Cuộc sống mưu sinh bận rộn khiến nhiều gia đình không thể dành hết thời gian chăm sóc bố mẹ già, đặc biệt lúc các cụ ốm đau, bệnh tật. Thuê người giúp việc, gửi vào viện dưỡng lão… là phương án được nhiều người nghĩ đến.
Tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn như độ an toàn cho gia đình khi thuê người giúp việc không có chuyên môn, không có cơ quan quản lý, hay những quan ngại về tư tưởng khi đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão.
“Mẹ già như chuối chín cây...”
Suốt mấy tháng nay, chị Nguyễn Thị Giang (Cầu Giấy- Hà Nội) hốc hác, phờ phạc vì phải lo cho sức khỏe của mẹ chồng. Cụ bà gần 90 tuổi với hàng tá thứ bệnh, từ huyết áp, tiểu đường đến thấp khớp, thoái hóa xương. Chồng đi làm xa nên chị Giang phải nghỉ làm liên miên để đưa bà cụ đi khám và gặp chuyên gia tư vấn. Đi làm ít, lương thấp, khiến áp lực tài chính càng đè nặng lên vai chị.
Bỏ khoản tiền 5triệu đồng/tháng để thuê giúp việc chăm sóc ông bố bị bệnh Pakison, chị Phạm Bích Đào (Thanh Trì- Hà Nội) hy vọng mọi việc sẽ được giải quyết tốt. Tuy nhiên, chị đã phải đổi người liên tục. “Phần lớn giúp việc chỉ biết dọn nhà, nấu nướng chứ không có kỹ năng hướng dẫn các cụ tập luyện", chị thở dài chia sẻ.
Nỗi lo lắng chăm sóc bố mẹ già không phải của riêng chị Giang hay chị Đào khi mà cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo về hiện tượng già hóa dân số Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Theo đó, Việt Nam đang bắt đầu trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.
Niềm vui của người già là được quây quần bên con cháu
Cũng theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, hiện người cao tuổi đang chiếm 10,5% dân số cả nước. Điều đáng nói là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng cao nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp. Chỉ có khoảng 5% người cao tuổi của cả nước có sức khỏe tốt, còn lại 95% không khỏe mạnh và mang trong mình nhiều thứ bệnh như: tăng huyết áp, viêm khớp, bệnh phổi - phế quản tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, sa sút trí tuệ…
Đa số người cao tuổi nước ta cũng chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn.
PGS.TS Hồ Bá Do, Viện trưởng Viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng cho rằng: “Không chỉ những người sức khỏe yếu mà ngay cả người già khỏe mạnh hiện nay cũng đang phải sống cuộc sống thiếu an toàn. Nhà cao cửa rộng thật đấy, nhưng suốt ngày các cụ bị khóa trái bên trong. Con cái đi làm, nhỡ hỏa hoạn hay tai nạn xảy ra cũng chẳng ai biết. Có gia đình bỏ ra 4-5 triệu đồng/tháng thuê giúp việc nhưng rồi phát hiện nhà thường xuyên mất cắp, còn bố mẹ thì bị bạc đãi, không được chăm sóc tử tế, chưa kể giúp việc thường không được khám sức khỏe định kỳ nên vô tình mang theo nhiều bệnh truyền nhiễm như Viêm gan B, lao phổi…”.
Một thực trạng báo động nữa là theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, điều tra Quốc gia về Người cao tuổi 2011, có tới 33% người già không biết chia sẻ vui, buồn cùng ai. Họ cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình bởi con cháu bận rộn từ sáng đến tối. Trầm cảm, buồn chán càng khiến họ thiếu nghị lực chống chọi với những căn bệnh tuổi già.
“Mẹ già như chuối chín cây”, bất cứ lúc nào cũng có thể lìa cành, nên chính lúc này các cụ cần được yêu thương, chăm sóc nhiều nhất. Tuy nhiên, chăm sóc như thế nào cho đúng cách luôn là câu hỏi khiến các gia đình trẻ đau đầu.
Áp lực công việc và cuộc sống khiến họ không có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc đến người thân trong gia đình. Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão lại vướng chi phí rất cao và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt, còn thuê người giúp việc tại nhà cũng nhiều rủi ro và khá đắt đỏ.
“Già đi” trong yêu thương
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhu cầu của người già chủ yếu xoay quanh chăm sóc sức khỏe và được quây quần bên con cháu. Vậy, đâu là giải pháp hoàn hảo để giải quyết vấn đề này?
Nhật Bản đang là nước có nhiều người cao tuổi nhất trên thế giới. Chính phủ Nhật đã và đang chú trọng xu hướng gia đình hạt nhân, xã hội hóa người cao tuổi, trong đó “nhân viên điều dưỡng gia đình” đóng vai trò quan trọng trong công việc trợ giúp người già. Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề này cũng đang được nhiều cơ quan chuyên môn quan tâm.
Mô hình "nhân viên điều dưỡng gia đình" đang được rất nhiều nước quan tâm, trong đó có Việt Nam
“Với chế độ liên tục “một điều dưỡng - một bệnh nhân” tại nhà, thay vì phải đến các bệnh viện hay cơ sở y tế, bên cạnh đó là chế độ kiểm tra, giám sát và chăm sóc định kỳ hàng tháng của các bác sỹ sẽ khiến các cụ sẽ cảm thấy thoải mái, an toàn hơn khi được chăm sóc ngay tại chính ngôi nhà của mình, được ở bên con cháu, tận hưởng những bữa cơm vui vẻ và thường xuyên được giao lưu, trò chuyện với điều dưỡng viên, người thân, bạn bè… Hơn nữa, số tiền một gia đình bỏ ra để đăng ký dịch vụ không cao hơn bao nhiêu số tiền thuê người giúp việc trong 1 tháng”- PGS.TS Nguyễn Văn Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng phân tích.
Ông cũng cho biết, Viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng đang nghiên cứu đề tài xây dựng mô hình điều dưỡng gia đình, vốn đã rất phát triển ở các nước có dân số già hóa như Nhật Bản, Đức... Theo đó, đối với người cao tuổi sức khỏe còn tốt thì chú trọng tới các liệu trình chăm sóc sức khỏe bằng đông y để duy trì thể trạng như xoa bóp, bấm huyệt, tắm thuốc bắc,...còn đối với người ốm nặng thì thực hiện việc chăm sóc theo từng loại bệnh, ăn uống theo chế độ, uống thuốc đúng giờ...theo những chỉ định của bác sĩ.
Chế độ theo dõi này phải rất khoa học dựa trên 6 yếu tố tác động đến sức khỏe người già như: Giấc ngủ, ăn uống, uống thuốc và phương pháp trị liệu đối với người có bệnh, phương pháp tập luyện và tinh thần.