“Mảng tối” tại một ban quản lý dự án ở Hà Nội

Tổ PVĐT| 18/05/2018 16:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều công trình xây dựng dân dụng, dự án trọng điểm của quốc gia sử dụng vốn ngân sách không đảm bảo tiến độ, gây thất thoát hàng tỉ đồng tiền Nhà nước đang gây nhức nhối trong dư luận.

Điều đó có xảy ra tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hà Nội?

“Mảng tối” tại một ban quản lý dự án ở Hà Nội

Thi công trụ sở Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hà Nội

Nhiều khuất tất?

Mới đây, Báo Công lý nhận được đơn tố cáo, phản ánh về nhiều dự án đang triển khai tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội (gọi tắt là Ban quản lý) quản lý kém hiệu quả, vi phạm Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu với mức độ trầm trọng.

Theo đó, tại dự án đường Vành đai 2 (từ cầu vượt Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở) bị chậm tiến độ, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, gây thất thoát cho ngân sách, làm chậm tiến trình chống ùn tắc giao thông của TP. Hà Nội. Nguyên nhân được nêu trong đơn thư tố cáo là do thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Về nguyên tắc, khi đã trả tiền đền bù cho dân, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo vệ mặt bằng, chống tái lấn chiếm. Hiện tại, dự án này nhiều hộ dân đã nhận tiền, nhưng không hiểu vì lý do gì, gần 2 năm nay đã bị tái lấn chiếm, dự án chưa thể triển khai tiếp được, tăng tổng mức đầu tư dự án, gây ùn tắc giao thông khu vực… Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Cũng theo đơn thư, tại dự án này còn có biểu hiện sử dụng sai chi phí quản lý, dự án chưa thực hiện xong đã tiêu hết tiền quản lý dự án, gần 2 năm nay số cán bộ tham gia dự án này phải ăn nhờ vào các dự án khác… (trái với Thông tư 72/2017 ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính về quy định quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). 

Tiếp đó, tại dự án cải tạo, mở rộng trụ sở Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội, đơn tố cáo cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng về Luật Đấu thầu. Ngày 30/3/2018, dự án này mới được Sở Kế hoạch - Đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu, ngày 23/4/2018, chủ đầu tư mới đóng thầu và mở thầu gói thầu xây lắp. Thế nhưng, trước đó ngày 28/2/2018, chủ đầu tư đã động thổ tổ chức phá dỡ, đào và vận chuyển đất thừa (khối lượng này nằm trong gói thầu xây lắp), thi công cọc thử… Được biết, đơn vị thi công phần việc trên cũng tham gia đấu thầu. Câu hỏi đặt ra, nếu đơn vị thi công đó mà trúng thầu, thì đây có phải là hành vi thông thầu không? Còn đơn vị ấy không trúng thầu, thì Ban quản lý trả tiền cho họ bằng cách nào?

Cũng theo đơn thư, đối với dự án Khu liên cơ trên đường Võ Chí Công, dự án này đã quá chậm so với yêu cầu của thành phố. Tại dự án này, do thay đổi công năng, chủ đầu tư đã rất chậm điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, dẫn đến nhà thầu thi công cầm chừng. Đặc biệt, một số khu vực, vị trí điều chỉnh thiết kế, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thực hiện ngay trước khi có hồ sơ điều chỉnh thiết kế phê duyệt. Nhà thầu đã thực hiện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có đủ hồ sơ thiết kế và dự toán điều chỉnh được duyệt.

Phần giá trị khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng, nhà thầu đã thực hiện ước khoảng 5-6 tỷ đồng hiện tại chưa được thanh toán. Việc làm trên hoàn toàn trái với quy định của Luật Xây dựng, nợ đọng xây dựng cơ bản, gây khó khăn cho nhà thầu. Thậm chí, nhà thầu phải làm văn bản đề nghị chủ đầu tư sớm ban hành hồ sơ thiết kế, dự toán điều chỉnh bổ sung cho gói thầu… để tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu.

Lãnh đạo Ban quản lý “thờ ơ” với đơn tố cáo

Để có thông tin khách quan đa chiều và làm rõ nội dung đơn thư tố cáo, PV đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hà Nội. Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý đã ghi nhận ý kiến của nhà báo và hẹn làm việc vào một buổi khác để cho cán bộ phụ trách những dự án bị tố cáo có thời gian chuẩn bị thông tin liên quan.

Sau nhiều ngày chờ đợi, chúng tôi được cán bộ Ban quản lý hẹn đến làm việc với ông Lương Thanh Phong, Phó Giám đốc Ban quản lý (người được Giám đốc Nguyễn Sỹ Bảo chỉ đạo tiếp báo chí). Tưởng rằng sẽ được đối chất về những nội dung đơn thư tố cáo, chúng tôi lại bị thất vọng về cách làm việc của lãnh đạo cơ quan này một lần nữa. Chúng tôi hỏi dự án nào, ông Phong đều nói không biết, không nắm được và chỉ ghi chép nội dung đơn tố cáo. Trong khi đó, theo nguồn tin cho biết, ông Phong được lãnh đạo Ban quản lý giao trực tiếp quản lý một trong số những dự án bị tố cáo.

Sau một hồi ghi chép nội dung đơn tố cáo, ông Phong quay sang “giảng giải” cho chúng tôi một số thông tin “vỉa hè” về tình hình tố cáo hiện nay (không có liên quan gì đến nội dung đơn tố cáo Ban quản lý). Cách làm việc loanh quanh, “tiền hậu bất nhất” của cán bộ, lãnh đạo Ban quản lý này khiến dư luận thấy rằng, việc tố cáo về những khuất tất tại đây không phải là không có cơ sở.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mảng tối” tại một ban quản lý dự án ở Hà Nội