Báo động tai nạn do pháo tự chế: Vì một cái Tết bình yên

Thảo Nguyên| 30/01/2022 12:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù tác hại của việc tự chế pháo nổ gây ra rất nặng nề, nhưng cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán nhiều người vẫn chủ quan học theo mạng xã hội tự chế pháo nổ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Đáng lo nhất khi nhiều nạn nhân của những tai nạn do pháo nổ đang tuổi học sinh...

Tai nạn gần nhất do pháo nổ xảy ra tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. 4 bé trai trong khoảng 12-14 tuổi ngụ xã Xuân Vân mua pháo đốt, nổ chấn thương nặng. Các nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang cấp cứu tối 26/1.

Trong đó, 1 bé bị chấn thương sọ não và mắt; 1 bé có vết thương thấu ngực; 1 bé có vết thương thấu bụng thủng ruột, tràn khí màng phổi; 1 bé bị vết thương bụng, bàn tay. Sau đó, 2 bé bị thương nặng nhất được chuyển đến bệnh viện tuyến Trung ương.

tay1.jpeg
Một trong các bệnh nhi bị thương tích nặng do pháo nổ. Ảnh: BVCC.

Trước đó, vào ngày 25/1, tại Tân Kỳ (Nghệ An), nam học sinh N.V.M. (lớp 11) khi đang ở nhà thì lấy pháo hoa ra đốt. Không may khi pháo nổ bắn vào người khiến nạn nhân bị bỏng. Hàng xóm nghe tiếng hét nên vội đến đưa đi cấp cứu.

Tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ (Nghệ An), bệnh nhân được chẩn đoán bỏng toàn thân độ I, II, III, IV. Hai mắt của bệnh nhân cũng bị bỏng giác mạc, nhanh chóng được sơ cứu rồi chuyển tuyến điều trị.

phao.jpeg
Bệnh nhân N.V.M. lúc nhập viện

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng đã tiếp nhận bệnh nhân T.Đ.A (15 tuổi )trú tại Uông Bí (Quảng Ninh) với nhiều tổn thương vùng bàn tay trái và hai mắt do tự chế pháo nổ tại nhà.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng 2 mắt có nhiều dị vật kết - giác mạc, bỏng kết - giác mạc độ 1, vết thương bàn tay trái, bỏng xây xát da mặt độ 1-2. Các bác sĩ đã tiến hành xử trí cho bệnh nhi và tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.

tay3.jpeg
Người bệnh phải cắt bỏ bàn tay do pháo nổ gây ra.

Không chỉ riêng tại Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Ninh mà thời gian gần đây tại các địa phương trong cả nước như Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Nội… cũng ghi nhận nhiều tai nạn đáng tiếc do pháo nổ gây ra.

Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình cho biết, trong những ngày Tết, bệnh viện cấp cứu nhiều ca tai nạn do nổ pháo. Có những ca tai nạn do pháo hết sức thương tâm, đa số là bị thương ở vùng cổ, mặt, ngực, tay. Đây đều là những ca bị thương nặng, có ca ở tuyến dưới chuyển lên, nhưng tựu chung khi bị nạn, người nhà cũng như nạn nhân đều tỏ ra hết sức ân hận vì ham vui nhất thời mà phải trả cái giá quá đắt.

Theo PGS Nguyễn Mạnh Khánh, ngoài nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn, pháo nổ còn gây ra những chấn thương cho các bộ phận gân, cơ và da. Tuy nhiên, tai nạn do pháo nổ tự chế còn mang tính đặc thù riêng biệt như: gây giập, nát xương, thậm chí là nhiễm trùng máu và để lại di chứng rất nặng nề cho người bệnh…

Nguy hiểm là vậy, song thực trạng đáng báo động này vẫn thường xuyên tái diễn, nhất là dịp cận Tết. Bởi, pháo tự chế thường kích thích sự tò mò đối với nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.

Theo các chuyên gia y tế, nhiều em gặp tai nạn trong quá trình bắt chước, học "chế" pháo theo các video, quảng cáo hướng dẫn trên mạng xã hội trong khi chưa hiểu rõ về các chất hóa học trong thuốc, quy trình vận chuyển cũng như sử dụng pháo nổ cho hoạt động thực tế…

Đau đớn có thể sẽ qua đi, nhưng nỗi ám ảnh về tinh thần hay di chứng, thương tật sẽ vĩnh viễn để lại trên cơ thể bệnh nhân do pháo nổ gây ra. Đây chính là hậu quả cho sự chủ quan về tác hại cũng như thiếu hiểu biết về các quy định trong sử dụng pháo nổ.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nói chung, đặc biệt là trẻ em cần được tuyên truyền, hiểu biết về những nguy hại do tự chế pháo nổ gây ra, nhất là trong dịp Tết.

Bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt của ngành chức năng với vi phạm về sử dụng pháo nổ, cũng cần "làm sạch" thông tin trên không gian mạng về pháo nổ. Đồng thời tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền về hậu quả của tai nạn pháo nổ. 

Các bậc phụ huynh tại mỗi gia đình nhắc nhở, quản lý con em, ngăn chặn nguy cơ có thể xảy ra từ việc "học" chế pháo trên mạng.

Cách bước sơ cứu khi gặp tai nạn do pháo nổ:

- Đối với chấn thương ở mắt, nếu nạn nhân bị bỏng vùng mắt hoặc dị vật vào mắt khi đốt pháo, nên rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong ít nhất 10 phút, chớp mắt để loại dị vật ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt. Sau đó, bạn băng mắt lại bằng gạc sạch.

- Nếu bị chảy máu mắt, nạn nhân cần được nhanh chóng băng mắt bằng gạc sạch. Trường hợp nạn nhân bị vết thương mạch máu cần băng ép cầm máu ngay.

- Nếu bị gãy xương, dập nát bàn tay, cần cố định xương gãy và băng vết thương cho nạn nhân cẩn thận.

- Nếu bị bỏng da, hãy nhanh chóng làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút. Ngay sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, bạn hãy nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động tai nạn do pháo tự chế: Vì một cái Tết bình yên