Khu du lịch biển Hải Tiến -Thanh Hóa: Dự án triển khai, dân bị ảnh hưởng

Trọng Nghĩa| 18/07/2017 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý nhận được nhiều ý kiến phản ánh và đơn kêu cứu của người dân sống trong khu vực Dự án khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) về hàng loạt bất cập trong công tác quản lý điều hành khu du lịch biển Hải Tiến.

Nhiều bất cập

Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Quy hoạch chung với tổng diện tích quy hoạch hơn 400 ha thuộc 5 xã của huyện Hoằng  Hóa, tổng vốn đầu tư toàn khu du lịch ước tính hơn 900 tỷ đồng.

Theo đó, khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến đã có nhiều hạng mục hạ tầng, dịch vụ sẵn sàng phục vụ du khách như: biệt thự, phòng nghỉ, phòng khách, ki-ốt bãi biển, khu ẩm thực, các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí…

Khu du lịch biển Hải Tiến -Thanh Hóa: Dự án triển khai, dân bị ảnh hưởng

Người dân Hoằng Tiến trao đổi với PV 

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế thì hàng loạt các quyền lợi của dân đã bị bỏ qua và xâm phạm nghiêm trọng, các hoạt động dịch vụ tại khu du lịch này đang nghi có dấu hiệu lợi ích nhóm, không công khai minh bạch thu tiền ngoài ngân sách.

Trong đó, các công tác liên quan đến đảm bảo sinh kế cho người dân cũng như định hướng nghề nghiệp khi dự án này đưa vào hoạt động đã không được UBND huyện Hoằng Hóa thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo Điều 22, Nghị định 69/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 13/8/2009 Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; về việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm được quy định cụ thể:

Thứ nhất, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 21 Nghị định này mà không có đất để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo một trong các hình thức bằng tiền hoặc bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp .

Thứ hai, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể hình thức hỗ trợ và mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này cho phù hợp với thực tế của địa phương.

Thứ ba, trường hợp người được hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều này có nhu cầu được đào tạo, học nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được miễn học phí đào tạo cho một khóa học đối với các đối tượng trong độ tuổi lao động.

Theo quy định trên, kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các đối tượng chuyển đổi nghề nằm trong phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và được tính trong tổng kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt.

Mặt khác, UBND cấp tỉnh chỉ đạo lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo nghề, tạo việc làm cho các đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề phải lấy ý kiến của người bị thu hồi đất thuộc đối tượng chuyển đổi nghề.

Bên cạnh đó, về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp được quy định trong Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rõ: Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp có nhu cầu đào tạo, học nghề được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được hỗ trợ chi phí như sau: Học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng) được Nhà nước hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

Tuy nhiên, các chính sách đó, theo ý kiến của nhân dân xã Hoằng Tiến, đã không được huyện Hoằng Hóa thực hiện nghiêm túc, gây nhiều bức xúc cho người dân.

“Né” báo chí?

Để làm rõ các thông tin bạn đọc phản ánh, PV đã liên hệ làm việc với UBND huyện Hoằng Hóa. Tại buổi làm việc, bà Đoàn Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện ghi nhận những thông tin PV cần làm việc và hẹn sẽ giao cho bộ phận chuyên môn rà soát lại và sẽ trả lời báo chí. Đúng lịch hẹn, PV liên lạc lại với bà Hải, bà Hải cho biết đã giao cho ông Lê Thanh Cảnh, Trưởng phòng Văn hóa TTDL trả lời PV.

Khu du lịch biển Hải Tiến -Thanh Hóa: Dự án triển khai, dân bị ảnh hưởng

Tuy nhiên, theo Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 thì người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của UBND cấp huyện và UBND cấp xã, gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã; Trường hợp Chủ tịch UBND không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Người phát ngôn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này nếu không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì phải báo cáo để người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Như vậy, việc Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa giao cho Trưởng phòng VH-TTDL huyện trả lời báo chí là không đúng quy định, nhưng PV cũng không thể tiếp cận để liên hệ làm việc.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu du lịch biển Hải Tiến -Thanh Hóa: Dự án triển khai, dân bị ảnh hưởng