Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ hiến tặng hiện vật lần thứ 12

Bạch Dương| 15/03/2019 17:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019, chiều 15/3, tại Bảo tàng Hà Nội, đã diễn ra Lễ hiến tặng hiện vật Bảo tàng Báo chí Việt Nam lần thứ 12.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập ngày 28/7/2017, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn và quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 150 năm qua, với hàng nghìn tờ báo đã trở thành di sản văn hóa tinh thần gắn liền với lịch sử dân tộc.

Đến dự Lễ hiến tặng hiện vật lần thứ 12 ngoài các lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện các cấp hội nhà báo địa phương, còn có các nhà báo lão thành, gia đình các nhà báo…đã tham gia trực tiếp hiến tặng hiện vật, tư liệu cho Bảo tàng.

Tại buổi lễ, Nhà báo Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Bảo tàng Báo chí Việt Nam thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ, động viên to lớn của các nhà báo, gia đình nhà báo, các cấp hội Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương.

Ông nhấn mạnh điều “quyết định để cho Bảo tàng hoạt động đó là các hiện vật, mà qua 12 lần sưu tầm của cả nước, đến nay có thể nói rằng, nơi đây đang lưu giữ những hiện vật quan trọng nhất, ý nghĩa nhất, và phản ánh tiến trình, trách nhiệm của những người cầm bút, những người làm báo Việt Nam trong toàn bộ tiến trình lịch sử nền báo chí Việt Nam”.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ hiến tặng hiện vật lần thứ 12

Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ hiến tặng hiện vật lần thứ 12

Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ hiến tặng hiện vật lần thứ 12

Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ hiến tặng hiện vật lần thứ 12

Nhà báo Mai Đức Lộc (trái) - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và một số đại diện các gia đình nhà báo đã hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Trong Lễ hiến tặng lần thứ 12, ngoài nhóm hiến tặng là các tập thể cơ quan báo chí, các nhà báo công tác trong lĩnh vực báo chí qua các thời kỳ và người sở hữu tư liệu báo chí, đặc biệt còn có gia đình các cố nhà báo đã hiến tặng nhiều tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Cụ thể, ông Phan Chiêu Dương - đại diện gia đình cố Nhà báo, Luật sư Phan Anh, đã hiến tặng nhiều hiện vật quý cho Bảo tàng như đĩa CD sưu tập báo Thanh Nghị, sách viết về Luật sư, Nhà báo Phan Anh, nhiều bài viết về hiến pháp và quyền lập hiến và một số bức ảnh gắn bó với cuộc đời hoạt động của ông. Ngoài ra, ông Phan Chiêu Dương còn mang thêm cuốn sách “Những chặng đường anh đi” do chính phu nhân Bộ trưởng Phan Anh, bà Đỗ Hồng Chinh, là tác giả.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất xúc động khi nhận được nhiều tài liệu, hiện vật do gia đình của Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu hiến tặng trong đó có 01 bức ảnh trụ sở báo Độc lập năm 1948, 04 Máy ảnh hiệu Hacoflex, Kodak và Pheinmetall được ông sử dụng từ 1945-1954, máy chữ hiệu Hermes Baby và sưu tập báo nước ngoài… đây là những kỷ vật quý gắn liền với quá trình công tác của ông.

Hay như trong số nhiều tài liệu, hiện vật mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam được của gia đình cố Nhà báo Đặng Hùng Thao hiến tặng có Sưu tập lịch ghi chép với 30 cuốn sổ tay từ năm 1949 đến năm 1980. Các kỷ vật này gắn bó, gần gũi với cố nhà báo và phục vụ đắc lực công tác làm báo lúc sinh thời của ông.

Gia đình cố Nhà báo Quang Đạm đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 2 bản thảo viết tay: "Báo chí Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám" và "Con đường báo chí đi theo Trường Chinh"; Đồng hồ để bàn hiệu SLAVA do Liên Xô sản xuất được cố Nhà báo sử dụng trong khi làm việc tại báo Nhân Dân cho đến lúc về hưu và một số kỷ vật quý khác.

Trong khi đó, gia đình cố Nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, tên thật là Tôn Thất Vỹ, sinh năm 1914 ở Huế. Là người thuộc dòng dõi hoàng tộc, ông tham gia và có nhiều đóng góp cho cách mạng từ năm 1928. Trên lĩnh vực báo chí, ông viết cho các báo: Tràng An, Tiếng Dân, Nhành lúa, tham gia làm báo Sự Thật Liên khu V, Chủ nhiệm báo Thống Nhất. Gia đình ông đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam báo Thống Nhất, số kỷ niệm 25 năm thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, số 55, ra ngày 28/8/1970, 01 đài Sony được ông sử dụng sau năm 1975 và rất nhiều tư liệu báo chí khác…

Trong số nhiều tài liệu, hiện vật gia đình cố Nhà báo Nguyễn Văn Nhất và Dương Thị Ngân hiến tặng có bức ảnh ông Nguyễn Văn Nhất và bà Dương Thị Ngân, khi còn phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đang truyền thanh tại chỗ nhân dịp Quốc khánh 2/9/1960, tại Quảng trường Ba Đình, bức ảnh phóng viên Nguyễn Văn Nhất phỏng vấn Trưởng phái đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng tại hội nghị Fontainebleau ngày 31/5/1946, các huân huy chương, thẻ nhà báo…

Bảo tàng Báo chí Việt Nam nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia và trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, dự kiến sẽ mở cửa đón khách tham quan vào cuối năm 2019. Hiện tại, nhiều hiện vật, tư liệu quý đã được tập hợp, nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ để phục vụ kế hoạch trưng bày.

Được biết, có gần 400 hiện vật, tài liệu, hình ảnh quý giá liên quan tới lịch sử báo chí xuất hiện tại lễ tiếp nhận hiện vật tại Hội báo Toàn quốc 2019. Bảo tàng Báo chí Việt Nam kỳ vọng trong tương lai sẽ là địa chỉ phục vụ các nhà báo trong và ngoài nước, các nhà khoa học và mọi người dân trong việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu về lịch sử báo chí Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ hiến tặng hiện vật lần thứ 12