Tòa án địa phương

Báo cáo kết quả giải quyết án dân sự tồn đọng trước năm 2023

Trần An 14/03/2024 - 20:39

Ngày 14/3, TAND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị triển khai báo cáo kết quả kiểm tra giải quyết án dân sự tồn đọng từ ngày 30/9/2023 trở về trước và đóng góp dự thảo quy chế phối hợp giữa TAND tỉnh với Sở TN&MT tỉnh về công tác đo đạc, thẩm định, cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai. Ông Thái Rết – Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh dự và chủ trì hội nghị.

Báo cáo kết quả kiểm tra giải quyết án dân sự tồn đọng tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Lâm – Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, xác định án dân sự tồn nhiều là một trong những hạn chế của Tòa án hai cấp trong năm 2023 và giải quyết dứt điểm những vụ án này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024, nên ngay từ đầu năm, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch, đưa vào chương trình công tác năm 2024 để khắc phục.

img_20240314_182418.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Lâm – Phó Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng báo cáo tại hội nghị.

Lãnh đạo TAND tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, tiến hành kiểm tra, làm việc trực tiếp với các đơn vị, Thẩm phán Tòa án hai cấp, trong đó đại diện lãnh đạo TAND tỉnh làm trưởng đoàn, để nghe lãnh đạo các đơn vị, Thẩm phán báo cáo cụ thể những vụ việc dân sự tồn đọng, kéo dài, lâu năm, trên cơ sở đó từng Thẩm phán đã xây dựng kế hoạch khắc phục, đăng ký, cam kết với lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh thời điểm giải quyết dứt điểm từng vụ việc, cũng như báo cáo những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân tồn đọng.

Tính đến ngày 25/02/2024 (05 tháng), TAND hai cấp đã giải quyết được 313/1.309 vụ việc dân sự tồn từ ngày 30/9/2023 trở về trước, tỷ lệ 24%, còn tồn 996 vụ việc. Trong đó, TAND tỉnh giải quyết được 62/255 vụ việc (trong đó giải quyết được 19/89 vụ việc có ủy thác tư pháp, tỷ lệ 21,3% còn 70 vụ việc chưa đến ngày xét xử; đối với các vụ án không có ủy thác thì giải quyết được 43/166 vụ việc, tỷ lệ 26%, còn tồn 123 vụ việc; TAND cấp huyện đã giải quyết được 251/1.054 vụ việc, tỷ lệ 23,8%, còn tồn 803 vụ việc.

Theo Phó Chánh án TAND tỉnh, nguyên nhân dẫn đến lượng án tồn đọng còn cao tại các đơn vị có nhiều nguyên nhân như lãnh đạo một số đơn vị không quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo xử lý án tồn, chưa sâu sát, không thường xuyên kiểm tra tiến độ giải quyết án của các Thẩm phán để kịp thời đôn đốc, uốn nắn, nhắc nhở Thẩm phán xây dựng kế hoạch giải quyết án không khoa học, hợp lý, không đúng với quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

img_20240314_182415.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Ngoài ra, về nguyên nhân khách quan, đa số các vụ án dân sự tồn là tranh chấp liên quan đến đất đai thường phức tạp, có nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp, nhiều người tham gia tố tụng, tài sản tranh chấp ở nhiều nơi khác nhau, đương sự không hợp tác, người tham gia tố tụng chết chưa tìm được người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng, đối với một số vụ án ở tỉnh thì có ủy thác tư pháp chưa đến ngày mở phiên tòa; Các cơ quan chuyên môn của UBND, UBND chậm trả lời văn bản của Tòa án, chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ đang lưu giữ,...

Tại hội nghị các đại biểu đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để góp phần giải quyết các vụ việc tồn lâu năm và phấn đấu đến cuối 9/2024 giải quyết dứt điểm những vụ án dân sự tồn đọng theo kế hoạch.

Hội nghị cũng đã thông dự thảo Quy chế phối hợp giữa TAND tỉnh với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về đo đạc, thẩm định, cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giải quyết án dân sự liên quan đến đất đai để các đại biểu đóng góp.

img_20240314_182416.jpg
Ông Thái Rết – Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Thái Rết – Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh nhấn mạnh, giải quyết án dân sự tồn đọng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 mà Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đề ra ngay từ đầu năm.

Chánh án TAND tỉnh biểu dương tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, Thẩm phán đã giải quyết án đúng với kế hoạch đã đăng ký, tuy nhiên có một số đơn vị, Thẩm phán không đạt yêu cầu đề ra, cần phải nghiêm túc mổ xẻ, rút ra bài học kinh nghiệm để có giải pháp dứt điểm những vụ án dân sự tồn đọng này và đồng thời các đơn vị phải nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục mà TAND tỉnh đã đề ra.

“Đối với Quy chế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh là hết sức cần thiết, cần phải có để giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến đất đai, với tinh thần trách nhiệm cao các đại biểu đã đóng góp nội dung quy chế rất sát với thực tế ở địa phương.

Ban soạn thảo dự thảo quy chế tiếp thu, chỉnh lý để hoàn chỉnh và tổ chức hội nghị góp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để sớm thống nhất, thông qua, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến đất đai”, Chánh án TAND tỉnh đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo cáo kết quả giải quyết án dân sự tồn đọng trước năm 2023