Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo: Cần có một “hành lang” an toàn

21/06/2012 09:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu vào trang tìm kiếm google, gõ từ khóa “phóng viên bị hành hung”, sẽ cho 19 triệu kết quả trong vòng 0,22 giây. Các kết quả hầu như đều liên quan đến trường hợp hai phóng viên VOV bị hành hung trong vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang, Hưng Yên.

Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ nhà báo trong khi tác nghiệp không chỉ nóng sau vụ việc này mà nó đã được đặt ra từ lâu.

Từ đe dọa đến hành hung

Những phóng viên viết về pháp luật, nhất là viết điều tra có lẽ ai cũng có một vài kỷ niệm về những khó khăn, nguy hiểm trong khi tác nghiệp. Chúng tôi còn nhớ kỷ niệm về chuyến đi viết bài ở một xã thuộc huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Lần đó, theo đơn thư phản ánh của một số hộ dân địa phương về việc họ bị oan sai trong một vụ chống người thi hành công vụ, chúng tôi về để xác minh. Hai phóng viên trẻ đi xe máy, vừa đi vừa hỏi đường. Đến một đoạn đường đồi, có những bụi cây lúp xúp thì bỗng nghe “bịch” mấy tiếng, rồi từ sau một bụi cây, mấy thanh niên mặt mũi đằng đằng sát khí tiến ra. Trên tay họ là gạch, đá và gậy. Chúng tôi vội nói là nhà báo. Sau khi vặn hỏi mục đích chuyến đi của chúng tôi, họ dẫn chúng tôi đến tận nhà của người dân có đơn. Hóa ra, họ đều là họ hàng của người này, và có nhiệm vụ canh chừng “người lạ” vào làng. Một thanh niên còn đùa: “May là bọn em mới ném dọa, chứ ăn mấy “củ đậu bay” thì các nhà báo hết đường về Hà Nội”.

 

Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo: Cần có một “hành lang” an toàn

 

Bị đe dọa có lẽ là “chuyện nhỏ”, thường xảy ra đối với phóng viên, nhà báo. Thực tế, đã có nhiều trường hợp nhà báo bị hành hung. Tại buổi tọa đàm “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo”, do Hội Nhà báo Việt Nam (tại Tp. Hồ Chí Minh) tổ chức ngày 12-6, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn cho biết: Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây đã có khoảng 40 vụ nhà báo bị hành hung và gần đây xảy ra 5 vụ nhà báo bị đánh, cản trở trong việc tác nghiệp. Một số vụ việc như nhà báo Trần Thế Dũng (Báo Người Lao Động) bị hành hung ở Lạng Sơn, hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam bị đánh ở Hưng Yên. Gần đây nhất là vụ phóng viên Báo Pháp luật Tp. Hồ

Chí Minh bị côn đồ dùng súng bắn điện gây thương tích.

 

Nguyên nhân nhà báo bị hành hung thì có nhiều, nhưng tựu chung là vì trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, ngăn cản cái xấu, nhà báo phải thâm nhập, dấn thân đi điều tra, tìm ra sự thật. Đối tượng đang bị điều tra sẽ tìm mọi cách ngăn cản nhà báo, kể cả dùng vũ lực. Trong các trường hợp đó, nhà báo cảm thấy bị tổn thương vì mình không được bảo vệ đúng nghĩa, không có được sự tự do hoạt động nghề một cách đúng pháp luật.

 

Nhà báo Ngọc Năm, người bị hành hung trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang, chia sẻ: Khi bị hành hung, tổn thương về thể xác có thể không nghiêm trọng, nhưng về tinh thần thì khá mệt mỏi.

 

Cần có hành lang an toàn

 

Không chỉ là vấn đề an toàn về tính mạng, sức khỏe, khó khăn hiện nay trong tác nghiệp báo chí là bị cản trở trong việc tiếp cận thông tin và đối mặt với nhiều rủi ro nghề nghiệp khác. 

 

Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo: Cần có một “hành lang” an toàn

 

Các cơ quan bảo vệ pháp luật không phải lúc nào cũng sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí. Khi thực hiện loạt bài về tiêu cực đất đai ở Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn khi xác minh thông tin từ cơ quan chức năng. Sau khi báo đăng, một số cán bộ địa phương đã có dấu hiệu bao che cho sai phạm của cấp dưới, thậm chí một vị nguyên là Bí thư Huyện ủy đã tổ chức một cuộc họp các ngành nội chính và yêu cầu Cơ quan điều tra chỉ xử lý hành chính với cán bộ xã, huyện có sai phạm (!). Vụ án này sau đó được khởi tố, xét xử với 5 bị cáo, nhưng trước đó, nhóm phóng viên không ít lần nhận được lời đe dọa, thách thức của đối tượng bị phản ánh, bằng cả văn bản và lời nhắn qua người quen…

 

Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tội phạm…” vừa qua, Đại tá Trần Duy Thanh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, cho rằng: “Vẫn còn không ít cán bộ Công an ngại tiếp cận với báo chí, coi việc tuyên truyền ảnh hưởng đến bí mật trong phòng chống tội phạm, không cung cấp tài liệu cho cơ quan báo chí, phục vụ công tác tuyên truyền”. Các đại biểu dự hội thảo đã kiến nghị Bộ Công an cần chỉ đạo kịp thời việc cung cấp thông tin cho báo chí với những vụ án, vụ việc phức tạp nghiêm trọng được dư luận quan tâm…

 

Thực tế, trong quá trình tác nghiệp, một số nhà báo đã bị coi là vi phạm pháp luật. Ranh giới giữa nghiệp vụ báo chí với hành vi vi phạm đôi khi khá mong manh. Ví như, khi nhập vai người đưa hối lộ để viết bài chống tiêu cực thì mức độ đến đâu là không bị coi là phạm pháp? Hay trường hợp tham gia đưa tin về một vụ cưỡng chế, nhà báo có vi phạm điều cấm nào hay không?                   

 

Pháp luật đã có những quy định để bảo vệ nhà báo, nhưng rất nhiều trường hợp trong thực tế đời sống không phải quy định pháp luật nào cũng được áp dụng, tuân thủ. Nhiều ý kiến của các nhà báo kiến nghị, cần phải bổ sung hơn nữa các quy định chặt chẽ để bảo vệ nhà báo, và điều quan trọng hơn làm sao cho pháp luật về bảo vệ quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo được tuân thủ. 

 

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam cần sớm xây dựng một hành lang an toàn về hoạt động tác nghiệp, nghiệp vụ của nhà báo, làm cơ sở để xem xét việc tác nghiệp tới mức độ nào là hợp pháp. Khi có trường hợp nào đó xâm phạm đến quyền hoạt động hợp pháp của nhà báo thì Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các chi hội nhà báo địa phương phải là nơi đầu tiên lên tiếng, có văn bản, chính kiến để bảo vệ nhà báo. Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các chi hội nhà báo địa phương cần phải phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để có ý kiến về từng vụ việc ngay khi có thể nhằm bảo vệ hội viên của mình kịp thời. 

 

Ý kiến chuyên gia

 

Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Tp. Hồ Chí Minh: Trước hết, nhà báo cần phải am hiểu pháp luật, hành nghề đúng để tự bảo vệ mình. Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực hiện nghiêm trong việc bảo vệ nhà báo bị xâm hại. Luật Báo chí cũng cần được hoàn thiện và bổ sung. Ngoài ra, các cơ quan quản lý báo chí phải vào cuộc để bảo vệ nhà báo hoạt động hợp pháp.

 

Theo Luật sư Phạm Thanh Bình - Công ty Luật Hồng Hà: Luật Báo chí và các văn bản pháp luật liên quan quy định phóng viên, nhà báo có quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ báo chí để xác minh, thu thập thông tin. Tuy nhiên, các biện pháp này phải đúng pháp luật. Nhà báo không thể dùng một hành vi vi phạm pháp luật như một biện pháp nghiệp vụ. Ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm pháp luật khá mong manh, đòi hỏi bản thân nhà báo phải trang bị tốt kiến thức về pháp luật cho mình…

 

 

Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn đều không cấm nhà báo đưa tin về việc cưỡng chế thu hồi đất. Ngoài ra, hiện không có quy định nào cho thấy hiện trường của vụ cưỡng chế thu hồi đất là “bí mật nhà nước” hay là “khu vực cấm” mà nhà báo không được có mặt.

 

Nhà báo có quyền hạn tác nghiệp ở phạm vi rộng lớn trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài. Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. 

 

Trung Nguyễn

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo: Cần có một “hành lang” an toàn