Ngày 27/8, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Quốc hội về tình hình quán triệt thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị.
Theo Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội, thời gian qua, thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu quán triệt các mục tiêu quan điểm, phương hướng nhiệm vụ cải cách tư pháp trong các Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa đúng và đầy đủ trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội; tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp.
Toàn cảnh buổi làm việc
Đặc biệt, sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua và Bộ Chính trị có Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, công tác quán triệt được đẩy mạnh gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, qua đó nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò của hoạt động tư pháp, sự cần thiết đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp thông qua công tác xây dựng luật ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, nhiều quy định của pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, thi hành án, luật sư, công chứng, giám định tư pháp đã được sửa đổi, bổ sung và ngày một hoàn thiện, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp.
Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu đều nhất trí với Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội, đánh giá cao sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội trong công tác cải cách tư pháp; nhấn mạnh bên cạnh nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, phải tăng cường hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử đối với các hoạt động tư pháp và cơ quan tư pháp; đồng thời, đề nghị làm rõ việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan và nội hàm của "quyền tư pháp" được quy định trong Hiến pháp mới; thông qua Đề án xây dựng Tòa án sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát khu vực để thể chế hóa trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận những ý kiến của các đại biểu và đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội để có định hướng chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khi thể chế hóa các quy định pháp luật, cần chỉ rõ vai trò độc lập của các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng, thực hiện quyền tư pháp song phải có sự kiểm soát chặt chẽ lẫn nhau. Đặc biệt, nâng cao hơn nữa công tác giám sát của các cơ quan dân cử.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Kết luận số 92 của Bộ Chính trị có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Do vậy, trên cơ sở Hiến pháp mới, cần nâng cao chức năng giám sát của Quốc hội đối với hoạt động tư pháp, xem xét sau giám sát phải có chế tài xử lý thì hiệu lực, hiệu quả giám sát mới tốt. Quốc hội cần đẩy mạnh công tác thể chế hóa với mục tiêu, đảm bảo chất lượng và đồng bộ trong xây dựng pháp luật.