Bản chất của huy động vàng là đi ngược lại nguyên tắc kinh tế

Mạnh Nguyễn| 18/07/2016 13:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bản chất của huy động vàng là đi ngược lại nguyên tắc kinh tế là quan điểm được TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016.

Hồi tháng 5/2016, Hiệp hội Kinh doanh Vàng (VGTA) đã đưa ra kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Thông qua đó, có thể phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng.

Theo VGTA, hiện lượng vàng trong dân còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn. Vì thế, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Bản chất của huy động vàng là đi ngược lại nguyên tắc kinh tế

"Huy động vàng là đi ngược lại nguyên tắc kinh tế". Ảnh minh họa

Đánh giá về đề xuất này, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho rằng bản chất của việc huy động vàng là đi ngược lại nguyên tắc kinh tế. Vàng, hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác, chỉ ưu việt hơn trong việc cất giữ. 

Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang chức năng lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Cộng với những kích hoạt khác như Brexit, sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn, dễ tổn thương. Theo TS Nguyễn Đức Thành, đây sẽ là nguyên nhân chính khiến hiện tượng vàng hóa trở lại. Điều này cũng đúng với đô la hóa khi các ngân hàng thương mại đặt mức lãi suất huy động dương với đồng đô la.

Cùng quan điểm với TS Nguyễn Đức Thành, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng nếu chúng ta cố tìm mọi cách huy động, điều này đồng nghĩa với việc đánh mất thành quả bao năm duy trì sự ổn định của thị trường vàng.

Nếu không giữ vàng, tiền nhàn rỗi sẽ đầu tư vào đâu?

Lượng tiền nhàn rỗi trong dân chính xác là có. Tờ Vneconomy đã dẫn lời lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở phía Nam rằng: “Thực tế tại ngân hàng tôi, có những người gửi cả trăm lượng vàng dưới dạng giữ hộ, không lãi suất, mà hai năm qua không thấy ngó ngàng tới”.

Vàng đang được người dân cất giữ như một tài sản an toàn. Theo TS Lưu Bích Hồ, không biết làm cái gì thì người ta mới giữ vàng và muốn huy động nguồn lực thì phải bằng cách tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, để người dân tự đầu tư, chứ không cần thông qua ai.

Ở thời điểm hiện tại, đà tăng giảm thất thường của giá vàng đang khiến các nhà đầu tư trong nước trở lại trạng thái dè dặt. Nhìn nhận về sự thăng trầm của giá vàng, trong nửa cuối quý I/2016, giá vàng thế giới tăng đột biến do e ngại về quyết định của FED trong cuộc họp tháng Ba. Bước sang quý II/2016 , giá vàng trong nước dao động ổn định quanh ngưỡng 33-34 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên những diễn biến của nền kinh tế thế giới khi FED tỏ thái độ thận trọng, chưa tăng lãi suất cộng với lựa chọn của cử tri Anh trong quyết định rời EU khiến giá vàng thế giới tăng mạnh.

Đà tăng của giá vàng thế giới đã kéo theo giá vàng trong nước tăng mạnh. Tính đến cuối quý II, giá vàng trong nước đã tăng 5,6% so với thời điểm cuối quý I, và 6,4% so với thời điểm cuối năm 2015. Đến đầu tháng 7, giá vàng đã có những phiên tăng thẳng đứng đạt tới ngưỡng 40 triệu đồng/lượng. Khi đó, nhà đầu tư đã lao vào mua vàng với kỳ vọng giá của kim loại quý này sẽ có thể tăng như thời điểm suy thoái kinh tế năm 2008. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, khi Ngân hàng Nhà nước phát đi tín hiệu sẽ có những biện pháp can thiệp kịp thời cũng như đưa ra cảnh báo vàng tăng chỉ là do tác động tâm lý, ngay lập tức giá vàng đã quay đầu đi xuống, giảm gần 3 triệu đồng mỗi lượng.

Bản chất của huy động vàng là đi ngược lại nguyên tắc kinh tế

Bên cạnh vàng, nhà đầu tư có thể cân nhắc rót tiền vào bất động sản hay chứng khoán hoặc gửi tiết kiệm

Sự bấp bênh của vàng buộc nhà đầu tư phải tìm đến những kênh khác. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) với đại diện các tổ chức tài chính thành viên VBMA cho thấy, tài sản đầu tư ưa thích nhất của những người được hỏi là mua nhà hoặc cửa hàng cho thuê, thứ nhì là mua đất đai, thứ ba mới tới cổ phiếu chứng khoán và thứ tư là gửi tiết kiệm.

Với thị trường chứng khoán,  ngay trong tháng 7, giới đầu tư bất ngờ chứng kiến những phiên tăng điểm thăng hoa sau nhiều năm vắng bóng. Riêng trong phiên giao dịch 13/7, TTCK thực sự bùng nổ. VN-Index mức tăng 10 điểm buổi sáng tới giữa giờ chiều, VN-Index đã tăng gần 17 điểm lên 675,77 điểm, trước khi chốt phiên tăng 16,22 điểm đứng trên 675 điểm. Tuy nhiên, đây là một đợt tăng điểm ấn tượng của thị trường bởi trong gần một thập kỷ trước đó, phần lớn thời gian VN-Index loanh quanh trong phạm vi 400-500 điểm, có lúc còn xuống tới 235 điểm (đầu 2009). Nhưng các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư  đừng hy vọng thị trường tăng quá mạnh và những con sóng của TTCK cũng ẩn chứa đầy rủi ro cho nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.

Còn với bất động sản, nửa đầu năm 2016 thị trường bất động sản cũng có những khởi sắc. Bất động sản đang trở về giá trị thật sau những chiêu trò đánh bóng, thổi phồng giá trị dự án. Tuy nhiên, hạn chế của kênh này là cần vốn lớn và lợi nhuận có khả năng bị hạn chế khi các giá trị cơ sở hạ tầng được tính cộng vào giá trị dự án nên giá nhiều khi bị đẩy lên cao.

Hồi đầu năm 2016, tờ Dân trí dẫn lời TS Ngô Trí Long khi trả lời cho câu hỏi đâu là kênh đầu tư sinh lợi nhất trong năm 2016 đã nói rằng với những người không có nhiều kiến thức trong các lĩnh vực đầu tư khác thì kênh tiết kiệm vẫn là kênh an toàn bởi lãi suất chắc chắc không thể giảm thêm nữa. Còn nếu đầu tư, cần biết và tìm hiểu sâu chứ không nên theo tâm lý bầy đàn, đầu tư theo phong trào. Cũng cần nhận định, dự báo đầu ra của thị trường nữa. Đầu tư phải biết chọn chi phí cơ hội nhưng tuỳ mức độ, cái nào rủi ro cao cần thận trọng, với người đầu tư cần cắt lỗ đúng lúc, chốt lời đúng lúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản chất của huy động vàng là đi ngược lại nguyên tắc kinh tế