Báo Mỹ tôn vinh làng nghề giấy dó tồn tại suốt 800 năm ở Bắc Ninh

Thục Anh (TH)| 08/08/2022 10:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một tờ giấy dó truyền thống của Việt Nam có thể tồn tại suốt 800 năm. Nhưng ngày nay, chỉ có một số ít gia đình ở tỉnh Bắc Ninh duy trì nghề thủ công truyền thống này.

Hai cây viết Nikita Grant và Amelia Kosciulek của tờ Business Insider (Mỹ), có dịp tới làng làm giấy dó ở làng Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, để tìm hiểu lý do tại sao nghề thủ công này vẫn có thể tồn tại suốt 800 năm qua.

Đến nay, nghề thủ công này đang dần bị mai một, chỉ còn một số ít gia đình tiếp tục gắn bó với nghề.

Nghề làm giấy dó ở Dương Ổ có thể đã xuất hiện từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên (SCN). Khi đó, Thái Luân - người sáng chế ra giấy ở nước Đông Hán (Trung Quốc), trong một lần cùng 13 người bạn vi hành tới phương Nam. Đến thành Đại La, mỗi vị đã dạy cho dân một nghề thủ công khác nhau. Vốn giỏi nghề làm giấy nên Thái Luân đã dạy cho dân làng Yên Thái (ven Hồ Tây) và Đống Cao (xứ Kinh Bắc) nghề làm giấy dó. Sau khi ông mất, dân làng 2 thôn: Yên Thái, Đống Cao tôn ông làm Tổ nghề. Ngày 16 tháng 8 âm lịch hàng năm, 2 làng đều tổ chức giỗ Tổ nghề để tưởng nhớ bậc tiền nhân có công truyền nghề thuở sơ khai.

1434373600-anh-6.jpg
Công nhân đang tước cây dó, lấy nguyên liệu để giã làm bột dó. Ảnh minh họa

Một tờ giấy dó đúng tiêu chuẩn dai, bền phải trải qua gần 10 công đoạn. Tuân thủ đúng theo các công đoạn đó, giấy dó có thể lưu giữ cả trăm năm. Nguyên liệu làm giấy dó là cây dó mọc trên rừng được khai thác chuyển về, bóc lấy vỏ phơi khô cho vào bể ngâm nước 48 giờ đồng hồ, sau đó ngâm với nước vôi đặc rồi cho vào thùng phi đun liên tục trong 24 giờ, đem vớt ra rửa sạch, giã nhuyễn tạo bột, kết hợp với chất nhầy từ nhựa cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "huyền phù" mà người thợ sẽ pha với nước loãng hay đặc tùy theo loại giấy. Công đoạn tiếp theo là xeo giấy. Bột giấy được múc vào liềm ở trong khuôn rồi dùng tay rung đều khi đủ độ dầy của tờ giấy mới thôi, đặt khuôn vào giá và cầm liềm đặt từng tờ giấy lên đống. Xeo giấy là khâu quan trọng của nghề làm giấy. Nó thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, quyết định chất lượng sản phẩm giấy.

Người ta dùng những tờ giấy dó để làm sách hoặc tranh - một loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến từng được sử dụng trang trí nhà trong ngày tết Nguyên Đán của người Việt.

Từ thế kỷ 13, giấy dó được sử dụng rộng rãi để ghi chép lịch sử, cũng như trong các môn nghệ thuật dân gian. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường giấy công nghiệp, nghề sản xuất giấy dó đang bị thu nhỏ lại.

Nhu cầu giấy dó giảm dần kể từ khi các nhà máy được mở ra vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đến năm 2020, khoảng 75% giấy được sản xuất tại nhà máy. Những người thợ Dương Ổ đều nhận thấy giấy dó ngày nay gặp khó khăn cho đầu ra. Phần vì thu nhập không cao, phần do nguyên liệu chính là giấy dó ở trên rừng thì bà con dân bản họ không trồng nữa mà chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ giấy dó là có, bởi vì giấy dó có tính dai, bền, hút ẩm tốt đã tạo nên sự độc đáo, giá trị khác biệt của loại giấy này so với các loại giấy khác.

Nghề thủ công làm giấy dó Dương Ổ, Phong Khê vẫn duy trì và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi giúp địa phương giữ gìn một nét văn hoá đặc sắc của miền quê Kinh Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo Mỹ tôn vinh làng nghề giấy dó tồn tại suốt 800 năm ở Bắc Ninh