Bảo đảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 6,5 - 7 %

Mai Thoa| 11/11/2021 18:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn của ĐBQH về các vấn đề liên quan đến chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau trong và sau đại dịch; Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021.

Cùng với đó là giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.

202111110910562611_bmh_5719.jpg

Nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân, DN

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch các cấp, các ngành và địa phương, các cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương.

Đây là những quyết sách quan trọng cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế- xã hội của Đảng nêu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và cũng là căn cứ quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động chia sẻ, lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế tổ chức khảo sát, điều tra, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan để kịp thời tham mưu ban hành các chính sách chưa từng có tiền lệ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, sớm trở lại hoạt động khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đóng góp chung vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 10 tháng đầu năm 2021 của cả nước, Bộ đã ban hành các chính sách nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hạn chế tác động đứt gãy của chuỗi cung ứng chuỗi sản xuất kinh doanh song thời gian dài bị ảnh hưởng của năm 2021, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, đưa đất nước phục hồi, thích ứng và phát triển bền vững trong tương lai. Thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội để trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Đây là một vấn đề lớn, phức tạp, quan trọng của đất nước, tác động toàn diện tới nền kinh tế, đòi hỏi kết hợp giữa thực tiễn trong và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu phát triển và khả năng thực hiện của đất nước nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong tiếp tục nhận được những ý kiến đề xuất sâu sắc tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện nội dung Chương trình, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và sớm phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Về kinh nghiệm triển khai các gói hỗ trợ của các nước trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nước thường đưa ra các gói hỗ trợ rất lớn, quyết định rất nhanh, bất chấp kỷ luật tài chính, chấp nhận tăng nợ công... qua đó khôi phục kinh tế rất nhanh. Về tài khóa các nước đều tăng cho y tế, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cấp phát tiền mặt, miễn giảm thuế phí đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đầu tư cho hạ tầng.... Về tín dụng, nhìn chung các nước hỗ trợ lãi suất, nới lỏng quy định cho vay...

Đối với Việt Nam, gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế; tính toán đến cả những tác động trong ngắn hạn, dài hạn; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả... để nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2025 đã đề ra.

Bảo đảm tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2025 là khoảng 6,5 - 7 %

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) chất vấn, trong các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này, chỉ tiêu tốc độ tăng GDP đạt 6 - 6,5 %, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.

son-hd.jpg
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Vậy khi xây dựng những chỉ tiêu này đã dự báo hết nguy cơ gia tăng tỷ lệ nhập khẩu lạm phát chưa, nhất là những hậu quả nặng nề do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư gây ra; đồng thời trong tỷ lệ bội chi nêu trên đã bao gồm những gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới hay chưa?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: sau khi nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong nước, ngoài nước và tình hình thực tiễn trong nước cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ đang triển khai xây dựng chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế với các quan điểm gồm:

Thứ nhất, chương trình phải có quy mô đủ lớn. Thứ hai, thời gian thực hiện phải phù hợp, phải bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Cuối cùng là phải có hỗ trợ cho phía cung và phía cầu của nền kinh tế. Bốn là, thực hiện linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải thực hiện gắn kết, lồng ghép vào các chương trình này. Năm là, tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời để hỗ trợ phối hợp, đồng thời tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa… Giữa các chính sách và giải pháp phải gắn cơ chế thực hiện cụ thể để bảo đảm khả thi và hiệu quả; hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế.

202111110910562923_bo-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu-nguyen-chi-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng,

Mục tiêu là phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ; phải bảo đảm, chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp để hoạt động trong mọi điều kiện trước tác động của dịch bệnh; bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2021 – 2025 là khoảng 6,5 - 7 % như mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; phải ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện, dự tính báo cáo và nếu được Quốc hội thông qua thì sẽ thực hiện trong 2 năm (2022 – 2023) để phục hồi nhanh- Bộ trưởng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 6,5 - 7 %