch, chỉ trừ một số khu vực bị ảnh hưởng mạnh như Bình Dương chịu giãn cách và chính sách "ba tại chỗ".
"Bất động sản công nghiệp hiện tại vẫn nằm trong xu thế chung của sự phát triển. Do đó, cả về mặt ngắn hạn và dài hạn vẫn là một loại hình tốt. Nhưng đây là cuộc chơi dành cho các tổ chức, cá nhân nhỏ lẻ tham gia sẽ rất khó", ông Quốc Anh nói.
Còn theo ông Trương Anh Tú, Phó Tổng Giám đốc PropertyX (Tập đoàn Hưng Thịnh), một yếu tố thúc đẩy bất động sản công nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững là 13 hiệp định mà Việt Nam đã ký kết (gần đây nhất là Hiệp định EVFTA) và 3 hiệp định đang đàm phán với các quốc gia khác. Do đó, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hội nhập rất sâu và rộng trên thị trường quốc tế.
Theo ông Tú, dịch COVID-19 tuy có ảnh hưởng đến phân khúc này nhưng không đáng kể, chỉ là ngắn hạn. Có chăng chỉ làm chậm lại ở một góc độ nào đó. Một số khu vực vẫn phát triển tốt có thể kể đến như khu vực Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), duyên hải Bắc Bộ (Hải Phòng).