Hòa bình thế giới đang đứng trước những mối đe dọa to lớn như khủng bố, nội chiến, nguy cơ chiến tranh và thảm họa thiên nhiên. Cùng chung tay vì một nền hòa bình thế giới là một vấn đề quan trọng đối với các quốc gia, tổ chức và đặc biệt là báo chí.
Khủng bố, chiến tranh, thảm họa thiên nhiên… mối đe dọa toàn cầu
Nghĩa trang tưởng niệm những người lính đã tham gia lực lượng của Liên hợp quốc tại Hàn Quốc nằm tại thành phố cảng Busan, đô thị lớn thứ hai Hàn Quốc rộng 133.701m2. Đây là nơi tưởng niệm những người lính của 11 quốc gia đã tham chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 1950 gồm 2.300 ngôi mộ, cùng bia đá và quốc kỳ các nước.
Trong một ngày trời mưa ẩm ướt vào đầu tháng 4/2017, hơn 90 nhà báo thuộc 54 nước trên thế giới đã tới đặt hoa tưởng niệm những người lính Liên hợp quốc đã ngã xuống. Đây là một phần hoạt động trong chương trình của Hội nghị nhà báo thế giới 2017 diễn ra tại Hàn Quốc (WJC 2017) nhằm tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống vì nên hòa bình thế giới.
WJC 2017 diễn ra giữa lúc Hàn Quốc đang trải qua cơn sóng gió chính trị lớn nhất trong lịch sử, khi vị nữ Tổng thống đầu tiên của nước này - Park Geun Hye bị phế truất. Trong khi đó, những biến cố vẫn xảy ra dồn dập ở khắp các vùng đất trên thế giới, tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn căng như dây đàn với các đợt phóng tên lửa ở miền Bắc và tuyên bố cân nhắc triển khai vũ khí hạt nhân ở miền Nam của Mỹ… Vì thế ngồi lại với nhau, bắt đầu những câu chuyện về hòa bình trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Trong phiên khai mạc WJC 2017, ông Ahn Chong Ghee, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh: “Các bạn (những nhà báo) là những người biết rõ hơn ai hết điều gì đang diễn ra trên khắp thế giới. Giờ là lúc chúng ta cùng nhìn lại và đánh giá sâu sắc hơn về những xung đột đang diễn ra, về sự phát triển nhanh chóng của các tổ chức khủng bố, điều gì đã giúp chúng bắt rễ và bò lan nhanh chóng đến vậy. Hãy cùng suy nghĩ xem, chúng ta có thể làm được gì để góp sức mang lại hòa bình cho thế giới”.
Hơn 90 nhà báo, phóng viên đến từ 54 quốc gia, trong đó có Việt Nam tại Hội nghị nhà báo thế giới 2017 diễn ra tại Hàn Quốc hồi đầu tháng 4/2017
Trong bài phát biểu của ông Duckryul Hong, Hiệu trưởng Trường Đại học Daegu, Hàn Quốc chỉ ra rằng, hàng năm, hàng trăm ngàn người trên thế giới chết vì khủng bố, nội chiến, nguy cơ chiến tranh và thảm họa thiên nhiên. Vấn đề “An ninh khu vực”, “Hòa bình thế giới” đang trở nên rất quan trọng đối với từng cá nhân, tập thể, Chính phủ và toàn thế giới.
Có rất nhiều yếu tố quan trọng đe dọa tới nền hòa bình thế giới, tới cuộc sống nhân loại. Trong đó có thể nói mối đe dọa lớn nhất đó là khủng bố. Một ví dụ điển hình nhất đó là vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 11/9/2011 tại nước Mỹ khiến 2.977 người dân vô tội thiệt mạng và 6.291 người khác bị thương. Vài năm gần đây, những tổ chức khủng bố hành động còn tàn bạo và độc ác hơn nhiều, đặc biệt là sau sự xuất hiện của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Vụ tấn công nhắm vào Tòa soạn tạp chí châm biếm Chalie Herbdo (Pháp) ngày 7/1/2015 khiến 12 người thiệt mạng là một ví dụ điển hình cho sự manh động của IS.
Báo cáo về khủng bố 2015 được Bộ Ngoại giao Mỹ đệ trình lên Đại hội vào ngày 2/6/2016 cho biết, chỉ trong năm 2015, trên toàn thế giới có tới 28.328 người trở thành nạn nhân của khủng bố.
Sáng 22/3/2016, một vụ nổ bom kép đã xảy ra ở Brussels, Bỉ khiến 34 người chết và 250 người khác bị thương. Vào 11/5/2016, IS đã tiến hành 10 vụ đánh bom liên tiếp ở Syria và Yemen khiến 180 thường dân thiệt mạng. Cùng ngày, hơn 100 người khác cũng thiệt mạng trong những vụ tấn công của IS tại thủ đô Baghdad, Iraq…
Bên cạnh mối đe dọa từ khủng bố, thế giới còn phải đối mặt với nhiều các mối đe dọa khác như nội chiến, nguy cơ chiến tranh hay thảm họa từ thiên nhiên, ảnh hưởng từ môi trường sinh thái.
Cuộc nội chiến ở Syria kéo dài 6 năm qua đã cướp đi sinh mạng của khoảng 310.000 người, trong đó có 10.000 trẻ em. Cuộc nội chiến kéo dài tới 52 năm tại Colombia đã giết chết 220.000 người, 8 triệu người mất nhà cửa và khoảng 45.000 người mất tích. Trong khi đó, cuộc nội chiến ở Yemen đã khiến 11.000 người thương vong, hơn 3 triệu người phải sống tị nạn, trong đó 370.000 trẻ em phải đối mặt với đói nghèo, suy dinh dưỡng.
Việc gần đây Triều Tiên liên tục phóng thử nghiệm tên lửa cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại về một cuộc chiến tranh. Nguy cơ bùng nổ chiến tranh dường như lớn hơn bao giờ hết, không những giữa Hàn Quốc và Triều Tiên mà còn gia tăng căng thẳng mối quan hệ giữa Mỹ - Triều, xa hơn nữa là Mỹ -Trung, cũng như ảnh hưởng tới hòa bình khu vực châu Á.
Một yếu tố không nhỏ khác ảnh hưởng tới nhân loại đó là thảm họa tự nhiên. Một ví dụ điển hình là trận động đất và sóng thần xảy ra ở Tuhoku, Nhật Bản - nơi có nhà máy điện hạt nhân Fukushima khiến 20.000 người chết và mất tích hôm 11/3/2011. Nhưng xa hơn thế, hậu quả sau đó là hàng trăm người đã bị ung thư do ảnh hưởng bởi tiếp xúc với bức xạ từ nhà máy Fukushima.
Báo chí chung tay bảo vệ nền hòa bình thế giới
Trong những ngày đầu diễn ra WJC 2017, những tin tức về vụ “tấn công bằng khí hóa học” ngày 4/4 ở Khan Sheikhoun (phía Nam tỉnh Idlib, Syria) tràn ngập Facebook, Twitter và các tờ báo mạng. Đây lại trở thành chủ đề cho các nhà báo trong chuyến đi lần này bàn luận tới. Thảo luận, thậm chí tranh cãi nổ ra giữa chính các nhà báo tham dự WJC 2017, đúng như tiêu chí được đặt ra ngay trong ngày khai mạc hội nghị “Nhiệm vụ của nhà báo là gì về vấn đề hòa bình?”.
Những bia đá lặng lẽ tại Nghĩa trang tưởng niệm những người lính tham gia lực lượng của Liên hợp quốc tại Hàn Quốc (UNMC)
Tại WJC 2017, bà Safa Al-Khasawneh, Tổng Biên tập hãng Thông tấn Jordan chỉ ra rằng, có thể thấy, hòa bình thế giới không phải chỉ được duy trì bởi các lực lượng quân đội, các cường quốc hay một liên minh to lớn nào mà là ở từng cá nhân, từng tập thể, trong đó báo chí và truyền thông đóng vai trò không nhỏ. Những nhà báo, phóng viên với ngòi bút của mình như những chiến sỹ cầm súng trên chiến trường chiến đấu để bảo vệ nền hòa bình của thế giới. Nhiều cuộc họp, hội nghị, diễn đàn đã được mở ra để chỉ ra vai trò cốt lõi của nhà báo đối với việc kiến tạo và gìn giữ hòa bình.
Ngày nay, các phương tiện truyền thông thông qua mạng internet được sử dụng rộng rãi, đây chính là khe hở rất khó kiểm soát của truyền thông. Các tổ chức khủng bố lợi dụng khe hở này để tuyên truyền các tư tưởng cực đoan, gieo thù ghét, gây hiểu lầm cho cộng đồng. Báo chí và truyền thông tất nhiên không thể là nơi gieo mầm mống và truyền bá, kích động những hành động hận thù, chia rẽ. Ngược lại, các nhà báo là những người sử dụng tiếng nói của mình, ngòi bút của mình tuyên truyền về sự bao dung và độ lượng. Vai trò then chốt báo chí là đẩy lùi cực đoan bằng cách nâng cao nhận thức của cộng đồng về khủng bố, chiến tranh…
Từ lịch sử, báo chí và truyền thông luôn phải đảm bảo tính đa chiều. Tuy nhiên, bà Safa Al-Khasawneh cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ của nhà báo là chắt lọc, lựa chọn thông tin từ những nguồn thông tin tin cậy đưa tới bạn đọc. Nhất là khi sức mạnh công nghệ khiến những tin tức giả mạo (fake news) lan tràn nhanh hơn bao giờ hết thì nhiệm vụ này của nhà báo càng trở nên quan trọng hơn.
Báo cáo của Tổng Giám đốc UNESCO có nhan đề "Sự an toàn của các nhà báo và mối đe dọa không bị trừng phạt" cho biết trong vòng 10 năm (2006-2015) đã có 827 nhà báo bị giết hại trong khi đang tác nghiệp, nhiều nhất là tại Syria, Iraq, Yemen và Libya - những nơi đang xảy ra nội chiến và khủng bố.
Tại WJC 2017, ông Duckryul Hong cũng nhắc lại vụ khủng bố tấn công tòa soạn Charlie Hebdo (Pháp) hồi đầu năm 2015. Đây là một mất mát to lớn đối với làng báo chí Pháp và cũng là nỗi đau của làng báo chí thế giới. Những hành động này cần phải lên án mạnh mẽ không những bởi các nhà báo trên khắp thế giới mà còn cần có sự góp sức của các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khác trên toàn thế giới. Qua đây, ông nhấn mạnh về tinh thần đoàn kết để cùng chung tay bảo vệ nền hòa bình của thế giới.
Ông Hong cho rằng, báo chí và truyền thông không những chỉ đưa thông tin mà còn là đóng vai trò là người truyền giáo, cùng với những giá trị mở, báo chí giáo dục đa văn hóa, mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo và văn hóa. Qua đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Hàn Quốc Jung Kyu Seong nhấn mạnh, mặc dù các nhà báo, phóng viên thuộc nhiều quốc gia khác nhau, dân tộc khác nhau, khác cả màu da và ý thức hệ, nhưng tất cả đều cần phải báo cáo sự thật, trung thực và đầy nhiệt huyết trong công việc để hướng tới việc đạt được tự do và hòa bình cho toàn thế giới.