Vườn Quốc gia Cát Bà (VQG) là tâm điểm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây được coi như ngôi nhà chung của hơn 3150 loài động thực vật rừng và biển. Nhưng nhiều năm trở lại đây, VQG Cát Bà đã và đang bị “xẻ thịt” phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Được thành lập cách đây 30 năm, VQG Cát Bà là trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới, có giá trị toàn cầu, đã được Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại. VQG Cát Bà là ngôi nhà chung của hơn 3150 loài động thực vật rừng và biển.
Ngoài những giá trị về đa dạng sinh học, VQG Cát Bà còn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như hệ thống hang động, các di chỉ, di tích lịch sử nổi tiếng, hệ thống núi đá vôi độc đáo với nhiều hình thù riêng biệt tạo cảnh quan độc đáo. Những giá trị này đã trở thành tiềm năng để Hải Phòng phát triển du lịch.
Những bungalow xây dựng trái phép trên đảo
Thời gian vừa qua, báo chí đã có nhiều bài phản ánh về việc VQG Cát Bà đang bị xâm hại, khi tại vườn quốc gia này tồn tại nhiều công trình xây dựng trái phép.
Cụ thể, tại các điểm Nam Cát, Vạn Bội, Tháp Nghiêng...các doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa liên doanh với Vườn quốc gia Cát Bà để xây các dãy nhà nghỉ phục vụ khách du lịch, hàng chục bungalow nghỉ dưỡng, nhà nghỉ bê tông kiên cố... với diện tích lên đến hàng trăm hecta. Giá thành cho thuê tại mỗi điểm cũng có sự chênh lệch. “Giá phòng ở đây dao động từ 1,7 - 2,1 triệu đồng/ngày, nếu vào dịp nghỉ lễ thì phải đặt trước hàng tháng thì mới có phòng”, nhân viên một nhà nghỉ tại khu vực bãi Nam Cát cho biết.
Theo tìm hiểu, trong giai đoạn từ năm 2007-2011, VQG Cát Bà đã thông qua Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường ký kết các hợp đồng liên doanh, liên kết hoạt động kinh doanh du lịch với 9 DN. Trong số này, Công ty Du lịch Thủy sản Thương mại Thùy Trang, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Đảo Cát Dứa, Công ty Cổ phần Thương mại Tùng Long được giao tổng diện tích đất rừng khoảng 14.000 m2 và 150 ha mặt nước biển.
Trao đổi với Phóng viên báo Công lý, lãnh đạo VQG Cát Bà thừa nhận việc ký kết, thực hiện liên doanh, liên kết với các DN trong khi chưa có "Đề án phát triển du lịch sinh thái" được UBND TP Hải Phòng phê duyệt, là vi phạm các quy định về quản lý rừng.
Khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên đảo Nam Cát
Trước đó, ngày 04/ 12/ 2012 UBND TP Hải Phòng có quyết định số 2119/ QĐ- UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái VQG Cát Bà.
Tại phần 4.1 của mục 4 thể hiện rõ việc thực hiện nhiệm vụ “bảo tồn” và “phát triển” như: Nỗ lực đẩy mạnh tiến độ thực hiện đề xuất Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới và gia nhập công viên địa chất toàn cầu; tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời bảo tồn cân bằng sinh thái giữa con người và thiên nhiên, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học, kết hợp bảo vệ môi trường và phát triển du lịch theo hướng xây dựng các tuyến, điểm du lịch sinh thái nhằm khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên của rừng và biển Cát Bà, theo nguyên tắc: “không làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên, không gây tác động xấu tới tài nguyên động thực vật trên cạn và duới nước, không làm giảm tính đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường”.
Đường đi vào khu resort trên đảo Nam Cát
Mặc dù, quyết định được ban hành như trên nhưng trên thực tế Ban quản lý VQG Cát Bà đang hành động đi ngược lại. Việc làm trái với quy định của UBND TP Hải Phòng đã tiếp tay cho việc xâm hại bầu sinh quyển nơi đây.
Điều này khiến cho dư luận dấy lên sự hoài nghi về năng lực và trách nhiệm quản lý của lãnh đạo VQG Cát Bà? Có hay không việc cho thuê, hoạt động kinh doanh trái phép, mang lại nguồn lợi không nhỏ và Ban quản lý VQG Cát Bà đã “phớt lờ” chỉ đạo của UBND Thành phố Hải Phòng, Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.