Phóng sự - Ghi chép

Bất cập dự án di dân lòng hồ Yên Mỹ

Thanh Phương 21/08/2023 16:17

Nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ nhiều năm chưa thể giải quyết đã khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Người dân mong mỏi cơ quan chức năng sớm khắc phục, chi trả tiền giải phóng mặt bằng để có thể chuyển tới nơi ở mới an cư, lạc nghiệp.

Sống mòn bên lòng hồ

Mỗi mùa mưa tới, cả nghìn hộ dân sống quanh lòng hồ Yên Mỹ (Thanh Hóa) lại phải chạy lũ, ăn nhờ ở đậu nhà người quen hoặc nhà văn hóa thôn, hoa màu, gia súc, gia cầm thì trôi theo dòng nước. Người dân ở đây nhiều năm qua đã phải mỏi mòn chờ đợi được kiểm kê, di dời lên khu vực cao hơn để tránh ngập nước.

Lần kiểm kê gần nhất của cơ quan chức năng đã cách đây hơn 5 năm (năm 2018), tuy nhiên đến nay, người dân vẫn sống trong tình trạng thấp thỏm chờ đợi được bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư ở nơi khác. Nhiều người dân đã không chờ đợi được đã tự bỏ đi nơi khác sinh sống. Một số người không tìm được cơ hội đi làm ăn xa đành ở lại sống tạm quanh khu vực ngập nước chờ hỗ trợ.

1(2).jpg
Một trong những ngôi nhà hoang "chờ" sập ở vùng lòng hồ Yên Mỹ.
2.jpg
Ông Thoại trò truyện với phóng viên.
3.jpg
Người dân buộc phải trồng keo thay vì trồng hoa màu.
4.jpg
Ông Hạnh mong mỏi Nhà nươc sớm triển khai dự án để người dân bớt khổ.
5.jpg
Vợ chồng ông Cảm, bà Thủy mong được di dời nên nơi ở mới.
6.jpg
Nhà văn hóa thôn nơi người dân di tản mỗi khi nước ngập.

Theo chỉ dẫn của Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân Lê Duy Tĩnh, chúng tôi tìm về thôn Hợp Nhất (xã Thanh Tân, Như Thanh) vào một ngày cuối tháng 8. Nằm ẩn dưới những hàng cây keo khẳng khiu là những mái nhà đã bỏ hoang của người dân. Không khó để bắt gặp những ngôi nhà tranh liêu xiêu "chờ" sập hay những căn nhà chỉ trơ lại phần khung. Người dân cho biết, những căn nhà này không thể ở được nữa nhưng họ vẫn giữ lại để chờ được kiểm kê.

Ông Lê Duy Thoại cho biết, gia đình ông có 9 khẩu, ba thế hệ đã sống ở đây. Cũng như nhiều hộ dân khác ở Thanh Tân, những năm 1980 theo lời kêu gọi của Nhà nước, gia đình ông đã từ Hoằng Hóa, Quảng Xương lên khu vực hồ Yên Mỹ khai hoang, lập nghiệp.

Trong ngôi nhà lụp xụp, lợp mái tranh, ông Thoại không khỏi lo lắng: “Bắt đầu từ năm 1993, Nhà nước có chủ trương đưa dân khỏi khu vực ngập nước. Tới năm 2003, việc di dân tiếp tục được thực hiện do cao trình nước tăng lên. Năm 2018, một lần nữa việc kiểm kê để di dời người dân lại được tiến hành. Chúng tôi luôn chấp hành các quy định, nhưng chờ đợi mãi đến nay vẫn chưa có kinh phí di dời. Mấy đứa con trai của tôi phải bỏ đi nơi khác mưu sinh. Còn tôi với vợ đã già yếu nên đành ở lại khu vực ngập nước này".

Nước ngập mấy tháng trời nên gia đình không thể nuôi gia súc gia cầm hay trồng cây gì. Khi nước dâng cao mấy hộ gần nhau hô hào di dời lên nhà văn hóa thôn để ở tạm, hộ có nhà người quen ở gần thì phải qua tá túc. "Chúng tôi mong Nhà nước sớm bố trí nguồn kinh phí để dân có tiền mua đất, làm nhà nơi ở mới, an cư mới lạc nghiệp được”, ông Thoại mong muốn.

Hàng xóm với ông Thoại là nhà ông Lê Mạnh Huấn cũng phải sống chung với lũ nhiều năm. Gia đình có một trai, một gái nhưng khi người con trai mất vì tai nạn, nhà ông Huấn đã phải vay mượn để đi nơi khác sinh sống.

Ngồi nghỉ tay trước ngôi nhà đã cũ nát, ông Lê Minh Hạnh không khỏi buồn rầu: “Bao nhiêu năm chờ đợi được hỗ trợ di dân, sống chung với nước nhưng chưa được giải quyết, gia đình tôi buộc phải lên khu vực chợ thuê nhà để ở và buôn bán. Ngôi nhà này đành để hoang, chờ Nhà nước bồi thường, hỗ trợ. Thi thoảng tôi lại xuống đây thu hoạch hoa màu, cây cối”.

Chúng tôi di chuyển qua xã Thanh Kỳ (Như Thanh), khung cảnh của hàng trăm hộ dân quanh lòng hồ Yên Mỹ cũng chẳng khấm khá là bao. Nếu không có sự hướng dẫn của Trưởng thôn Thanh Trung Hà Văn Tình thì mọi người sẽ cho rằng còn đường đất, nham nhở này là sẽ dẫn ra bãi bồi chứ không phải vào khu dân cư.

Ông Nguyễn Văn Cảm (64 tuổi) cùng vợ là Vũ Thị Thanh Thủy (64 tuổi) thôn Thanh Trung thuộc hộ cận nghèo. Tuổi cao, sức yếu nhưng hai ông bà vẫn phải bám trụ lại khu đất bán ngập nước này để sinh sống qua ngày.

Trong ngôi nhà tạm bợ, vợ chồng anh Hà Văn Thiên (35 tuổi) sống cùng hai con (con gái học lớp 4, con trai 4 tuổi). Anh Thiên bị bệnh đau cột sống nên không thể làm công việc nặng nhọc được. Hai vợ chồng đành phải ở nhà trồng cây, chăn nuôi nhỏ lẻ. Nếu không có việc bồi thường, hỗ trợ di dời thì gia đình anh Thiên mãi sẽ sống mòn với mảnh đất ven hồ Yên Mỹ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho hay: “Trên địa bàn toàn xã có 133 hộ, 57,4 ha đất ở, canh tác bị ảnh hưởng bởi dự án di dân lòng hồ Yên Mỹ. Từ năm 2017, khi Nhà nước có chủ trương, các hộ không được phép xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà cửa. Quá trình làm hồ sơ cấp bìa đỏ cho các hộ cũng phải dừng lại. Do đó, người dân không có điều kiện để vay vốn, phát triển sản xuất kinh doanh. Mỗi năm nước ngập từ cuối tháng 9 tới tháng 12. Có khi kéo dài tới 4-5 tháng mới rút.

traodoitinh.jpg
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân Lê Duy Tĩnh trao đổi với phóng viên.

Chính vì vậy mà cây ngắn ngày như ngô, đậu, lạc, vừng sẽ bị chết, người dân không dám trồng vì mức hỗ trợ thấp. Một số hộ chuyển sang trồng keo, cây keo phải vươn nhanh khỏi mực nước ngập nên cứ khẳng khiu. Số còn lại sẽ bị nước dìm chết, người dân không được hỗ trợ do quy định chỉ được trồng cây hàng năm.

Ông Tĩnh cho biết thêm: "Người dân đã nhiều lần kiến nghị nếu Nhà nước tiếp tục triển khai dự án thì khẩn trương hỗ trợ, bồi thường cho dân đi nơi ở mới, còn nếu không triển khai nữa thì làm các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân vay vốn phát triển, làm ăn. Đơn vị vận hành hồ Yên Mỹ cần phối hợp với chính quyền địa phương để thống nhất cao trình tích nước, thời điểm tích thuận lợi cho người dân canh tác trong khu vực bán ngập. Hiện nay, mỗi khi mưa bão về chính quyền địa phương nơm nớp lo sợ dân bị ngập, nước cuốn phải đi cứu trợ rất vất vả”.

Các hộ dân bị ảnh hưởng đã nhiều lần có đơn kiến nghị lên UBND tỉnh và tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Đầu năm 2022, trong cuộc tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiều hộ dân cũng đã có ý kiến về việc thực hiện dự án.

Đơn giá đền bù dự kiến tăng gần 3 lần

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ từ cao trình +18,50m đến +20,36m được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt ngày 24/11/2017; Theo đó, Dự án do Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn 4 xã: Thanh Kỳ, Thanh Tân (huyện Như Thanh); xã Yên Mỹ (huyện Nông Cống) và xã Phú Sơn (thị xã Nghi Sơn).

Với tổng mức đầu tư là 290,903 tỷ đồng, 2 hợp phần (xây dựng 16 tuyến đường giao thông nông thôn có chiều dài 16,152 km và giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho 922 hộ dân), dự án được kỳ vọng tăng thêm khả năng tích nước của hồ, cắt giảm lũ, tránh gây ngập lụt cho vùng hạ du hồ Yên Mỹ và đảm bảo nguồn nước cấp cho hoạt động sản xuất của Khu kinh tế Nghi Sơn.

Đến nay, Hợp phần xây dựng 16 tuyến đường giao thông đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng với giá trị giải ngân 47,993 tỷ đồng; đã phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành ngày 10/12/2021.

Trong khi Hợp phần giải phóng, bồi thường với tổng diện tích 273,78 ha, bao gồm 887 hộ ổn định tại chỗ và 35 hộ tái định cư xen ghép, đến nay, đã trích đo cắm mốc giải phóng mặt bằng và thực hiện kiểm kê bồi thường giải phóng mặt bằng cho 798 hộ dân bị ảnh hưởng, với diện tích 294,46 ha.

Được biết, kế hoạch vốn đã giao tính đến năm 2021 là 10,555 tỷ đồng; kinh phí đã chuyển cho các huyện, thị xã là 2,091 tỷ đồng, các địa phương thực hiện là 1,591 tỷ đồng.

Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án, nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng vẫn chưa được thực hiện. Hiện nay dự án có một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện là: Dự án được phê duyệt năm 2017 với kinh phí giải phóng mặt bằng 216,156 tỷ đồng; sau hơn 5 năm triển khai, đơn giá đền bù dự kiến tăng khoảng 2,4-2,8 lần so với giá trị phê duyệt.

Là nội dung liên quan sát sườn đến cuộc sống người dân nằm trong diện phải di dời để thực hiện dự án nhưng hợp phần bồi thường, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho các hộ dân vẫn chưa được bố trí đủ kinh phí thực hiện. Hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện vì thế cũng chưa thể phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân vùng dự án.

11.jpg
UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị về hiện trạng và giải pháp triển khai dự án.

Ưu tiên tìm nguồn lực để di dân khỏi lòng hồ Yên Mỹ

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2018-2021, Dự án mới bố trí được 10,555 tỷ đồng; trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến bố trí 100 tỷ đồng cho dự án. Do không đảm bảo nguồn vốn để triển khai thực hiện nên hiện Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa chưa có cơ sở để phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định.

Trong khi đó, theo báo cáo rà soát năm 2023 thì có 794 hộ dân và 6 tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án (trong đó 228 hộ bị ảnh hưởng bởi đất ở, nhà, đất sản xuất. Tổng diện tích bị ảnh hưởng là 294,46 ha (đất thổ cư 52,14 ha, còn lại là đất nông nghiệp).

Tổng kinh phí tiếp tục thực hiện dự án được tính toán lên tới 648,735 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2023-2024 ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ tái định cư cho 54 hộ dân cần phải di chuyển. Đồng thời bồi thường đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu, ổn định đời sống sản xuất cho các hộ dân với nguồn kinh phí 115,588 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ 2025-2027 số vốn là 533,147 tỷ đồng. Nguồn vốn như trên được cho là rất lớn, khó có khả năng thực hiện được.

Để giải bài toán này, mới đây, ngày 9/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã chủ trì Hội nghị họp nghe phương án bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ; cũng như tiến độ, hiện trạng và bàn giải pháp triển khai thực hiện dự án.

Đáng chú ý, tại cuộc họp này, ông Giang cũng chỉ mới yêu cầu ngành nông nghiệp cần nắm chắc tình hình giải phóng mặt bằng dự án, rà soát lại số liệu chính xác. Có phương án giải phóng mặt bằng ưu tiên nguồn lực cho việc di dân tại lòng hồ Yên Mỹ theo hướng xen ghép. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nhấn mạnh các địa phương cần báo cáo số liệu chính xác về tình hình giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn huyện mình.

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện Sở đang cùng với các địa phương rà soát, kiểm kê đất đai, hoa màu, các khu tái định cư để lên tổng thể phương án đền bù cho các hộ dân. Do vật giá thay đổi, thời gian triển khai kéo dài nên số vốn bị đội lên do đó cần phải tính tóa lại để người dân đỡ bị thiệt thòi.

"Chúng tôi rất chia sẻ với khó khăn, bất cập của người dân dưới cao trình nước dâng. Cái khó nhất hiện nay vẫn là bố trí nguồn vốn để chi trả cho các hộ dân. Người dân mong muốn sớm an cư lạc nghiệp ở nơi ở mới là rất chính đáng, đồng thời bảo vệ sự an toàn của công trình hồ đập nhất là vào mùa mưa lũ”, ông Cường cho hay.

7.jpg
Người dân tất bật chạy lũ mỗi khi nước hồ Yên Mỹ dâng lên.
9.jpg
Cuộc sống bị đảo lộn mỗi khi nước hồ Yên Mỹ dâng lên.
10.jpg
Người dân phải di tản lên nơi ở cao hơn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập dự án di dân lòng hồ Yên Mỹ