Theo Luật sư, hành vi bán thông tin của khách hàng là vi phạm nghiêm trọng quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bạn đọc Nguyễn Thị Nhung, Hà Nội hỏi: Tôi có mua một chiếc máy lọc nước ở siêu thị điện máy và kê khai đầy đủ các thông tin cá nhân theo yêu cầu của nhân viên bán hàng. Sau một thời gian ngắn sử dụng, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi tự xưng là nhân viên bảo dưỡng máy lọc nước khiến tôi thấy rất phiền phức. Như vậy có phải siêu thị điện máy đã bán thông tin của khách hàng cho các trung tâm bảo dưỡng kia và hành vi này bị xử lý thế nào?
Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng VPLS Interla, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời:
Có thể việc nhân viên bảo dưỡng máy lọc nước gọi điện tới bạn là để thực hiện công việc chăm sóc khách hàng theo đúng quy trình. Bạn hoàn toàn có quyền từ chối nhận các cuộc gọi đó nếu như bạn không có nhu cầu.
Tuy nhiên, nếu như siêu thị điện máy bán thông tin khách hàng cho các trung tâm bảo dưỡng đó hay bất cứ nơi nào khác thì siêu thị điện máy đã vi phạm quy định pháp luật.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
Điều 38. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Quyền riêng tư là quyền của cá nhân được tự quyết đối với đời sống của mình mà không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ những người xung quanh khác. Quy định này hoàn toàn phù hợp với mọi cá nhân trong đời sống xã hội, được thể hiện bằng sự tôn trọng của pháp luật đối với đời sống riêng tư của cá nhân.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến bí mật phải được sự đồng ý. Đây là một quy định mới được bổ sung trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, theo Điều 387 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thông tin trong giao kết hợp đồng như sau:
2. Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.
Thông tin khách hàng cung cấp có thể là thông tin đã được công khai hoặc có thể là những thông tin bí mật không thể tiết lộ. Trong đó, số điện thoại riêng, số máy bàn gia đình, địa chỉ nhà… không thể được coi là thông tin ai cũng có thể tùy tiện công khai. Trường hợp này, mặc dù hợp đồng chưa được giao kết nhưng bên nhận thông tin vẫn phải bảo mật thông tin bởi lẽ việc tiết lộ có thể ảnh hưởng tới lợi ích của bên có thông tin.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy hành vi bán thông tin của khách hàng đã vi phạm nghiêm trọng quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân cũng như quyền được bảo mật thông tin trong giao kết hợp đồng.
Chế tài xử lý hình sự
Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Nếu việc rao bán data khách hàng mà dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho khách hàng cả về vật chất và phi vật chất thì chủ thể thực hiện hành vi bán data sẽ có thể bị xử lý hình sự với tội danh là đưa; hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
“Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” có thể bị xử phạt tiền cao nhất lên tới 1 tỷ đồng và chịu phạt tù lên đến 7 năm.
Vi phạm quy định tại Luật an toàn thông tin mạng 2015:
Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
5. Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.
Điều 8. Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng
Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này; thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, năm 2020, các hành vi liên quan tới lĩnh vực công nghệ thông tin được bổ sung thêm các quy định xử lý theo nghị định 15/2020/NĐ-CP:
Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông;