Bao giờ hết ế - sự liều lĩnh đi ngược với xu hướng vận động của phim điện ảnh Việt trong thời gian gần đây, khi kết hợp ba yếu tố: Gái đẹp “ế” - hợp đồng tình yêu - văn hóa cải lương.
Bao giờ hết ế - những điểm khác biệt thú vị không phải phim điện ảnh nào cũng có
Khi nhắc đến phim điện ảnh Việt, nhiều khán giả vẫn còn e dè về chất lượng và nội dung phim. Tuy nhiên những năm gần đây, phim điện ảnh Việt đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía công chúng bởi có rất nhiều phim được đánh giá cao từ chuyên môn cho đến sự yêu thích của khán giả.
Liều lĩnh không đi theo lối mòn, nhà sản xuất Triplo Pictures lựa chọn một đề tài “nhức nhối” hiện nay của xã hội là chủ đề “ế” để thực hiện tác phẩm điện ảnh đầu tay.
Nhà sản xuất đã “căng não” trải qua 21 lần chỉnh sửa để có được một kịch bản hoàn thiện, thuần Việt mới ưng ý. Bao giờ hết ế đi ngược lại với xu hướng vận động của phim điện ảnh Việt trong thời gian gần đây như: Xu hướng retro - hoài cổ, quay về quá khứ như Cô Ba Sài Gòn, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, Tháng Năm Rực Rỡ, Song Lang... Bộ phim Bao giờ hết ế dựa vào chất liệu hơi thở cuộc sống hiện đại để phản ánh vấn đề nổi cộm của giới trẻ Việt.
Bao giờ hết ế - phim Việt với công thức 3 trong 1, “gia vị” hấp dẫn cho khán giả Việt
Điểm đặc biệt của Bao giờ hết ế chính là công thức của bộ phim - sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Hình ảnh gái đẹp, giỏi giang nhưng chịu sức ép “vô hình” từ gia đình khi mang tiếng “ế”, lồng ghép vào đó là mô - típ hợp đồng tình yêu và sự đan cài yếu tố cải lương, nét văn hóa độc đáo của dân tộc đã tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn cho bộ phim. Có thể coi đó là nét mới rất riêng của Bao giờ hết ế giữa thị trường phim đa dạng hiện tại.
Bao giờ hết ế khác biệt trong cả cách lựa chọn đề tài, bởi trên thị trường phim Việt hiện nay hầu như có rất nhiều bộ phim lấy đề tài người phụ nữ, nhưng ít có bộ phim nào dám đề cập thẳng thắn, làm hẳn phim về đề tài “ế” trong cuộc sống hiện đại. Tiếp đến là cách lựa chọn nhân vật, phim tập trung vào một bộ phận người trẻ, độc thân Việt hiện tại. Ví như Thiên Kim (Thúy Vân) và Liễu (Đàm Phương Linh), cả hai đều có nền tảng học thức, có vị trí nhất định trong xã hội, có thể thấy họ là hình mẫu những cô gái trong cuộc sống hiện đại. Nếu Thiên Kim đẹp, độc lập, bản lĩnh và giàu có, đại diện cho kiểu hình mẫu phụ nữ thành công thì Liễu, chính là hình ảnh thu nhỏ của những cô nàng công sở, văn phòng. Nhưng tại sao họ vẫn ế? Có phải họ thực sự ế hay không? Sâu trong trái tim Thiên Kim, đối lập hoàn toàn với vẻ ngoài bản lĩnh là hình ảnh cô gái luôn khao khát được yêu và gặp được người đàn ông của đời mình. Đạo diễn đã khéo léo “bóc trần lớp vỏ bọc” mạnh mẽ bên ngoài để khán giả nhìn thấy một Thiên Kim mềm yếu, không chút phòng bị trong tình yêu, thậm chí có chút khờ dại “khi mang cả chiếc nhẫn gia truyền” tặng cho người đàn ông mà mình yêu. Phụ nữ sẽ đồng cảm với Thiên Kim, bởi họ thấy ít nhiều có hình ảnh yêu mù quáng của chính mình trong đó. Còn Liễu thì sao? Liễu là một cô gái luôn hoài nghi và không tin tưởng vào tình yêu. Cô luôn dè chừng với đàn ông và cũng không tin đàn ông thời nay là chung thủy.
Nếu bộ phim chỉ dừng lại ở yếu tố “thời sự” ế thôi chắc chắn chưa đủ sức thuyết phục và trọn vẹn. Chính vì vậy hợp đồng tình yêu hay nói đúng hơn là mô típ hợp đồng tình yêu được sử dụng để dẫn đến cao trào cho phim. Thông thường các bộ phim về hợp đồng tình yêu sẽ là câu chuyện của Hoàng tử và Lọ Lem. Nhưng nhân vật Thiên Kim lại là cô gái giàu có, độc lập nắm mọi thứ trong tay, một cô gái như vậy tại sao không tìm được người đàn ông nào cho mình mà phải dựa vào “hợp đồng tình yêu”?
Bởi vì cô “Ế” và dưới sự thúc ép của gia đình buộc Thiên Kim (Thúy Vân) không còn có lựa chọn nào khác mà phải “bám víu” vào hợp đồng tình yêu với một người con trai xa lạ. Hợp đồng tình yêu lúc này chính là cầu nối cho mối lương duyên để cặp đôi Liễu (Thúy Vân) - Hòa (Đình Quân) gặp gỡ và ràng buộc nhau. Ban đầu xuất phát từ lợi ích của cá nhân, nhưng thực chất lại thể hiện chữ Hiếu. Thiên Kim vì gia đình, Hòa vì mẹ, vì vậy họ tự nguyện kí vào bản hợp đồng tình ái mà không hề biết được chuyện gì sẽ xảy ra sau này?
Điểm thú vị nữa của Bao giờ hết ế là sự xuất hiện của các nghệ sĩ cải lương: Ngọc Giàu, Thanh Hằng, Thoại Mỹ... đều là những tên tuổi bảo chứng cho văn hóa cải lương ăn sâu vào tâm hồn, giá trị sống của người Việt. Qua đó thấy được thông điệp nhà làm phim muốn gửi gắm đến người xem là Văn hóa cải lương. Đây là một trong những điểm nhấn của phim, giống như loại “gia vị” mới lạ mà không phải phim điện ảnh Việt nào cũng chịu khó đưa vào. Chắc chắn, ít nhiều “gia vị” này sẽ kích thích “vị giác” từng bị lãng quên của khán giả với cải lương, đặc biệt là các bạn trẻ. Bộ phim hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn những phút giây thư giãn tuyệt vời.
“Bao giờ hết ế” sẽ được khởi chiếu chính thức trên tất cả các cụm rạp trên toàn quốc từ 14/09/2018.