Nhìn nhận lại các phiên họp giải trình trước đây, hoạt động giải trình chưa phải là phương thức giám sát được coi trọng và thực hiện thường xuyên. Song song với đó, vì thiếu hành lang pháp lý nên còn tồn đọng nhiều vướng mắc mấu chốt chưa được khơi thông một cách thẳng thắn, trung thực và tạo được sự hài lòng của cử tri cả nước.Nhìn nhận lại các phiên họp giải trình trước đây, hoạt động giải trình chưa phải là phương thức giám sát được coi trọng và thực hiện thường xuyên. Song song với đó, vì thiếu hành lang pháp lý nên còn tồn đọng nhiều vướng mắc mấu chốt chưa được khơi thông một cách thẳng thắn, trung thực và tạo được sự hài lòng của cử tri cả nước.
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 ngày 19/03/2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, các cơ quan của Quốc hội đã thực hiện 33 phiên giải trình và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc tổ chức các phiên giải trình ngày càng có nhiều đổi mới, nâng cao trách nhiệm giải trình của các Bộ, ban ngành, giúp làm rõ những vấn đề bất cập, bức xúc, những vấn đề nóng được cử tri quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các đối tượng chịu sự giám sát trên các lĩnh vực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phiên giải trình cũng còn những hạn chế do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình.
Theo thống kê, 33 phiên giải trình là con số không hề lớn nếu tính từ Quốc hội khóa XIV đến nay bao gồm các Ủy ban như: Ủy ban xã hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban pháp luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Khi có quá nhiều nội dung cần giải trình hoặc phạm vi giải trình quá rộng thì không thể thực hiện chỉ trong một buổi mà bắt buộc phải bố trí tăng thời gian lên. Việc chỉ tổ chức trung bình từ 3 đến 4 phiên/năm là do muốn tổ chức một phiên giải trình chuẩn mực, đúng thủ tục, quy trình gắn liền với việc thời gian chuẩn bị công phu, khảo sát thực tế tại địa phương về các vấn đề đưa ra giải trình có thực sự “nóng” và cần thiết. Như vậy, công tác chuẩn bị bắt buộc phải tốn từ 2 đến 3 tháng thực hiện. Trong khi đó, nhiều vấn đề cấp bách cần phải đưa ra hướng giải quyết kịp thời để giải đáp nguyện vọng của cử tri cả nước một cách triệt để.
So với các nước trên thế giới, Việt Nam sử dụng thuật ngữ “giải trình” thay cho “điều trần” (hearings). Xét từ góc độ bản chất, hoạt động giải trình tại các phiên họp Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam có nét tương đồng với hoạt động điều trần của nghị viện các nước trên thế giới.
Xét về số lượng, Quốc hội Việt Nam chỉ có 09 ủy ban. Trung bình mỗi ủy ban ở Quốc hội Việt Nam có gần 40 thành viên, trong khi ủy ban ở nghị viện các nước khuyến nghị chỉ nên có từ 17 đến 20 thành viên nhằm nâng cao năng lực làm việc, chuyên môn hóa các hoạt động giải trình. Tuy nhiên, xét về số lượng phiên điều trần một năm, các nước đều gấp 2-3 lần Việt Nam.
Nguyên nhân chính do số ủy ban thường trực của các nước rất lớn. Ví dụ như tại Nhật Bản, Thượng viện có 17 Ủy ban và Hạ viện có 17 Ủy ban. Tại Philippines, Thượng viện có 37 Ủy ban và Hạ viện có 37 Ủy ban. Tại Mỹ, có hơn 100 ủy ban và tiểu ban hoạt động và có quyền tổ chức điều trần, điều tra và triệu tập nhằm biến phiên giải trình thành một cuộc “hỏi đáp” cung cấp thông tin. Tại Anh, mỗi ủy ban gồm khoảng 06 các thành viên hỗ trợ và tổ chức hoạt động giám sát, điều trần ít nhất một lần một tuần, thậm chí có thể 2,3 lần một tuần.
Song hành với bất cập trên về số lượng các phiên giải trình, chất lượng các phiên giải trình từ HĐND tỉnh đến HĐND huyện, HĐND xã còn chưa đồng đều. Nếu nói hoạt động giải trình tại các phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phản ánh tính nhanh nhạy của hệ thống ủy ban trước các vấn đề cuộc sống thì hoạt động giải trình do HĐND cấp xã, huyện, tỉnh tổ chức góp phần “gánh vác vai trò phản biện”, “gạn lọc”, giảm bớt những vấn đề không thực sự cấp thiết trước khi đưa ra phiên họp cấp trên.
Một trong những bất cập lớn của hoạt động giải trình đó là vấn đề giải trình và đối tượng giải trình chưa “đúng”, chưa “trúng”. Việc xây dựng các câu hỏi trước khi phiên giải trình diễn ra vô cùng quan trọng. Thông qua hoạt động này, các đại biểu Quốc hội có những định hướng cơ bản để khai thác sâu các vấn đề, cùng với đó là việc lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề có sự quan tâm lớn từ cử tri để yêu cầu giải trình. Nếu khâu kiểm tra, xác minh các vấn đề trước khi đưa vào phiên giải trình không được chú trọng thì vấn đề giải trình sẽ dễ bị dẫn dắt đến một kết luận chung chung, không đưa ra được giải pháp, đề xuất thiết thực.
Nói cách khác, nếu không xây dựng câu hỏi “trúng”, “đúng” thực tế thì không chỉ biến hoạt động giải trình thành hoạt động mang tính hình thức mà còn làm hoạt động giải trình thành trình bày báo cáo, xoa dịu căng thẳng chứ không có tác dụng “gạn lọc”, tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Bên cạnh đó, một số các đại biểu bày tỏ băn khoăn về thời gian công bố phiên giải trình trước 10 ngày đối với nội dung bình thường và 03 ngày đối với nội dung cấp bách. Tuy nhiên, tại Điều 12 Nghị quyết quy định, người được yêu cầu giải trình chỉ có tối đa 05 ngày trước khi tổ chức phiên giải trình có trách nhiệm chuẩn bị, xây dựng và trình báo cáo về các vấn đề nóng. Điều này đòi hỏi người được yêu cầu giải trình phải có tư duy nhạy bén, cái nhìn toàn diện, chuyên sâu liên quan đến các vấn đề được đặt ra.
Mục đích của phiên giải trình không chỉ làm rõ hay nhận diện vấn đề chính sách mà còn nhằm kiểm tra, giám sát xem các cơ quan liên quan đã làm những gì, làm đến đâu, làm như thế nào, vì sao lại dẫn đến tình trạng đó. Tính chất “ba mặt một lời”, khuyến khích đối thoại này nếu không được làm rõ tại các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thì sẽ dẫn đến “tình trạng cào bằng” trong hoạt động giải trình, thiên về làm rõ vấn đề chứ không quy trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân hay tập thể nào.
Mặt khác, đối tượng tham gia phiên giải trình là “các tổ chức, cá nhân có liên quan” nên hiểu rộng ra không chỉ trong bộ máy Nhà nước, mà có thể là các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, hiệp hội, trường học, chuyên gia hoặc công dân,…Đơn cử như ngày 04/9/2024, thông qua việc tiếp thu ý kiến góp ý của các cử tri sau phiên giải trình, Bộ Tài Chính đã công khai bản giải trình tổng hợp về xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật quản lý sử dụng tài sản công, Luật quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Ngân sách nhà nước. Ngay sau đó 03 tháng, ngày 29/10/2024, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo “01 luật sửa 07 luật” gây tiếng vang lớn và được sự đồng tình của đông đảo cử tri cả nước. Đại biểu Đoàn ĐBQH Bình Định, bà Lý Tiết Hạnh hoàn toàn tán thành sự cấp bách trong việc sửa đổi, bổ sung Luật liên quan đến hoạt động tài chính nhằm tăng tính tham gia của các phiên giải trình, các đối tượng tham gia giải trình vào quá trình lập pháp.
Đây là một “diễn đàn dân chủ” đóng vai trò tích cực tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội được đối thoại một cách thẳng thắn, nêu ra những tồn tại, hạn chế của các Bộ, ban ngành chưa giải quyết triệt để.
E.Magazine | Báo Công lý | Quốc hội khóa XV | 2024
Có thể nhận thấy, các đối tượng tham gia phiên giải trình cung cấp ý kiến, tranh luận, đối thoại một cách công khai. Trình tự thảo luận của phiên giải trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc hội không phải đi từ vấn đề này sang vấn đề khác mà từ đối tượng này sang đối tượng khác. Đây là một “diễn đàn dân chủ” đóng vai trò tích cực tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội được đối thoại một cách thẳng thắn, nêu ra những tồn tại, hạn chế của các Bộ, ban ngành chưa giải quyết triệt để.
Nếu giải quyết được những bài toán khó trên, hoạt động giải trình sẽ là chìa khóa, là “hàn thử biểu” đo lường lòng tin của cử tri cả nước đối với Quốc hội.
E.Magazine | Báo Công lý | Quốc hội khóa XV | 2024
Nhiều trường hợp giải trình xong xuôi nhưng lại không thực hiện đúng cam kết sau phiên giải trình. Vì vậy, hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội đối với người được yêu cầu giải trình đã thực hiện đúng theo kết luận hay chưa đóng vai trò rất quan trọng. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội không chỉ có trách nhiệm sàng lọc, đặt trọng tâm vào các chủ đề nóng cần được giải trình mà còn phải đôn đốc, theo dõi các nội dung kết luận tại phiên giải trình với tinh thần “đeo đuổi đến cùng”, “trách nhiệm đến cùng”, “xử lý đến cùng”, cởi mở hơn, thực chất hơn.
Không phải ngẫu nhiên Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 lại ra đời trong bối cảnh nhiều chủ đề “nóng” đang được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế quan tâm. Nhìn trực diện vào thực tiễn, Nghị quyết vẫn còn tồn đọng những vướng mắc mấu chốt trong hoạt động giải trình tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc hội. Nếu giải quyết được những bài toán khó trên, hoạt động giải trình sẽ là chìa khóa, là “hàn thử biểu” đo lường lòng tin của cử tri cả nước đối với Quốc hội.
Thực hiện: Trung úy Nguyễn Nhật Anh - Trung úy Nguyễn Thị Khánh Hà - Thanh Trà
Ảnh: Báo Công lý - Quochoi.vn - Bloomberg