Vụ thu hồi đất ở quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng: Công dân gửi đơn kêu cứu đến lãnh đạo Thành phố

Hùng Minh| 21/09/2017 10:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý đã có bài phản ánh việc đất của công dân được giao sở hữu từ năm 1956, đã nộp thuế cho Nhà nước đầy đủ nhưng bị thu hồi mà không có thông báo, quyết định thu hồi, không được kiểm kê, bồi thường theo quy định.

Liên quan đến vụ việc này, mới đây, ông  Phạm Danh Phương, trú tại số nhà 35, tổ 5, ngõ 212 Đà Nẵng, phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng có đơn kêu cứu gửi đến lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Theo ông Phương, gia đình ông đang sử dụng thửa đất (thừa kế từ bố đẻ là cụ Phạm Danh Áp) có diện tích 544m2 trên diện tích 2 sào 3 thước đất ở, cày cấy và trồng trọt theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 7145, địa bạ số 419 của Ủy ban hành chính tỉnh Hải Phòng do Chủ tịch Đỗ Mười ký ngày 15/6/1956. Thửa đất có địa chỉ tại xã Lạc Viên, tỉnh Hải Phòng (nay là tổ 5 ngõ 212 Đà Nẵng, phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng).

Vụ thu hồi đất ở quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng: Công dân gửi đơn kêu cứu đến lãnh đạo Thành phố

Đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Thành phố Hải Phòng của gia đình ông Phương

Trong suốt quá trình sử dụng đất, diện tích đất nêu trên của gia đình ông Phương đều được chính quyền sở tại là xã Lạc Viên (nay là phường Lạc Viên), quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng quản lý, thu thuế sử dụng đất và diện tích đất này chưa hề bị bất kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào trưng dụng hay thu hồi. Quá trình đô thị hóa phát triển, bắt đầu từ những năm 1986, nhiều người dân tại khu vực này đã tiến hành xây dựng nhà ở. Do việc trồng trọt không hiệu quả nên từ năm 1990, gia đình ông Phương bắt đầu xây dựng căn nhà cấp 4 trên đất và chuyển đổi toàn bộ diện tích đất thành đất ở.

Năm 2004, do ảnh hưởng của bão gió căn nhà bị hư hỏng, gia đình ông Phương đã vay mượn khoảng 300 triệu đồng, đầu tư sửa chữa, cải tạo lại căn nhà thành nhà ở với diện tích 100m2 và xây thêm 03 lán để xe ô tô (một lán rộng 100m2, một lán rộng 160m2 và một lán rộng 40m2) nhằm trông coi xe ô tô kiếm thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Từ đó, gia đình ông Phương không xây dựng thêm bất kỳ công trình nào.

Thế nhưng, ngày 03/10/2016, một số cán bộ thuộc UBND phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng đã đến gia đình ông Phương lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công công trình xây dựng vi phạm đối với những công trình nêu trên. Tuy nhiên, biên bản này không hề đề cập đến thời điểm vi phạm và pháp luật áp dụng tại thời điểm xảy ra vi phạm.

Nội dung biên bản khẳng định việc xây dựng trên diện tích đất của gia đình ông Phương đã quản lý, sử dụng từ năm 1956 là hành vi: “Xây dựng trái phép trên đất đã giải phóng mặt bằng, không được phép xây dựng”. Tiếp đó, ngày 25/11/2016, một số cán bộ của UBND phường Đông Khê lại đến gia đình ông Phương lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu gia đình ông phải tự phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm với cùng một lý do là việc xây dựng trên diện tích đất của gia đình ông Phương đã quản lý, sử dụng từ năm 1956 là hành vi: “Xây dựng trái phép trên đất đã giải phóng mặt bằng, không được phép xây dựng”.

Sau đó, ngày 10/10/2016 và ngày 21/11/2016, UBND phường Đông Khê ban hành hai Quyết định số 219/QĐ-UBND và Quyết định số 360/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Cả hai Quyết định trên đều cho rằng gia đình ông Phương xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng, “Xây dựng trái phép trên đất đã giải phóng mặt bằng, không được phép xây dựng”.

Ngày 30/11/2016, UBND phường Đông Khê đã gửi thông báo số 70/QĐ-UBND cho gia đình ông Phương yêu cầu tự phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm với các căn cứ pháp luật áp dụng của Nghị định 180/2007; Nghị định 121/2013; Thông tư số 02/2014 là các quy định pháp luật xử phạt vi phạm hành chính ra đời sau khi gia đình ông Phương đã hoàn tất các công trình xây dựng từ nhiều năm trước.

Không dừng lại ở đó, ngày 06/12/2016, UBND phường Đông Khê đã ngang nhiên tổ chức lực lượng đến cưỡng chế, phá dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên đất của gia đình ông Phương và dùng tôn sắt quây, rào đất, ngăn không cho gia đình ông Phương sử dụng đất gây thiệt hại lớn cho gia đình ông. Thấy hành vi chiếm đất bất hợp pháp, gia đình ông Phương phản ứng giữ đất thì ngày 19/04/2017, UBND phường Đông Khê lại lập biên bản vi phạm hành chính cho rằng gia đình ông Phương có hành vi cản trở việc sử dụng đất của người khác.

Vụ thu hồi đất ở quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng: Công dân gửi đơn kêu cứu đến lãnh đạo Thành phố

Khu đất của gia đình ông Phương bị cưỡng chế thu hồi

Được biết, gia đình ông Phương sử dụng đất ổn định được hơn 60 năm, chưa một ngày bỏ hoang và vẫn được UBND phường Lạc Viên quản lý, thu thuế. Không hiểu sao, năm 2016, đất của gia đình ông Phương lại được dịch chuyển hẳn sang UBND phường Đông Khê quản lý mà gia đình ông Phương không biết. UBND phường Đông Khê đã đưa ra các căn cứ chứng minh đất của gia đình ông Phương đang sử dụng là đất nông nghiệp đã có chủ và đã được bồi thường giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ sử dụng mới.

Trong đơn gửi lãnh đạo Thành phố, ông Phương cũng nêu rõ thắc mắc là quá trình giải phóng mặt bằng, các thành viên Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Ngô Quyền và các cán bộ thuộc UBND phường Đông Khê đã xuống thực địa xác minh nguồn gốc đất, kiểm kê tài sản của người bị thu hồi đất chưa hay chỉ căn cứ trên hồ sơ? Việc bàn giao mặt bằng cho chủ sử dụng mới được thực hiện như thế nào khi gia đình ông Phương vẫn đang quản lý, sử dụng đất…?

Tại sao gia đình ông Phương đang sử dụng đất hợp pháp lại trở thành người vi phạm phát luật cản trở việc sử dụng đất của người khác? Đâu là nguyên nhân dấn đến việc UBND phường Đông Khê chưa từng quản lý việc sử dụng đất của gia đình ông Phương một ngày nào lại có thể cho rằng gia đình ông Phương vi phạm trật tự xây dựng trên đất đã thu hồi giải phóng mặt bằng và ban hành các Quyết định cưỡng chế, tổ chức phá dỡ các công trình xây dựng của gia đình ông Phương đã xây dựng từ những năm 1990 và hoàn tất năm 2004 gây thiệt hại nặng nề cho gia đình ông…?

Từ những lý do trên, ông Phương đã đề nghị các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm sáng tỏ vụ việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho gia đình ông trước các hành vi trái pháp luật nêu trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ thu hồi đất ở quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng: Công dân gửi đơn kêu cứu đến lãnh đạo Thành phố