Tâm điểm dư luận

Bài toán giá điện

Trung Nguyễn 14/11/2023 - 09:20

Điện năng nói riêng và năng lượng nói chung có vai trò và vị trí hết sức quan trọng, được coi là đầu vào của mọi đầu vào trong nền kinh tế.

Thời gian qua, các chính sách về đầu tư, phát triển điện năng được Chính phủ, các bộ, ngành chức năng tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời, qua đó ngành điện đã phát huy tốt được vai trò của mình, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh-quốc phòng của đất nước.

Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng,… trong đó có yêu cầu bảo đảm cân đối lớn về điện.

Gần đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024.

Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến 5 khâu quan trọng của điện, gồm: Nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và nghiên cứu giá điện phù hợp.

Là một sản phẩm hàng hóa đặc thù, phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, song ở khía cạnh xã hội, điện năng cũng là ngành trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh…

Trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn và để bảo đảm sự hài hòa về mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện còn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc "bao cấp", bù trì; sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất, với giá điện các mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra.

Thực tế cho thấy, giá điện chưa hợp lý đã khiến ngành điện không có nguồn để đầu tư, phát triển, nhằm giảm giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối, không thu hút được được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện... Đây là một thách thức rất lớn khiến ngành điện phải tập trung xử lý.

Theo ý kiến các chuyên gia, đã đến lúc phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện. Giá điện phải đảm bảo chi phí ở khâu sản xuất điện còn phần hỗ trợ của Nhà nước phải tách riêng ra mới bảo đảm được gía điện được tính đúng, tính đủ, không khuyến khích người sử dụng tiêu tốn quá nhiều năng lượng mà vẫn khuyến khích đầu tư sản xuất điện.

Đối với những đối tượng yếu thế thì Nhà nước có thể xem xét cách hỗ trợ khác như hỗ trợ ngoài tiền điện để mọi người dân đều có thể được sử dụng điện.

Ở góc độ pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách, câu chuyện về giá điện phải đặt trong một bài toán tổng thể. Cần hướng đến đề xuất chuyển sang cấu trúc giá điện theo nguyên tắc thị trường để bảo đảm được cung cầu trên mọi tuyến tiêu dùng và sản xuất.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách để thay đổi hành vi, khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm điện. Chúng ta không nên dùng các biện pháp hành chính mà nên sử dụng các công cụ để khuyến khích thay đổi hành vi người tiêu dùng.

Như vậy, việc giải bài toán về cấu thành giá điện giữa chi phí đầu vào và chi phí bán ra; so sánh giá bán điện trong sự tương quan về chi phí đầu vào với với các nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó xác định những việc cần làm để có giá bán điện phù hợp, hướng tới cân đối, hài hòa được nhiều mục tiêu khác nhau là rất quan trọng, vừa đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, vừa thu hút các nhà đầu tư vào phát triển, sản xuất điện năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán giá điện