Ban hành quy trình tạm thời Kiểm sát việc ghi âm, ghi hình có âm thanh

PV| 29/07/2020 20:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Viện kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra.

Quy trình tạm thời trên áp dụng đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi tiến hành các hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.

Những trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh

Quy trình tạm thời quy định rõ những trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh gồm:

1- Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở cơ quan có thẩm quyền điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

2- Các trường hợp có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh: Hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định tại khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS); trực tiếp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 146 BLTTHS; lấy lời khai của người làm chứng theo quy định tại Điều 187, lấy lời khai người bị hại, đương sự theo quy định tại Điều 188 BLTTHS; đối chất theo quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTHS.

Ban hành quy trình tạm thời Kiểm sát việc ghi âm, ghi hình có âm thanh

Cơ quan điều tra đang ghi lời khai của đối tượng (ảnh minh họa)

Kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh

Quy trình tạm thời quy định Kiểm sát viên phải kiểm sát trực tiếp việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội (người đại diện pháp nhân) trong các trường hợp sau đây:

+ Bị can, người đại diện pháp nhân kêu oan;

+ Bị can, người đại diện pháp nhân khiếu nại hoạt động điều tra;

+ Có căn cứ xác định việc điều tra có vi phạm pháp luật;

+ Khi có đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền điều tra; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can, người đại diện pháp nhân trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can; trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng.

Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát trực tiếp việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh nếu xét thấy cần thiết trong các trường hợp quy định ở trên.

Đối với các trường hợp mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì tiến hành kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thông qua việc nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai có ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Ngoài ra, Quy định tạm thời còn quy định về kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai và bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ban hành quy trình tạm thời Kiểm sát việc ghi âm, ghi hình có âm thanh