Giữa thành phố ồn ào nhộn nhịp, Hà Nội của chúng ta có một bãi giữa sông Hồng đẹp và thanh bình đến nao lòng.
Tôi đã có những năm học tập và làm việc tại Hà Nội, đã nhiều lần qua lại trên cầu Long Biên. Cây cầu mang dấu ấn lịch sử hơn 100 năm của đất thủ đô ngàn năm văn hiến. Thế mà, hôm nay lần đầu tiên tôi đến bãi giữa sông Hồng, dải đất bồi giữa lòng sông, nơi đây như một dấu tích ẩn trong mình những câu chuyện thực, hư về dòng sông quanh năm nhuộm màu phù sa đỏ.
Có thể có đến hàng ngàn câu chuyện về sông Hồng gắn với bao thế hệ đời người. Trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ bật mí với bạn đọc một câu chuyện dung dị đời thường. Ấy là những con người trong câu lạc bộ bè Bãi đá – bãi giữa sông Hồng. Họ đã làm bạn với dòng sông 12 năm qua.
Ngày ấy, hơn bốn chục người nhóm lại với nhau. Mọi người cử ra mấy người chịu trách nhiệm trước tập thể, đó là ông Hà, Ông Toàn, Ông Hưởng…để tập trung anh em lại, tự nguyện quyên góp tiền, sắm sửa cho đủ đồ dùng cần thiết trên chiếc bè. Một điều quan trọng nhất là tạo sự hội tụ cho mọi người để bơi trên sông Hồng.
Lễ hội bơi truyền thống thường được tổ chức hàng năm.
Ông Vũ Thiện 82 tuổi, quê ở Thanh Liệt, Thanh Trì là một trong những người có mặt đầu tiên trong câu lạc bộ. Ông Thiện nhớ lại: “12 năm nay, kể từ ngày thành lập mọi người hăng hái tự nguyện tham gia các hoạt động của câu lạc bộ. Ai cũng thích bơi, cũng hiểu rằng bơi lội là một trong những môn thể thao trực tiếp làm cho người khỏe hơn, vui hơn, nhanh nhẹn hoạt bát hơn.” Ông Thiện tâm sự: “Hàng ngày tôi đạp xe từ nhà lên đến đây khoảng hơn 30 phút, coi như tập thể dục bằng xe đạp. Sáng sớm, tôi đã có mặt tại bè, khởi động xong là xuống bơi. Khi ngâm mệt thì lên bè nghỉ. Buổi trưa, buổi chiều, tôi lại bơi tiếp. Chiều tối, tôi đạp xe trở về nhà. Tôi hoạt động đều đặn như vậy đã 12 năm rồi.”
Khi hỏi vì nguyên do gì mà ông “say” bơi đến mức như vậy? Ông Thiện cười vang – tiếng cười to, rổn rảng của một người đã ngoài 80 tuổi mà cơ thể săn chắc, nước da đỏ au khỏe mạnh: “Năm 1993, tôi bị bệnh tiểu đường nặng. Uống thuốc tây y, đông y, thuốc nam, thuốc bắc, kiêng khem đủ thứ mà bệnh tình không thuyên giảm. Tôi quyết định lựa chọn giải pháp luyện tập cơ thể. Trước khi vào CLB, tôi đã có một số lần qua sông Hồng bơi lội. Từ ngày tham gia CLB, tôi luyện tập bơi đều đặn. Sau một thời gian kiên trì tôi thấy sức khỏe ngày càng tốt hơn. Đến giờ tuổi đã cao mà bệnh tiểu đường không còn nữa. Phấn khởi lắm anh ạ”.
Ông Vũ Thiện 82 tuổi, quê ở Thanh Trì, một trong những người có mặt đầu tiên trong câu lạc bộ.
Sáng nay có đợt áp thấp đang đổ về. Trời trở lạnh, lòng sông Hồng hắt gió nhè nhẹ. Ông Vũ Thiện và mọi người đều mang quần cộc, có mặt từ sáng sớm để tham dự lễ hội bơi truyền thống. Từ bến bãi, mọi người đi bộ ngược phía thượng nguồn sông Hồng 7km rồi xuống bơi trở lại bến.
Tôi hỏi vui ông Thiện: “Các ông, các bác chọn một ngày trời se lạnh để bơi là có dụng ý gì không?”. Anh Nguyễn Văn Cường ngồi bên vui vẻ trả lời: “Chúng tôi bơi ở đây quanh năm. Dẫu là mùa hè nóng bức hay mùa đông lạnh giá. Thời tiết hôm nay thấm tháp gì đâu? Nước sông Hồng nặng lắm, mùa hè thì mát rượi, mùa đông thì lành lạnh âm ấm".
Anh Cường còn kể cho tôi nghe: “Mỗi lần xuống nước bơi là cảm thấy thích lắm. Sảng khoái, vui vẻ về tinh thần, về thể chất, vì khi bơi đã làm cho toàn cơ thể vận động. Sự vận động ấy tạo cho mình khỏe thêm”.
Trao đổi về kinh nghiệm bơi tren sông, anh Cường cho biết: “Điều chú ý nhất khi bơi là phải chọn dòng chảy. Chọn sai dòng chảy sẽ rất mệt. Một số người ra sông cứ nhảy ùm xuống bơi là nguy hiểm lắm, có thể bị chuột rút, nếu gặp dòng chảy ngược thì bị đuối sức ngay… nên những người lạ thường bị đuối nước. Dòng chảy của sông Hồng khác thường, thay đổi từng giờ, từng buổi, từng ngày ví như ta vừa đứng tại điểm này, nước ngập đến thắt lưng. 1 lát sau quay lại, điểm đứng ấy nước đã ngập đầu. Vì thế, đã xuống nước là tuyệt đối phải chủ động”.
Anh Cường cho tôi xem chiếc can nhựa đan đeo bên người. Đây là loại can 5 lít được buộc vào một sợi dây dù dài, anh Cường cười vui: “Đây là bảo bối của người bơi đấy. Khi bơi, dây dù được quàng qua người, chiếc can được đặt dưới bụng hoặc gần ngực sẽ tạo nên một phao bơi lưng đỡ, hỗ trợ cơ thể. Bất luận trong trường hợp nào, khi bơi ở sông người bơi phải có vật dụng này”.
Chiến thắng trên từng con nước – Các thành viên về đích đầu tiên.
Tôi được biết 43 thành viên trong CLB là những người làm nhiều việc khác nhau. Có cán bộ, công nhân viên chức nghỉ hưu, có người làm xe ôm, lái xe ô tô và còn có người đang đi làm. Ngày hội bơi truyền thống hôm nay còn hội tụ thêm vài chục người không phải là thành viên câu lạc bộ cũng đến dự bơi cho vui. Dẫu là thành viên câu lạc bộ hoặc không, khi mọi người đã đến với câu lạc bộ thì đều có một điểm chung đó là lòng tự nguyện gặp nhau để cùng được bơi, cùng chia sẻ với nhau những lời nói, cử chỉ, hành động tốt lành nhất.
Trò chuyện với các ông, các bác, tôi háo hức muốn xuống sông để cùng bơi. Thế nhưng mới định cởi áo gió đã lùa vào. Đành thôi vậy. Tôi nói với các bác “Tôi cũng là dân lớn lên bên sông nên cũng biết bơi lội đấy ạ”. Tôi như sống lại, hồi tưởng cảm nhận khi mình được vẫy vùng dưới sông …bơi lội là sự phối hợp sức dẻo của cơ thể, sức bật và sự nhịp nhàng chân, tay. Đặc biệt phải chú ý đến phương pháp thở và giữ gìn hơi thở … Bơi ở trên sông không cho phép người bơi chọn kỹ thuật cơ bản như khi bơi ở bể bơi. Người bơi phải linh hoạt uyển chuyển, cùng một lúc thực hành các kỹ năng bơi. Dòng chảy trên sông cuồn cuộn, cố nhấn chìm sức nặng của cơ thể, nhưng khi ta lợi dụng được dòng chảy thì dòng chảy lại luôn nâng đỡ cơ thể con người. Người bơi phải linh hoạt, thành thạo chủ động tạo cho mình luôn bồng bềnh nổi trên mặt nước. Điều cũng rất cần thiết là biết tận dụng sự hỗ trợ của phao bơi. Có thể nào ngàn đời nay nước sông Hồng mặn mà màu phù sa nên mấy chục cơ thể khỏe mạnh của các thành viên câu lạc bộ đều có nước da nhuộm sẫm. Trong câu chuyện các bác lại kể cho tôi nghe, nước sông Hồng đã tác động giúp cho một số người đỡ bệnh, khỏi bệnh. Kia là ông Tài ở Phúc Xá. 5 năm trước ở độ tuổi 75 do bị bệnh thần kinh nên người ông cứng đơ. Nếu nghe tiếng ai gọi phía sau thì ông phải quay cả người chứ không thể quay đầu lại được. Thế mà sau 5 năm kiên trì bơi lội, nay ở độ tuổi 80, nước da ông Tài đỏ sẫm, người nhanh nhẹn, hoạt bát, bệnh thần kinh “ cứng đơ” biến mất như câu chuyện cổ tích.
Kia nữa là ông N, ông mắc bệnh hiểm nghèo 6 năm nay. Ông đã từng bảo với mọi người vào tham gia câu lạc bộ là để cho vui, để rèn luyện cơ thể khỏe lại. Môi trường hoạt động, sinh hoạt của tập thể câu lạc bộ đã làm ông N quên đi căn bệnh hiểm nghèo. Ông thấy sức khỏe của mình dần dần hồi phục. Thấy mình vui vẻ phấn khởi hẳn lên. Có 1 khoảng thời gian, tôi rời khỏi bè của câu lạc bộ. Không gian nơi đây yên bình đến lạ. Thi thoảng có chiếc xà lan trở hàng trên sông, tiếng đầu máy nổ âm âm u u dọi vào lòng sông, chỉ một chốc lát thì sự yên tĩnh lại trở về cho bến giữa. Mép bờ sông lủng nhủng những đoạn bồi, đoạn lở ... Xung quanh khu vực bến bè thành viên câu lạc bộ trồng rất nhiều cây xanh. Ông Quyền, một cán bộ quân đội nghỉ hưu nói với tôi: “Anh em tự nguyện trồng hàng trăm cây xanh rồi đấy. Trên bãi giữa có rất nhiều cây sương cá. Những hạt đỏ cây sương cá to bằng đầu ngón chân cái trẻ con rơi rụng xuống đất, chỉ một năm sau cây con đã lớn lên. Cây tầm tầm ngang thắt lưng là anh em đào bứng mang về trồng. “Thảo nào khu vực bến của bè mát bóng cây xanh, đẹp như một công viên tự nhiên".
Các thành viên đang trồng thêm cây xanh ven bờ sông.
Tôi để ý đậu sát bè của câu lạc bộ là chiếc bè của chị Oanh. Đã hơn chục năm nay cuộc sống của chị gắn với chiếc bè này. Bè của chị chỉ nhỉnh hơn 1 nửa bè của câu lạc bộ, lại vá bằng nhiều mảnh ni lon, tấm vải nhựa chống mưa … đứng ở trên bờ nhìn xuống, bè của chị Oanh chẳng khác gì là sản phẩm của nhiều tấm vá víu to nhỏ gắn lại. Chị Oanh nói như khoe với tôi. Khi tôi hỏi: “Chị ở một mình thế này có buồn, có căng thẳng lắm không?” Chị Oanh cười, khoe với tôi mấy con vật đang quấn quýt. Đó là 4 chú mèo, 2 con chó, chị Oanh bảo: “Vì là duyên phận nên ở một mình cũng chẳng sao”. Kể chuyện về cuộc sống trên bè, chị Oanh nói: “Nước sông Hồng vào mùa lũ thì chảy siết và hung dữ lắm. Có năm nước ngập hầu hết bãi giữa. Chị phải neo đậu bè vào chân cầu mép bờ sông, rắn rết rất nhiều. Nhưng hết mùa lũ sông Hồng lại yên tĩnh, yên bình đến lạ thường.” Tôi ngồi xuống bên mép sông, sát bè của chị, gọi chị ly nước vối nóng hổi. Từ cốc nước hương vối tỏa thơm ngan ngát. Chị bảo với tôi bãi giữa này có rất nhiều cây vối nhưng mùa lũ lụt cây vối ngập nước dễ bị chết lại phải về quê mang lá vối lên. Những người đã xuống bến giữa, không ai uống nước chè mạn chú ạ. Nước vối được ưa chuộng nhất”. Một ý nghĩ thi vị xuất hiện trong tôi: Khi ngồi uống nước ở chiếc bàn xập xệ, chiếc ghế mây chắc nhưng không bóng lộn này. Kia nữa chỉ một tầm tay với sang đám cây bên cạnh, mấy con chim sâu như những cục bông ai đã vô tình đặt vào những cành cây con lại cứ líu díu, lích chích chuyền cành bắt sâu … Khung cảnh nơi đây tạo cho tôi sự thanh bình, thanh thản đến lạ … Chị Oanh lại tiếp lời: “Tôi nói để chú biết, ở đây không phải cãi nhau với ai, to tiếng với ai. Không phải lo tranh giành bất cứ điều gì với ai. Tôi trồng ngô, trồng rau thứ nào cũng ngon cũng sạch. Đêm về thì tôi nghe đài, có gì phải lo lắng, lo toan sợ hãi đâu chú? …”
Nhấp từng ngụm chè vối, tôi lại nhớ đến anh Đoàn Thanh Nam. Hôm nay, cơ quan có việc đột xuất, anh không thể về dự ngày hội bơi truyền thống. Vắng anh từ sáng đến giờ ai cũng hỏi: “Tại sao không thấy Nam tòa?! Bao giờ thì Nam Tòa có mặt?!” Hẳn anh Nam là người có tình cảm đặc biệt với câu lạc bộ, ở bãi giữa này bất kỳ ai cũng dành cho anh sự trân trọng với tên gọi thân thương “Nam tòa” nên mọi người nhắc nhớ đến anh nhiều lắm. Chiều qua, anh và tôi gặp nhau mấy phút hàn huyên. Anh dặn tôi: “Sáng mai, anh xuống câu lạc bộ nhớ dành chút thời gian ngồi một mình cho thư thái. Lúc đó, anh sẽ thấy trong mình không còn một nhu cầu nào là khát khao đau đáu trong cuộc sống nữa. Bởi vì, nếu anh đến bể bơi thì phải mang theo tiền để mua vé? Nếu anh cho con đi tập bơi thì anh phải chuẩn bị tiền bơi và tiền thêm những khoản khác lo cho con? Nếu anh mua một quả chuối thì sẽ xuất hiện một ý nghĩ thoáng nhanh chuối ủ chín bằng thứ gì v.v, nhưng phút thư thái ngồi ở bãi giữa anh sẽ thấy trong mình khác hẳn …”
Tôi lại muốn tìm đến đoạn sông, nơi ấy năm trước, một lần anh Nam tình cờ đi thuyền chứng kiến con cá trắm vật đẻ. Cá to gần 8kg. Cá oằn mình vật đẻ. Sóng nước chồi lên, dòng chảy như cuộn lại. Người bạn cùng đi trên thuyền đã nhanh tay lấy cây vượt vớt con cá. Anh bạn đó reo lên mừng rỡ. Anh Nam sững người nhìn con cá trong chập choạng ánh đèn hắt lên thuyền, con cá quẫy mình trong lưới, tuyệt vọng. Trong cái khoảnh khắc ấy, anh Nam nhìn thẳng vào mắt anh bạn: “Phải thả cá xuống sông để nó tiếp tục đẻ! Được chứ?” anh bạn sững lại. Và cũng trong tích tắc ấy đôi mắt của hai người nhuyển cười. Con cá vẫy đuôi bơi trên sóng nước hớn hở trở lại dòng sông...
Anh Nam lại kể cho tôi nghe câu chuyện: “Hơn chục năm nay, cứ đến chiều 30 tết, anh dành một khoảng thời gian ra bến bè. Anh bảo lúc ấy có 1 tâm trạng lạ lắm. Ngày cuối cùng trong năm, một số nhà dọn vệ sinh, đốt rác, nhóm bếp nấu bánh trưng…khói cứ là là vương trên ngọn cây thơm mùi rạ, mùi rơm. Không gian quyện vào hương các loại hoa đầu xuân. Bến bè tĩnh lặng mông lung đến lạ thường…
Sông Hồng quanh năm cuộn màu phù sa.
Tôi loay xoay, loay xoay ly nước vối ấm nóng, nhớ lời anh Nam dặn: “Lần sau chúng tôi sẽ cùng có mặt tại bãi giữa. Anh Nam sẽ cho tôi thưởng thức quả ổi chín mọng. Quả to nhất chỉ nhỉnh hơn trứng chim cút. Nếu ổi còn ương ương thì giòn, ngon ngót, ruột đỏ hồng. Khi quả ổi chín đặt trong lòng bàn tay thì hương thơm vương vương ngây ngất.” Anh Nam còn dặn, sẽ kể cho tôi nghe chuyện về xã hội, về cái tình trong con người, về những câu chuyện có thật ở bãi giữa, ở câu lạc bộ mà đẹp, hay như những chuyện cổ tích của thời nay.
Vâng! Tôi sẽ chờ anh để được ra bãi giữa lần sau cùng anh. Để chúng ta có thời khắc thụ hưởng không khí trong lành và cuộc sống thanh bình, thi vị, lãng mạn …chao ôi! Tại sao giữa thành phố ồn ào nhộn nhịp, Hà Nội của chúng ta lại có được bãi giữa – một không gian tĩnh lặng đến tuyệt vời như thế này ư! ...