Gạo giả"chưa xuất hiện ở Việt Nam; Thức ăn đường phố ở Hà Nội nghi có chất gây nghiện; Cảnh báo biến chứng nguy hiểm của viêm não Nhật Bản; Thêm nhiều ca lây nhiễm Ebola...
1. “Gạo giả” chưa xuất hiện ở Việt Nam
Gần đây, thông tin về “gạo giả” xuất hiện ở một số nước và có khả năng xâm nhập vào Việt Nam. Ngay sau khi xuất hiện thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh và sẽ có thông tin sớm nhất đến cộng đồng nếu phát hiện trường hợp bất thường về gạo đang tiêu thụ trên thị trường.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT) "gạo nhựa và VN chỉ là tin đồn"
Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên hoang mang trước điều này, vì thông tin “gạo giả” đã từng xuất hiện vào các năm 2011, 2012. Tại thời điểm đó, qua xác minh của các cơ quan chức năng, thông tin đó là không chính xác.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị trong quá trình kinh doanh, tiêu dùng gạo, nếu phát hiện những nghi ngờ, bất thường… người dân cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, UBND xã/phường, y tế xã phường.
2. Thức ăn đường phố ở Hà Nội nghi chứa thuốc phiện: Bộ Y tế lên tiếng
Ngày 21-5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết kết quả kiểm nghiệm 15/15 mẫu thực phẩm thức ăn đường phố của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia không phát hiện Morphin, Codein (hoạt chất sinh học chính trong cây thuốc phiện).
Trước đó, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã lấy 5 mẫu xúc xích, 5 mẫu thịt xiên nướng và 5 mẫu nem chua rán lấy tại Hà Nội để kiểm nghiệm chỉ tiêu Morphin, Codein sau khi có thông tin cho rằng thức ăn đường phố ở Hà Nội có chất gây nghiện.
Mặc dù không tìm thấy chất gây nghiện trong thức ăn đường phố, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân không nên sử dụng thức ăn đường phố vì mất vệ sinh và thiếu an toàn trong khâu kiểm soát bệnh tật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người.
Chuyên gia khuyến cáo người dân không nên sử dụng thức ăn đường phố mất vệ sinh và thiếu an toàn (ảnh minh họa)
3. Tập huấn phòng, chống khủng bố cho nhân viên y tế
Sáng 21-5, Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố (Bộ Y tế) phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phòng, chống khủng bố cho nhân viên y tế. Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị, sau lớp tập huấn lãnh đạo các đơn vị ngành y tế cần quát triệt Luật phòng chống khủng bố và các văn bản hướng dẫn thực hiện tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng các phương án phòng chống khủng bố tại đơn vị; xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan quân sự, công an địa phương; tổ chức huấn luyện các đội cơ động (ngoại viện) sẵn sàng nhận nhiệm vụ hỗ trợ tăng cường cho các đơn vị bạn xử lý tình huống…
4. Cảnh báo biến chứng nguy hiểm của viêm não Nhật Bản
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận 26 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản (VNNB) tại 12 tỉnh, thành phố.
Các trường hợp mắc VNNB chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi (chiếm 96,2%), trong đó lứa tuổi 1-5 chiếm 15,4%, 5-10 chiếm tỷ lệ mắc cao 46,2%, 10-15 tuổi chiếm 34,6%, trên 15 tuổi chiếm 3,8%.
Các chuyên gia y tế cảnh báo VNNB là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính ở thần kinh trung ương nên có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi thì đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.
Người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, để muỗi không có nơi trú đậu. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4, Khoảng 10.000 trẻ em được chăm sóc sức khỏe miễn phí dịp 1/6
Hội Y tế công cộng TP.HCM đã họp triển khai kế hoạch “Ngày hội chăm sóc sức khỏe trẻ em TP.HCM lần 3-2015”, do Hội Y tế công cộng Thành phố (TP) phối hợp với Sở Y tế TP và Thành đoàn TP.HCM tổ chức.
Ngày hội sẽ được tổ chức tại công viên 23-9 vào ngày 30-5 (8g-18g) và ngày 31-5 (8g-12g), với sự tham gia của khoảng 10.000 trẻ em TP.
Theo TS.BS Lê Trường Giang - chủ tịch Hội Y tế công cộng TP, khi tham dự ngày hội (vào cửa tự do), phụ huynh và các em thiếu nhi sẽ được tiếp cận với các kiến thức thiết thực để chăm sóc sức khỏe, từ phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm đến dinh dưỡng đủ, đúng cách, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trẻ có nhu cầu còn được khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí.
5. Thêm nhiều ca lây nhiễm Ebola
Ngày 21-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số lượng các vụ lây nhiễm virút Ebola ở Guinea và Sierra Leone tăng vọt trong tuần qua.
Virút Ebola ở Guinea và Sierra Leone tăng vọt trong tuần qua (ảnh minh họa)
Theo AFP, WHO cho biết có 35 vụ lây nhiễm mới xảy ra ở Guinea và Sierra Leone trong tuần qua, cao hơn rất nhiều so với chín trường hợp một tuần trước đó. Như vậy đến nay đại dịch Ebola đã tấn công 26.933 người và khiến 11.120 người thiệt mạng.
Tình hình ở Guinea đặc biệt xấu đi nghiêm trọng trong tuần qua với 27 trường hợp nhiễm mới, cao gấp bốn lần so với một tuần trước đó. Có 11 vụ xảy ra ở tỉnh miền tây Dubreka. Phần lớn bệnh nhân là những người đi dự đám tang một người thiệt mạng vì Ebola hồi giữa tháng 4.
Các chuyên gia WHO cảnh báo với việc mùa mưa đến ở Tây Phi, chiến dịch chống Ebola sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước đó WHO xác nhận Liberia đã không còn dịch Ebola.
6. Phẫu thuật khối u thận nặng nhất thế giới
Do thấy khó chịu trong người và ho nhiều, ông Kapleshwar Lal Das, sống ở New Delhi, đã đến khám ở Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ.
Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện ra một khối u nặng 5,018 kg, tương đương kích cỡ một quả dưa hấu lớn trong thận của bệnh nhân này. Ông Kapleshwar lập tức được đưa vào phòng phẫu thuật để cắt bỏ khối u khổng lồ.
Ca mổ kéo dài 5 giờ và các bác sĩ khẳng định đây chắc chắn là khối u thận lớn nhất thế giới từ trước tới nay.