Bác Hồ và cách dùng báo chí tuyên truyền trong bà con Việt kiều ở Thái Lan

Quang Trung - Bá Nhiễu| 18/06/2015 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng ta biết trong những năm đi tìm con đường giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có hơn 1 năm sống và hoạt động ở Thái Lan (tháng 7/1928 đến 11/1929).

Nhằm xây dựng những căn cứ cách mạng trong lòng bà con Việt kiều, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã rất chú ý trong sử dụng báo chí để tuyên truyền về sự nghiệp cách mạng của bà con Việt Kiều tại Thái Lan.

Vào năm 1927, sau khi đã hoàn thành việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức một số lớp học nhằm huấn luyện cho những thanh niên Việt Nam yêu nước về con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã nghĩ đến việc rời Quảng Châu để trở về Thái Lan - nơi có nhiều Việt kiều sinh sống để truyền bá cách mạng. Giữa năm 1928, nhận được Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản điều động về nhận công tác ở Đông Dương, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ giã nước Đức vào tháng 6 và đến Xiêm (Thái Lan) vào tháng 7 với thẻ nhập cảnh mang tên là Nguyễn Lai. Người đi trên tàu biển chở khách và cập cảng tại Băng Cốc (Thủ đô Thái Lan). Ở Thái Lan Người mang các tên Thầu Chín, Ông Thọ, Nam Sơn, đã đến Bản Đông huyện Phi Chít (tại miền Trung của Thái Lan).

Với bí danh Thầu Chín (trong tiếng Thái và tiếng Lào, "thầu" chỉ người nhiều tuổi và biểu thị sự tôn kính) để tuyên truyền và huấn luyện cho Việt kiều, đồng thời móc nối một số thanh thiếu niên Việt Nam sang Thái Lan hoạt động. Người chủ trương tuyên truyền cho kiều bào và tổ chức họ vào những hội thân ái, tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa cho họ, xin Chính phủ Thái cho mở trường dành cho Việt kiều. Người đi và vận động hầu khắp các vùng có kiều bào ở Thái Lan. Từ Phi Chít, người đến Bản Mạy (làng mới) thuộc tỉnh Nakhon Phanom ở vùng Đông Bắc Thái Lan, cách Thủ đô Băng Cốc hơn 700km. Bản Mạy vốn là bản do những người gốc Việt đến Thái làm ăn, sinh sống lập nên vào đầu thế kỷ XX, chủ yếu là người gốc miền Trung Việt Nam, trong đó bà con Nghệ An, Hà Tĩnh khá nhiều. Bà con tại Bản Mạy vốn có học thức, chịu ảnh hưởng tư tưởng của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên nên khi dựng làng họ đã có ý thức xây dựng một cộng đồng Việt kiều có tinh thần dân tộc như xây dựng đền thờ Đức thánh Trần, lập Hội trại Cày, Hội Thân ái... Từ đó, bản Máy đã trở thành trạm liên lạc đón nhiều người Việt Nam sang Thái Lan. Khi  Nguyễn Ái Quốc đến Bản Mạy Người lấy bí danh là Thầu Chín. Đến đây, ông Chín đã khuyên nhân dân xây dựng nhà Hợp tác để mọi người có thể sinh hoạt, tụ họp. Khu nhà Hợp tác được xây dựng khá khang trang, sạch sẽ, sân bếp, vườn cây... Nhờ đó, nơi đây đã trở thành một điểm nhớ nhiều về nơi tụ họp thường xuyên của người Thái gốc Việt sang đây.

Bác Hồ và cách dùng báo chí tuyên truyền trong bà con Việt kiều ở Thái Lan

Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Thái Lan hiện nay (Ảnh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Một hoạt động tích cực của Người trong thời gian ở đây là khuyên mọi người phải biết tôn trọng phong tục, tập quán của người bản địa, đoàn kết và luôn nêu cao tinh thần tương trợ giúp đỡ những người nơi đây. Bởi vậy, về sau có nhiều người Thái đến Bản Mạy sinh sống khiến nơi đây trở thành cộng đồng dân cư chung của hai nước Việt Nam và Thái Lan. Và, chính đây là cơ sở để Người lập ra và chỉ đạo các tờ báo tuyên truyền cho cách mạng Việt Nam. Đó là lý do mà Nguyễn Ái Quốc đến Thái và dùng báo chí tại Thái Lan làm vũ khí cho cách mạng.

Để ra được những tời báo này, điều đầu tiên là Người đã căn cứ vào pháp luật của Chính phủ Thái Lan lúc bấy giờ, để dùng hình thức hợp pháp và nửa hợp pháp để tiến hành tuyên truyền, giáo dục Việt kiều nhằm cổ vũ, tuyên truyền cách mạng trong bà con Việt kiều ta.

Cụ thể về mặt pháp lý, Người căn cứ vào luật pháp của Chính phủ Xiêm lúc đó đã cho những quy định nhiều điều “thoáng hơn” so luật pháp của thực dân Pháp tại Đông Dương, như: chỉ những nhà in, những tòa báo lớn có tính chất kinh doanh mới phải đăng ký và cũng không có chế độ kiểm duyệt; còn những ấn phẩm có tính quảng cáo, phát hành không lấy tiền, không kinh doanh, in thô sơ (in thạch, in litô, giấy chỉ dầu) đều không phải đăng ký chính quyền.

Dựa vào tính chất hợp pháp này, năm 1927, Người đã chỉ đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Xiêm cho xuất bản một tờ báo bằng tiếng Việt, in thô sơ nhưng có cách trình bày phù hợp, lấy tên là tờ báo “Đồng Thanh”. Khi Nguyễn Ái Quốc đến Xiêm (7/1928), Người đã uốn nắn lại nội dung tuyên truyền của tờ báo, theo Người làm sao để cho bài của tờ báo này ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu hơn, phù hợp bà con Việt Kiều trình độ văn hóa còn thấp. Và sau một thời gian ngắn, chính Người đã đổi tên báo “Đồng Thanh” thành báo “Thân ái”. Báo Thân ái xuất bản năm 1927 ở Phichịt, do Tú Trinh (tức Nhuận, tức Tiến) làm chủ biên và các cộng tác viên viết bài là người Việt ở Thái Lan - các cộng tác viên là người Việt ủng hộ, đều không lấy nhuận bút.

Báo Thân ái in bằng litô khá đơn giả và ít tốn tiền. Báo có 2 trang, khổ 38,5cm x 53,5cm. Báo sử dụng chữ Việt cải cách rất linh hoạt, và phù hợp trình độ cư dân Việt tại Thái, như dùng chữ Z thay cho chữ D, chữ K thay cho chữ C, chữ F thay cho chữ Ph, chữ J, Z thay cho chữ Gi...  Tại góc bên phải trên cùng của tờ báo thay vì măng sét thông thường như các tờ báo khác, Nguyễn Ái Quốc đã cho làm các câu thơ động viên tinh thần yêu nước thật cụ thể, dễ hiểu, đầy tính thuyết phục lòng người, đó là những câu:

"Nhiễu điều phủ lấy zá gương / Người chung một nước thì thương nhau kùng".

Hay là những câu ngạn ngữ đầy tình cảm được Người chỉ đạo đưa vào:

Thương nòi nên phải gắng kông/ Nào ai xương sắt za đồng khác ai

Trong nội dung, Báo Thân ái, có các mục: Tin tức, Tự do diễn đàn, giúp đỡ học vấn, phụ nữ đàm, thời cuộc, văn uyển... Nội dung báo được sự chú tâm của Người nên rất phong phú, sinh động. Báo Thân ái đã cung cấp nhiều thông tin quý báu về lịch sử đấu tranh của dân tộc, về phương pháp cách mạng, kinh nghiệm hoạt động bí mật; vạch trần tội ác của đế quốc Pháp và phong kiến Việt Nam, phản ánh nỗi thống khổ của đồng bào, khuyên nhủ đồng bào đoàn kết cứu nước, giúp đỡ lẫn nhau; những hoạt động cách mạng ở trong nước, thông tin sinh hoạt kiều bào ta; về tình hình thế giới, trong nước, xứ Đông Dương v.v..  Về cách thể hiện bài, tin, cách viết Nguyễn Ái Quốc đều chỉ đạo Báo phải viết thật giản dị theo kiểu kể chuyện trong đồng bào, làm cho bài rất dễ hiểu, hàm chứa nhiều ý nghĩa, vừa gợi mở, những phải có tinh giáo dục tuyên truyền cho đồng bào ta vì sự nghiệp cách mạng nước nhà mà họ đang sinh sống ở Xiêm.

Một số tờ báo nay còn lưu lại tại Bảo tàng Hồ Chí Minh như tờ số 04 - ra năm 1927 tại trang 2 Thân ái có bài thơ nêu bật mục đích của báo:

"Báo Thân ái ngỏ lời thân ái

Đem máu đào tô điểm lại non sông

Ai cùng nòi, ai cùng giống

Ai đạp đất, đội giời chung

Đùm bọc lấy nhau cũng là lẽ phải

Hồn mơ mộng đã có chuông gọi dậy

Chắc từ đây xa mấy cũng nên gần...".

Tất cả những điều mà Người đã cho nêu ra, đều là gắn tâm tư người Việt, văn hóa Việt, ngôn ngữ, văn phong Việt... đều dễ nhớ, dễ hiểu.

 Hay vào năm 1928, tờ Thân ái đăng bài thơ "Nhịp kèn thân ái" kêu gọi Việt kiều ta đoàn kết:

"Đã là người đứng trong cõi đất

Ai là không tai mắt thông minh

Có đầu óc biết nhục vinh

Cuộc đời há dễ làm thinh sao đành

Việc thế giới bất bình lắm nỗi

Vận nước nhà chìm nổi đôi phen

Người sang sao chịu ta hèn

Người đua ta phải đua chen với người".

Chỉ riêng mục Tin tức của Báo đã cung cấp cho người đọc những thông tin về phong trào đấu tranh của đồng bào ta ở quê nhà, về tội ác dã man của thực dân Pháp và chính quyền tay sai phong kiến đối với nhân dân ta ở cả ba miền; giới thiệu gương hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng.

Báo Thân ái xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ khoảng 200 tờ, được gửi đi các địa phương có Việt kiều sinh sống. Được phổ biến rộng rãi trong Việt kiều, có tác dụng giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên Việt kiều. Báo Thân ái do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, là một bằng chứng về mối quan hệ thân bang và hữu hảo giữa hai dân tộc Việt - Thái trong những năm tháng mà dân tộc Việt Nam đang hướng tới con đường giải phóng dân tộc đầy khó khăn. Tờ báo đã thắp thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Thái trong lịch sử hiện đại, từ những năm cách mạng Việt Nam còn bao thăng trầm, khó khăn mà chính Người đang dầy công tìm ra chân lý cứu nước, cứu dân tộc.

Từ chủ trương của Nguyễn Ái Quốc sáng lập và dùng tác động lớn của báo chí tại Thái Lan, phong trào yêu nước Việt kiều ở Thái Lan có nhiều niềm tin tưởng, các tổ chức cách mạng được củng cố và phát triển nhất là nơi ươm dưỡng nhiều chí sĩ, tuổi trẻ cho cách mạng về Việt Nam hoạt động sau này khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Báo chí đã được Người sử dụng đầy hữu hiệu để tập hợp ngọn cờ cách mạng vì Tổ quốc, vì nhân dân.                                                    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ và cách dùng báo chí tuyên truyền trong bà con Việt kiều ở Thái Lan