Quảng Trị: Cán bộ tự ghi thêm thông tin, ký vào biên bản thay dân

Trang Trần| 04/04/2019 10:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) QL1A, bà Nguyễn Thị Duyên (SN 1964, hiện trú TP Đông Hà, Quảng Trị) cho rằng ban GPMB đã tính không đúng diện tích đất thu hồi thực tế, đồng thời áp giá đền bù không phù hợp đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.

Việc thu hồi đất để xây dựng công trình, mở rộng QL1A đoạn đi qua địa phận xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được triển khai bắt đầu từ năm 2013. Trong đó, đất của bà Nguyễn Thị Duyên tại hai thửa 144 tờ bản đồ 17 và thửa 145 tờ bản đồ 17 (thuộc thôn Phú Hậu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) nằm trong diện thu hồi. Tuy nhiên theo bà Duyên, quá trình thu hồi các đơn vị có thẩm quyền đã không làm đúng theo quy định dẫn đến có sai số trong tổng diện tích đất thu hồi. Đáng nói, vụ việc kéo dài, bà đã có nhiều đơn khiếu nại, kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Quảng Trị: Cán bộ tự ghi thêm thông tin, ký vào biên bản thay dân

Nguồn gốc đất của gia đình bà Duyên đã sử dụng từ năm 1976

Bà Duyên cho rằng, cơ quan chức năng chỉ ghi nhận diện tích đất thu hồi 298m2 (gồm thửa 144 tờ bản đồ 17 là 54m2 và thửa 145 tờ bản đồ 17 là 244m2) để bồi thường cho bà là không chính xác. Bà Duyên khẳng định, căn cứ theo số liệu thể hiện tại biên bản kiểm kê số 35 và số 138b thì đất thu hồi của bà (37m chiều ngang và 11m chiều sâu) có tổng diện tích bị thu hồi là 407m2. Trong đó, đã đền bù 244 m2, số diện tích còn thiếu chưa đền bù cho bà là 163m2. Trong trường hợp cần làm rõ, bà đề nghị tiến hành đo đạc lại để xác định.

Không chỉ bức xúc vì diện tích đất thu hồi bị “teo” lại so với thực tế, bà còn kiến nghị về việc áp giá bồi thường, hỗ trợ trước và sau vì có sự chênh lệch (trước 600 ngàn đồng/m2 và sau 291 ngàn đồng/m2). Bên cạnh đó, bà Duyên còn cho rằng, quá trình thu hồi đất cơ quan chức năng không thông báo, không có sự chứng kiến của bà và không có biên bản ghi nhận thu bao nhiêu, thu như thế nào... Đáng nói, bà Duyên đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vì sao tại Biên bản kiểm kê số 138b thu hồi 46m, bà không ký nhưng trong hồ sơ tài liệu lại có chữ ký của bà. Tương tự, tại Biên bản kiểm kê số 35, bà chỉ đồng ý từ mục 1 đến mục 4, nhưng trong tài liệu lại xuất hiện thêm các mục từ 5 đến 7.

Từ nội dung bà Duyên trình bày và tài liệu được cung cấp cho thấy, ngày 20/12/2013 Hội đồng GPMB QL1 có thông báo số 17/TB-HĐ GPMB thông báo niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB để xây dựng công trình “Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn huyện Cam Lộ (đợt 1)” do ông Nguyễn Công Phán, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, Chủ tịch HĐ GPMB ký.

Quảng Trị: Cán bộ tự ghi thêm thông tin, ký vào biên bản thay dân

Hai thông báo số 17 nhưng có sự khác nhau về mốc thời gian.

Theo thông báo này, bà Duyên cùng các hộ khác được đền bù mức 600 ngàn đồng/m2. Đáng nói, đợt 3 vào ngày 20/3/2013 (tức đợt 3 trước đợt 1 là 9 tháng-PV) Hội đồng GPMB QL1 có Thông báo số 17/TB-HĐGPMB do ông Hoàng Tân Cương, Giám đốc Trung tâm PT quỹ đất  huyện ký với tư cách Phó Chủ tịch HĐ GPMB, mức đền bù của bà Duyên là 291 ngàn đồng/m2.

Để làm rõ những nội dung này, ngày 29/3, PV Báo Công lý liên hệ ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ tuy nhiên ông Chiến từ chối tiếp với lý do hiện nay vụ việc đang xử lý, chưa có quyết định. Ngày 2/4 trao đổi trực tiếp với PV, ông Hoàng Tân Cương, Giám đốc Trung tâm PT quỹ đất  huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, cho biết: Vụ việc của bà Duyên đã kéo dài nhiều năm, quá trình GPMB đã thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Ông Cương khẳng định, quá trình đo đạc và thu hồi đất không có biên bản đo đạc, thu hồi. Vì theo Quyết định số 08 của Bộ Tài nguyên & Môi trường quy định “không quy định phải có biên bản thu hồi đất cho từng hộ gia đình”. Tuy nhiên, trước câu hỏi nếu không có biên bản đo đạc, thu hồi vậy căn cứ vào đầu để đền bù cho dân? Ông Cương cho rằng vì quy định không bắt buộc nên không thực hiện (!). 

Nói về thông báo số 17/TB-HĐGPMB và lý do vì sao có sự tréo ngoe về thời gian như nêu trên, ông Cương tỏ ra bất ngờ. Ông cho biết sau khi nhận được phản ánh của bà Duyên về việc có hai thông báo số 17, ông đã cho nhân viên kiểm tra hồ sơ lưu. Đáng nói, hồ sơ lưu mà ông Cương cung cấp cho PV lại là thông báo số 47/TB-HĐGPMB ngày 20/3/2014 nhưng nội dung thông báo này hoàn toàn giống nội dung thông báo số 17/TB- HĐGPMB ngày 20/3/2013. Trước câu hỏi của PV, vì sao hai văn bản đều có dấu đỏ, đều do ông ký, nội dung giống nhau đến từng dấu chấm, phẩy lại có số văn bản khác nhau, thời gian khác nhau? Ông Cương lúng túng: “có lẽ do nhân viên đánh máy nhầm”(!?).

Quảng Trị: Cán bộ tự ghi thêm thông tin, ký vào biên bản thay dân

Thông báo số 17 và 47 có nội dung giống hệt nhau nhưng khác số, khác thời gian

Liên quan đến giá tiền bồi thường có sự chênh lêch, ông Cương giải thích do trước đây Ban GPMB đưa ra áp giá 600 ngàn đồng/m2 nhưng sau khi kiểm tra và theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên & Môi trường thì đối với đất sử dụng trước năm 1980 phải có tên trong sổ đăng ký ruộng đất (theo chỉ thị 299) mới được áp giá 600 ngàn đồng.

Qua kiểm tra, xã Cam An không có hồ sơ đăng ký ruộng đất nên HĐ GPMB đã điều chỉnh đơn giá xuống 291 ngàn đồng/m2. Vậy nhưng ở một diễn biến khác, Chủ tịch UBND xã Cam An xác nhận “thời điểm sử dụng đất của bà Duyên là từ năm 1976, toàn bộ hồ sơ UBND xã đã cung cấp cho các cơ quan chuyên môn của UBND huyện” (!).

Quảng Trị: Cán bộ tự ghi thêm thông tin, ký vào biên bản thay dân

 Phần giả chữ ký và phần ghi thêm nội dung do cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện

Về nội dung liên quan đến việc giả chữ ký tại biên bản số 138b và tự ý bổ sung mục (từ 5 đến 7) trong biên bản số 35, ông Cương lý giải: do thời điểm đó bà Duyên ở xa, sức ép của tiến độ GPMB nên cán bộ của Trung tâm Phát triển quỹ đất đã thực hiện hành vi trên. Sự việc này, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã kiểm tra và báo cáo giải trình Chủ tịch UBND huyện. Tuy nhiên, ông Cương khẳng định khối lượng tài sản theo biên bản kiểm kê 138b và biên bản số 35 là đúng với diện tích đã thu hồi của bà Duyên.

Để đảm bảo quyền lợi cho bà Nguyễn Thị Duyên, đồng thời xử lý nghiêm đối với những cán bộ cố tình làm giả, làm sai hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thu hồi, đền bù đất... thiết nghĩ UBND huyện Cam Lộ và các cơ quan có liên quan của tỉnh Quảng Trị cần sớm giải quyết theo đúng quy định, tránh tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Cán bộ tự ghi thêm thông tin, ký vào biên bản thay dân