Bắc Giang: Tổ chức Hội nghị trực tuyến phiên toà hình sự rút kinh nghiệm

Mạnh Hùng| 21/09/2021 14:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 21/9, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến phiên tòa rút kinh nghiệm chuyên đề “Nâng cao chất lượng điều hành phiên tòa của Hội đồng xét xử án hình sự”.

4886ac7c-c886-4ec5-81e5-dcc379508e66.jpeg
Bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội nghị

Tới dự và phát biểu chỉ đạo có bà Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang. Cùng dự có: Bà Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Vũ Mạnh Thắng, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; ông Lương Xuân Lộc, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh; ông Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh;…

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, bà Lê Thị Thu Hồng cho biết: Thời gian qua, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ Nghị quyết số 49-NQ/TW; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu cải cách tư pháp theo chỉ đạo, định hướng của Trung ương.

Qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết số 49 đã đề ra.

Với mục đích đánh giá ưu điểm, rút kinh nghiệm đối với những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng xét xử tại phiên tòa nhằm nâng cao kỹ năng điều hành phiên tòa xét xử án hình sự của HĐXX; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh giao TAND tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm với chuyên đề: “Nâng cao chất lượng điều hành phiên tòa của Hội đồng xét xử án hình sự”.

Bà Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh: Trong hoạt động tố tụng nói chung và tố tụng hình sự nói riêng theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Hoạt động xét xử tại phiên tòa được xem là hoạt động quan trọng nhất.

0ac58d58-7bb1-4c4a-b02e-f5043c8a4b1b(1).jpeg
Điểm cầu tại TAND tỉnh Bắc Giang

Thông qua phiên tòa, các chức năng cơ bản của tố tụng được bảo đảm thực hiện một cách rõ nét, công khai, dân chủ và bình đẳng. Hoạt động xét xử cũng chính là việc kiểm tra công khai tính đúng đắn của các hoạt động tố tụng trước đó của CQĐT, VKS, mà ở đó mọi tài liệu chứng cứ của vụ án do Cơ quan điều tra, truy tố thu thập trong quá trình điều tra đều được xem xét một cách công khai tại phiên tòa. Những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được nghe trực tiếp lời khai của nhau, được tranh luận, chất vấn những điều mà giai đoạn điều tra họ không có điều kiện thực hiện.

Tại phiên tòa xét xử, kỹ năng điều hành phiên tòa là hết sức quan trọng, đòi hỏi Hội đồng xét xử mà ở đây là vai trò của Thẩm phán-chủ tọa phiên tòa, phải tập trung trí tuệ, xử lý các tình huống tại phiên tòa một cách kịp thời, chính xác, có sức thuyết phục, đồng thời lại phải bảo đảm yêu cầu chính trị pháp luật trong xét xử án hình sự.

Để đạt được những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, bà Lê Thị Thu Hồng đề nghị các đồng chí tham dự tại các điểm cầu cần tập trung theo dõi diễn biến, kỹ năng điều hành phiên tòa của Hội đồng xét xử, tổng hợp các vấn đề liên quan đến hoạt động xét xử. Qua đó thấy được những cách làm hay, hiệu quả, đồng thời trao đổi, rút kinh nghiệm những vấn đề còn hạn chế, chưa hiệu quả...

5fb5fe4a-0cfb-4e35-abe1-e93f8131e927.jpeg
Toàn cảnh phiên toà xét xử

Sau hội nghị rút kinh nghiệm, bà Lê Thị Thu Hồng đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cần truyền tải các thông tin về kết quả tổ chức phiên tòa này cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình để nghiên cứu, liên hệ vận dụng, nâng cao chất lượng trong công tác.

Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, VKSND tỉnh và TAND tỉnh chọn xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ án hình sự “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”.

Theo đó, các bị cáo trong vụ án bị đưa xét xử gồm: Nguyễn Sinh Mạnh (SN 1997, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang); Nguyễn Đức Hiếu (SN 1996, trú tại phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; Đặng Văn Thêm (SN 1999, tên gọi khác là Tuấn, trú tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; Nguyễn Văn Khôi (SN 1994, trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang); Nguyễn Văn Ích (SN 1969, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và Nguyễn Ngọc Sơn, (SN 1990, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), các bị cáo nêu trên cùng bị truy tố và đưa ra xét xử về các tội “Giết người” và tội “Cố ý gây thương tích”.

HĐXX trong vụ án gồm 5 người, do Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Dung làm chủ toạ phiên toà. 

Tại phiên toà, có 8 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, cùng các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng truy tố, Nguyễn Sinh Mạnh làm nghề dịch vụ cung cấp nhân viên phục vụ tại các quán hát karaoke trên địa bàn huyện Hiệp Hòa. Mạnh tuyển một số nhân viên nữ phục vụ quán hát và một số nam giới làm nhiệm vụ đưa đón, bảo vệ nhân viên nữ. Những người này được Mạnh bố trí ăn ở tại nhà Mạnh và nhà Nguyễn Văn Ích do Mạnh thuê.

Đêm 10/11/2020, chị Trần Thị Ngân (SN 1989, ở tổ dân phố Tân Quang, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) cùng em họ là Nguyễn Văn Lưu (SN 1993, ở tổ dân phố Đoàn Kết 1, thị trấn Nhã Nam) thuê anh Nguyễn Văn Bách (SN 1988, ở tổ dân phố Bãi Ban, thị trấn Nhã Nam) lái xe ô tô chở đến thị trấn Thắng tìm gặp chị Nguyễn Thị Phượng (SN 2002 ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là nhân viên phục vụ quán karaoke giải quyết việc chị Phượng có quan hệ tình cảm với chồng chị Ngân.

41440814-6f8b-4f54-b66b-ccbb6bee8fac.jpeg
Các bị cáo tại phiên toà xét xử

Khoảng hơn 1h ngày 11/11, anh Bách lái xe ô tô đưa chị Ngân, anh Lưu đến một quán karaoke ở thị trấn Thắng thuê phòng hát và nhờ người liên lạc cho Phượng đến tại quán karaoke thì xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Chị Ngân và anh Lưu đánh Phượng; dùng điện thoại của Phượng quay video phát trực tiếp trên mạng xã hội facebook. Sau khi được can ngăn, chị Ngân và anh Lưu ra xe ô tô của anh Bách đi về nhà.

Phượng là nhân viên phục vụ quán hát do Nguyễn Sinh Mạnh quản lý. Sau khi xem video phát trực tiếp hình ảnh Phượng bị đánh, Mạnh đã bảo Đặng Văn Thêm, Nguyễn Đức Hiếu, Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Văn Ích, Nguyễn Ngọc Sơn đuổi theo chặn xe anh Bách lại. Mạnh lái xe ô tô chở Thêm, Ích, Sơn, Phượng, Bình, còn Hiếu đi xe máy chở Khôi. Trong quá trình 2 ô tô đuổi nhau, khi Bách điều khiển xe ô tô đi đến địa phận thôn Chùa, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) thì đâm vào xe tải do anh Khúc Văn Khiêm điều khiển đang đổ đất thi công cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37.

Hậu quả, anh Bách bị chết, chị Ngân thương tích 19%, còn anh Lưu bị thương nhẹ và từ chối giám định. Sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Hiệp Hòa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Văn Thêm, Nguyễn Văn Ích, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Sinh Mạnh về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Tuy nhiên, phía gia đình bị hại không đồng tình và có đơn khiếu nại.

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã có quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can, chuyển tội danh từ “Gây rối trật tự công cộng” sang tội “Giết người” với các đối tượng liên quan vụ án.

Phiên tòa được theo dõi trực tiếp tại hội trường xét xử của TAND tỉnh và truyền hình trực tuyến thông qua hệ thống camera quan sát phiên tòa và truyền hình hội nghị tới điểm cầu đặt tại TAND  của 10/10 huyện, TP và Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Dự kiến, phiên toà sẽ được diễn ra trong hai ngày (21 đến 22/9/2021).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Tổ chức Hội nghị trực tuyến phiên toà hình sự rút kinh nghiệm