Bảo đảm sự tôn nghiêm trong hoạt động tố tụng- nền tảng của cải cách tư pháp

Mai Thoa| 11/09/2022 23:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng vừa được UBTVQH ban hành và có hiệu lực từ 1/9/2022.

Pháp lệnh được đánh giá là văn bản có tầm ảnh hưởng nhất định đến cải cách tư pháp hiện nay.

Từ nhu cầu thực tế

Từ thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng thời gian qua cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, ảnh hưởng tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.

phien-toa.jpg

Quá trình nghiên cứu, xây dựng Pháp lệnh này, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đã tổ chức tổng kết thực tiễn, qua đó cho thấy, các hành vi cản trở tố tụng phổ biến như: Vi phạm nội quy phiên tòa, gây rối trật tự (xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm những người tiến hành tố tụng, đặc biệt là đối với Thẩm phán, Thư ký Tòa án); không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án;…..(Như cản trở người tiến hành tố tụng xem xét thẩm định tại chỗ, đo đạc, định giá tài sản, xác minh thu thập chứng cứ; ngăn cản việc cấp, giao, nhận, tống đạt thông báo, văn bản tố tụng; đưa tin sai sự thật; từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật; không cử người tham gia Hội đồng định giá; tự ý bỏ về giữa chừng, không ký vào biên bản làm việc; cố ý tẩu tán, hủy hoại hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ).

Trong những năm qua thì những hành vi này xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn, kéo dài cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.

Quy định về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Các đạo luật này không quy định cụ thể trường hợp nào người có hành vi vi phạm bị kỷ luật, trường hợp nào bị xử lý hành chính, trường hợp nào bị xử lý hình sự; mà phạm vi quy định này sẽ nằm ở các đạo luật chuyên ngành khác, ví dụ như Bộ luật Hình sự sẽ quy định về những trường hợp bị xử lý hình sự (tội phạm); Luật Cán bộ, công chức quy định về xử lý kỷ luật; còn việc xử lý vi phạm hành chính sẽ được quy định trong văn bản chuyên ngành tùy theo lĩnh vực. Do đó, Pháp lệnh này quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt, mức phạt, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi cản trở hoạt động tố tụng cụ thể.

Quy định đó giúp cho hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền được trơn tru và hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra. Cùng với đó là nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật và bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa, bảo vệ quyền uy tư pháp.

Pháp lệnh này là văn bản quy phạm pháp luật có tính hệ thống, chi tiết về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, quy định cụ thể rõ ràng về hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng tạo thuân lợi cho việc xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Pháp lệnh được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật.

Sự tôn nghiêm phiên tòa và nền tảng cải cách tư pháp

Pháp lệnh ra đời được đánh giá góp phần mang đến hiệu quả tích cực cho hoạt động tư pháp và cơ quan tố tụng, giúp cho công tác cải cách tư pháp ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

z3644026690664_d701f88d0e01fb9e0c1d10ee7649589b.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp UBTVQH tháng 8/2022.

Để đảm bảo nghiêm minh, Pháp lệnh cũng đã cụ thể hóa các mức phạt cho mỗi hành vi vi phạm. Các đối tượng bị điều chỉnh nhiều nhất là Luật sư, Nhà báo… với mức phạt cao hơn người dân bình thường khi vi phạm. Cũng giống như bất kỳ chính sách mới nào khi mới ban hành cũng nhận được những quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Tại phiên họp UBTVQH cuối tháng 8 vừa qua, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã có phát biểu rõ hơn về những quy định này, đồng thời phân tích thêm những điều mà các nhà báo, luật sư nêu ý kiến băn khoăn.

Chánh án cho biết, khi nhận được thông tin, ông đã giải thích, “nhà báo có quyền như vậy nhưng người khác cũng có quyền rất thiêng liêng. Chẳng hạn, anh có một người em gái đang liên quan đến vụ án hôn nhân, trước phiên tòa em gái anh trình bày lý do tại sao ly hôn, tài sản có cái gì, tiền bạc bao nhiêu mà không chia...”.

Dẫn từ ví dụ thực tế đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích thêm, nếu có ai đó livestream toàn bộ tài sản của cá nhân người đó, hoặc những vấn đề rất riêng tư lên mạng cho cả thế giới biết, hẳn sẽ không ai muốn điều đó và chắc chắn họ sẽ không muốn điều đó. Hay hai bên tranh chấp hợp đồng, tài sản ký kết bao nhiêu mà livetream hay đưa hết thông tin lên mạng, không được phép của người dân và những người tham gia phiên tòa là vi phạm quyền nhân thân

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, kể cả trong vụ án hình sự cũng vậy, không chỉ có bị can, bị cáo - những người bị hạn chế quyền con người, mà có cả bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... người ta cũng có quyền bảo vệ bí mật tài sản; rồi các vụ án xâm hại nhân thân, xâm hại nhân phẩm mà bây giờ cũng ghi âm, ghi hình, livestream đưa hết lên mạng là vi phạm quyền con người nghiêm trọng.

Chính vì vậy, một nguyên tắc lớn mà Pháp lệnh này hướng đến chính là bảo vệ quyền con người, quyền công dân- quyền thiêng liêng của con người mà Hiến pháp đã quy định. Đó cũng chính là lý do không thể sẵn sàng ghi âm, ghi hình để đưa những nội dung như vậy lên mạng trên mạng, luật quy định là để bảo vệ quyền riêng tư của con người. Pháp luật chúng ta cũng như các nước trên thế giới quy định chuyện này là xuất phát từ việc bảo vệ quyền con người, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khi tổ chức một phiên tòa, mục tiêu tối thượng là hướng đến một bản án đúng pháp luật, công tâm, tâm phục khẩu phục, chứ không phải một phiên tòa là dịp để truyền thông. Mà nhiệm vụ của Hội đồng xét xử là phải toàn tâm, toàn ý cho phiên tòa, đảm bảo sự công tâm cần thiết. Nếu Hội đồng xét xử ngồi làm việc mà hàng trăm máy điện thoại đưa lên livestream thì sự toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ chính của phiên tòa là đưa ra bản án đúng pháp luật sẽ bị sao nhãng.

Trên cơ sở đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình mong người dân và truyền thông tôn trọng, chia sẻ áp lực của các Thẩm phán khi đứng trước mục tiêu lớn là phải đưa ra phán quyết đúng đắn liên quan các sinh mạng và bảo đảm quyền con người. Đứng trước ống kính truyền thông, tâm trạng của bất cứ ai cũng sẽ bị sao nhãng, mong truyền thông chia sẻ việc này để Hội đồng xét xử làm đúng chức phận của mình, đảm bảo chất lượng phiên tòa.

Phần phân tích của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, không những được 100% các thành viên trong UBTVQH tán thành mà được dư luận hiểu và đánh giá cao. Pháp lệnh ra đời không chỉ có những quy định pháp luật khô cứng chặt chẽ giúp cho hoạt động tố tụng được đảm bảo đúng pháp luật, trơn tru hơn mà còn đảm bảo tính nhân văn, bảo đảm các quyền con người, quyền của công dân khi tham gia tố tụng. Đây cũng là nền tảng quan trọng góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp được phát triển mạnh mẽ hơn.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sự tôn nghiêm trong hoạt động tố tụng- nền tảng của cải cách tư pháp