Phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 7-12 đã thực sự khép lại “kỳ án” 3 thanh niên phạm tội hiếp dâm xảy ra ở Hà Đông. Đây là một phán quyết đúng. Để hiểu rõ thêm về phán quyết này, xin giới thiệu bài viết của Luật gia Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Trưởng ban Thanh tra TANDTC để cùng tham khảo.
Vụ án là có thật, đối tượng phạm tội đã rõ
Ngày 21-1-2002, TAND tỉnh Hà Tây xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Đình Kiên (tên gọi khác là Lợi), Nguyễn Đình Tình và Nguyễn Đình Kiên (vụ án có 2 bị cáo đều có họ tên là Nguyễn Đình Kiên nhưng có một bị cáo Kiên có tên gọi khác là Lợi nên gọi bị cáo này là Lợi để phân biệt với bị cáo Kiên khác).
Như đã phản ánh, vào 20h30 ngày 24-10-2000, Lợi, Kiên và Tình rủ nhau đi cướp tài sản. Khi đi, bọn chúng đem theo một gậy gỗ dài khoảng 1,2m, dao, điếu cày. Đi đến gần trạm bơm xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức thì Lợi, Tình, Kiên đều phát hiện thấy đôi nam nữ ngồi trên xe máy tâm sự (sau đó được biết người nam tên là CH, người nữ tên là HH). Bọn chúng đã chiếm đoạt tài sản của anh CH và chị HH, sau đó thay nhau hãm hiếp chị HH.
Ngoài hành vi phạm tội này, trước đó vào ngày 22-9-1998, Lợi còn tham gia vụ cướp chiếc xe đạp phượng hoàng đem bán được 70.000 đồng. Gia đình Lợi đã phải chuộc lại xe đạp trả lại cho người bị hại.
TAND tỉnh Hà Tây đã tuyên phạt Lợi, Tình, Kiên hai tội là cướp tài sản và hiếp dâm với mức hình phạt đối với Lợi là 16 năm tù, Tình 14 năm tù, Kiên 11 năm tù. Ngoài ra Tòa án còn quyết định Lợi, Tình, Kiên phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho anh CH, chị HH.
Gương mặt rầu rĩ của hai mẹ con Nguyễn Đình Lợi khi biết tin TANDTC bác kháng nghị của VKSNDTC.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, 3 bị cáo cùng kháng cáo kêu oan. Ngày 22-4-2002, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm số 11/HSST ngày 21-1-2000 của TAND tỉnh Hà Tây.
Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật gần 8 năm. Ngày 26-1-2010, Viện trưởng VKSNDTC ra Kháng nghị số 02/QĐ-VKSTC-V3 theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm số 583/HSTP ngày 22-4-2002 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm: Hủy bỏ 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và tuyên bố Nguyễn Đình Kiên (tên gọi khác là Lợi), Nguyễn Đình Tình và Nguyễn Đình Kiên không phạm tội với 9 lý do.
Nội dung kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC được Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét khách quan, toàn diện và đối chiếu các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án với từng vấn đề trong bản kháng nghị đề cập đến để làm căn cứ chấp nhận hoặc không chấp kháng nghị.
Theo phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Nguyễn Đình Tình phải chấp hành án phạt 14 năm tù về 2 tội hiếp dâm và cướp tài sản theo bản án phúc thẩm đã tuyên.
Kết quả phiên tòa giám đốc thẩm ngày 7-12-2011 Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã được 100% thành viên Hội đồng tán thành quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC; giữ nguyên bản án phúc thẩm số 583/HSPT ngày 22-4-2002 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và bản án sơ thẩm số 11/HSST ngày 21-1-2002 của TAND tỉnh Hà Tây với nhận định cơ bản là:
Lời khai của các bị cáo tuy có sự mâu thuẫn với chính bị cáo, mâu thuẫn với lời khai của người bị hại về hung khí mà các bị cáo sử dụng khi thực hiện tội phạm; về thứ tự lần lượt các bị cáo thực hiện hành vi hiếp dâm chị HH nhưng các bị cáo đều khai thống nhất với người bị hại về: thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm, số lượng người thực hiện tội phạm, số lượng người bị hại (một nam, một nữ).
Các bị cáo khai nhận có đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc đối với người bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản và thống nhất về loại tài sản mà các bị cáo đã chiếm đoạt. Các bị cáo đều khai nhận có hiếp dâm chị HH. Chiếc áo phông mà chị HH giao nộp cho Công an xã Dương Nội là áo của bị cáo Lợi để lại tại hiện trường vụ án.
Các thiếu sót của Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án nêu trong bản kháng nghị không phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và đã được khắc phục. Các thiếu sót đó không làm thay đổi được các lời khai nhận của các bị cáo, các lời khai của người bị hại về hành vi phạm tội của các bị cáo, về thiệt hại tài sản, tinh thần, danh dự nhân phẩm của người bị hại.
Bác kháng nghị đúng pháp luật
Qua theo dõi vụ án này suốt cả quá trình, chúng tôi thấy có vấn đề đáng chú ý sau:
Thứ nhất, Quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC là theo hướng có lợi cho người bị kết án, nên tuy bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật đã gần 8 năm, nhưng quyết định kháng nghị đó đúng với quy định tại khoản 2 Điều 278 BLTTHS nên quyết định kháng nghị đó là hợp pháp.
Khoản 2 Điều 278 BLTTHS có quy định như sau: “Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án, có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”.
Căn cứ pháp luật để người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là các căn cứ được quy định tại Điều 273 BLTTHS. Trong quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC đề cập nhiều đến vi phạm thủ tục tố tụng của Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra vụ án và đó là lý do căn bản của việc kháng nghị.
Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại khoản 3 Điều 273 BLTTHS có quy định như sau: “Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử”. Theo quy định này thì được hiểu là chỉ có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án mới được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Còn sự vi phạm không nghiêm trọng thủ tục trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án thì không được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
“Quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC là theo hướng có lợi cho người bị kết án, nên tuy bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật đã gần 8 năm, nhưng quyết định kháng nghị đó đúng với quy định tại khoản 2 Điều 278 BLTTHS, vì vậy quyết định kháng nghị đó là hợp pháp”. |
Nhưng như thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng? Giải đáp câu hỏi này phải căn cứ vào Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (sau đây là viết tắt Nghị quyết số 04/2004).
Tại tiểu mục 4.4, Mục 4, Phần I Nghị quyết số 04/2004 giải thích như sau: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp BLTTHS quy định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành theo thủ tục tố tụng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, toàn diện”.
Xem xét các thiếu sót của Cơ quan điều tra trong vụ án này mà bản kháng nghị đã nêu ra như chiếc áo phông mà chị HH thu được tại hiện trường đã giao nộp cho Công an xã Dương Nội, nhưng trong báo cáo của Công an xã này không có nội dung giữ chiếc áo phông; Cơ quan điều tra thu giữ lá thư của bị cáo Lợi không đúng trình tự… thì các thiếu sót này không xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị cáo Lợi, Tình, Kiên, cũng không xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người bị hại là anh CH, chị HH và cũng không làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, toàn diện. Do đó, Hội đồng Thẩm phán TANDTC kết luận các thiếu sót của Cơ quan điều tra nêu trong quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC không phải là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là có căn cứ, đúng pháp luật.
Một chi tiết có liên quan đến Nghị quyết số 04/2004 là theo quy định tại Điều 1 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta nên cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có nghĩa vụ tuân theo, chấp hành.
Thứ hai, Tòa án xét xử vụ án là căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng thu nhập theo quy định của BLTTHS quy định.
Về lời khai của bị can, bị cáo thì Điều 72 BLTTHS có quy định như sau: “1. Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án. 2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.
Theo quy định này thì được hiểu là: Lời nhận tội của bị can, bị cáo mà phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án, thì lời nhận tội đó được coi là chứng cứ của vụ án, được sử dụng vào việc giải quyết vụ án. Còn lời nhận tội của bị can, bị cáo mà không phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án thì không được coi là chứng cứ của vụ án và không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội họ.
Đối chiếu quy định quy định tại khoản 2 Điều 72 BLTTHS với vụ án xét xử các bị cáo Lợi, Tình, Kiên và Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị theo hướng các bị cáo này không phạm tội thì thấy rằng: các lời khai nhận tội của các bị cáo Lợi, Tình, Kiên phù hợp với lời khai của những người bị hại là anh CH, chị HH; phù hợp với kết quả khám thương tích của chị HH; phù hợp với lời khai của người làm chứng là các cán bộ, bộ đội ở đơn vị A40 băng bó vết thương cho anh CH ngay sau khi anh CH thoát khỏi hiện trường vụ án; phù hợp với vật chứng vụ án là chiếc áo phông của bị cáo Lợi, chiếc đồng hồ, xe máy của anh CH tại hiện trường vụ án.
Các lời khai nhận tội của Lợi, Tình, Kiên và các lời trình bày của người bị hại là anh CH, chị HH là tiếng nói của người trong cuộc, là sự thật khách quan và được Tòa án sơ cấp thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm làm sáng tỏ tại phiên tòa nên đáng tin. Tòa án các cấp sử dụng các lời khai nhận tội của Lợi, Tình, Kiên làm chứng cứ để kết tội các bị cáo này là đúng với quy định tại khoản 2 Điều 72 BLTTHS.
Hội đồng Thẩm phán TANDTC không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm, giữ nguyên bản án phúc thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật.
Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 7-12-2011 không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC đã khép lại việc kêu oan của những người bị kết án Nguyễn Đình Kiên (tên gọi khác là Lợi), Nguyễn Đình Tình và Nguyễn Đình Kiên.
Tóm lại, những tình tiết mà kháng nghị nêu ra không phải là sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại, với sự thật khách quan, nên Hội đồng Thẩm phán TANDTC bác kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm là đúng pháp luật.
Đỗ Văn Chỉnh