Nghề báo là một nghề cao quý, song cũng là nghề nguy hiểm và có nhiều rủi ro. Gần 90 năm qua, báo chí đồng hành cùng dân tộc, đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và phát triển kinh tế đất nước.
Nhân Kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2014), Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với TS. Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về một số nội dung liên quan đến nghề báo - một nghề được xã hội quan tâm, nhân dân tin yêu, Đảng và Nhà nước tin cậy.
PV: Vai trò của báo chí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, ông đánh giá như thế nào về đóng góp của phóng viên và các cơ quan báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình hiện nay?
TS. Hà Minh Huệ: Quan niệm phổ biến ở phương Tây cho rằng, báo chí là quyền lực thứ tư, sau nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp trong cán cân quyền lực trong xã hội. Ở nước ta, báo chí được coi là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, đã và đang có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, cổ vũ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Báo chí là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là diễn đàn của nhân dân.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có gần 400 nhà báo, cán bộ báo chí ra chiến trường tác nghiệp đã anh dũng hy sinh, trở thành liệt sỹ. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay, các nhà báo có mặt ở những nơi gian khổ nhất, nguy hiểm nhất để có những dòng tin, bức ảnh, thước phim nóng hổi tính thời sự, thông tin tới công chúng. Những ngày tháng 5, tháng 6 này, hàng chục phóng viên, nhà báo xung phong lên tàu cùng Cảnh sát biển, ngư dân ra khơi để đưa tin về vụ Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Báo chí góp phần tạo đồng thuận xã hội, phản đối mạnh mẽ mưu đồ xâm lược của Trung Quốc.
Tiến sĩ Hà Minh Huệ
Có thể khẳng định, báo chí cách mạng Việt Nam kể từ ngày thành lập (21/6/1925) đến nay rất trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Tuy nhiên, trong cơ chế kinh tế thị trường, vẫn còn một bộ phận nhỏ phóng viên, nhà báo có vi phạm đạo đức nghề nghiệp này nọ, cá biệt có phóng viên vi phạm pháp luật bị xử lý, nhưng đó không phải là xu thế chủ đạo.
PV: Từ những thành quả trên cho thấy, nghề báo là nghề cao quý, song thực tế cũng đầy nguy hiểm, rủi ro. Ông có nhận xét gì về điều này và định hướng hành nghề hiện nay cho các nhà báo?
TS. Hà Minh Huệ: Nghề báo là nghề cao quý. Người làm báo là người được xã hội giao nhiệm vụ thông tin đến công chúng những gì mới xảy ra, bản chất của sự việc đó và ở cấp độ nhất định, định dạng hành vi ứng xử. Như vậy, nhà báo có chức năng hướng dẫn dư luận và chức năng giáo dục. Cũng có người nói, nhà báo là nhà chép sử cần cù nhất, trung thực nhất, họ có mặt mọi nơi để ghi chép lại bằng lời, bằng hình những gì đang xảy ra, nhờ đó mà công chúng biết được. Danh hiệu nhà báo chính vì vậy rất cao quý. Đã có ý kiến đề xuất với Nhà nước công nhận hình thức vinh danh nhà báo bằng danh hiệu Nhà báo Nhân dân, Nhà báo Ưu tú giống như nhiều “Nhà” khác như Nhà giáo, Nghệ sĩ, Thày thuốc v.v. Cho đến nay, danh hiệu đó chưa được chấp nhận, nhưng nhận thức chung cho rằng, danh hiệu nhà báo không thôi cũng đủ nói lên sự vinh danh của xã hội đối với đóng góp của đội ngũ những người làm báo đông đảo của chúng ta. Chính vì vậy, đội ngũ nhà báo của chúng ta cần tiếp tục phát huy tính chất cách mạng, vì nước, vì dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, thực hiện tốt nhất chức năng thông tin, phản biện xã hội, là diễn đàn của nhân dân.
PV: Sau khi TANDTC ban hành Thông tư về Nội quy phiên tòa, đã có ý kiến cho rằng, quy định về việc phóng viên, nhà báo khi dự phiên tòa, ngoài xuất trình Thẻ nhà báo phải xuất trình cả giấy giới thiệu là gây khó dễ cho phóng viên tác nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Hà Minh Huệ: Đúng là sau khi TANDTC ban hành Thông tư về Nội quy phiên tòa, vẫn có một số tờ báo thông tin ý kiến riêng lẻ nói rằng, quy định về việc phóng viên, nhà báo đến đưa tin phiên tòa phải xuất trình Thẻ nhà báo và giấy giới thiệu của cơ quan báo chí là “làm khó”, với lý lẽ là không phải nhà báo nào cũng có Thẻ nhà báo và với những cơ quan có trụ sở ở xa hoặc mỗi ngày có nhiều phiên tòa diễn ra thì việc phải xin giấy giới thiệu cho mỗi phiên tòa để tham dự là một điều bất cập. Tôi cho rằng, tình thế không hẳn như thế. Hoạt động nào chẳng có quy định riêng, vì tính đặc thù, huống hồ lĩnh vực Tòa án. Tính chuyên môn sâu, tính nghiêm minh của phiên tòa, của Tòa án, của cơ quan bảo vệ luật pháp đòi hỏi báo chí cần tuân thủ thêm cả những quy định đặc thù.
Báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân
Ở đây, tôi xin khẳng định lại là Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông là hai cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, đều nhất trí với nội dung của Thông tư vì cho rằng, làm như vậy là cần thiết. Thứ nhất, Thẻ nhà báo là thẻ hành nghề do cơ quan quản lý Nhà nước cấp để chứng minh, anh là nhà báo có đủ “thẩm quyền” hoạt động báo chí. Có người hỏi tôi là những người không có hoặc chưa có Thẻ thì sao, không được hoạt động báo chí tại phiên tòa hay sao? Tôi nói: Thẻ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp là giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận nghề nghiệp của nhà báo. Vậy là cần thiết chứ! Việc chưa có thẻ cũng phần nào nói lên, anh chưa đủ kinh nghiệm ba năm hành nghề báo chí.
Thứ hai, về giấy giới thiệu của cơ quan báo chí: Đại diện của Hội Nhà báo và Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông khi tham dự hội thảo về Thông tư này đều có chung ý kiến cho rằng, phiên tòa không phải là “cái chợ” để ai muốn vào cũng được. Tòa án là chốn nghiêm minh, xét xử những con người, vụ việc đang bị coi là vi phạm pháp luật, mà không phải phiên tòa nào cũng xử công khai, do vậy phải có những quy định riêng. Chính vì vậy, đến đưa tin một phiên tòa, phóng viên, nhà báo phải được cơ quan báo chí chọn, cử đi thông qua giấy giới thiệu. Điều này còn có tác dụng giúp cơ quan báo chí quản lý tốt hơn công tác thông tin, quản lý hoạt động báo chí của phóng viên, nhà báo của cơ quan mình.
Giống như nhiều hoạt động xã hội khác, phiên tòa cũng cần mời phóng viên báo chí đến đưa tin, phản ánh, do vậy cũng không nên lo ngại Tòa án ngăn cản báo chí. Tòa án cần báo chí đến để thông tin, tuyên truyền về hoạt động của mình, mà công chúng có quyền được thông tin, nên báo chí có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu thông tin đó. Tất cả những thứ đó đều nằm trong khuôn khổ pháp luật.
Thực ra, trong quá trình soạn thảo Thông tư, TANDTC đã tiếp thu nhiều ý kiến của báo chí, đã bỏ nội dung phóng viên phải được Chánh án, người điều khiển phiên tòa “cho phép” vào đưa tin; quy định về việc quay phim, chụp ảnh cũng khác, Thông tư không quy định theo hướng hạn chế v.v. Như vậy, phóng viên, nhà báo vẫn có quyền tác nghiệp rộng rãi.
PV: Có phải do trước đó, phóng viên, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhiều nội dung vụ án bị thông tin sai lệch nên Tòa có những quy định chặt chẽ không, thưa ông?
TS. Hà Minh Huệ: Nếu cho rằng Toà án có những quy định chặt chẽ vì mối lo ngại về việc phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp là không đúng. Phát biểu tại cuộc hội thảo nói trên, chúng tôi cũng nói thẳng rằng, Tòa án không nên lo ngại phóng viên, nhà báo đưa tin sai, không đúng về phiên tòa, đưa lên mặt báo những thông tin nhạy cảm, không cần thiết v.v. Tôi nói, điều chỉnh hoạt động báo chí đã có Luật Báo chí, có Quy định về đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo, có quy định của tòa soạn báo, có sự điều hành của Ban Biên tập báo và nhiều luật lệ khác.
Còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì có nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có, và ở lĩnh vực nào cũng có thể xảy ra. Nếu nhà báo thực hiện đúng các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, do Hội Nhà báo ban hành từ năm 2005, thực hiện nghiêm pháp luật thì không có gì phải lo. Trách nhiệm của nhà báo là thông tin chính xác, trung thực. Nhưng cũng có quy định nhà báo phải thông tin vì lợi ích xã hội, tránh cái gọi là “thật thà hư”, tức là cái gì cũng tung lên mặt báo. Đó là trách nhiệm đối với xã hội và nghĩa vụ của một công dân. Trong thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay cũng không phải không có những nhà báo vi phạm điều này, tung ra những loại thông tin gây hại cho xã hội, vì muốn tạo ra sự giật gân, câu khách, hoặc vì lợi ích cá nhân của một ai đó, lợi ích nhóm nào đó.
Hội Nhà báo có trách nhiệm tham gia giáo dục đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý và chỉ đạo báo chí. Hội Nhà báo hiện nay đang tích cực triển khai để thực hiện nhiệm vụ này thông qua việc tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, các khóa học để nâng cao nhận thức chính trị, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; phát hiện, xử lý các vụ vi phạm v.v…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!