Tin địa phương

Ba Vì: 100% xã, thị trấn thành lập mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện”

Chu Lương 19/11/2024 - 18:34

Trong 9 tháng năm 2024, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì, TP. Hà Nội đã thành lập mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng”. Công tác quản lý sau cai có sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hỗ trợ người nghiện tại địa phương.

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Vì, từ đầu năm 2024, huyện Ba Vì đã kịp thời tham mưu xây dựng và triển khai các Kế hoạch phòng, chống tệ nạn xã hội. Các phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện các chỉ tiêu cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện; tổ chức vận động cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện, tổ chức phân công quản lý sau cai các đối tượng chấp hành xong thời gian cai nghiện.

ba-vi.jpg
Hội thi “Tuyên truyền phòng, chống ma túy của tình nguyện viên Đội Công tác xã hội tình nguyện” huyện Ba Vì.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng huyện đã chuyển 31 hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét quyết định đưa 32 đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuyên truyền, vận động 21 trường hợp cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện của Thành phố theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Hướng dẫn, đôn đốc UBND các xã, thị trấn tiếp tục xây dựng và triển khai các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 08/3/2022 của UBND huyện. Trong 9 tháng năm 2024, 31/31 xã, thị trấn thành lập mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng”, đạt 100% chỉ tiêu.

UBND các xã, thị trấn đã ban hành 58 quyết định phân công quản lý sau cai cho 62 đối tượng chấp hành xong thời gian cai nghiện. Công tác quản lý sau cai có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan trong công tác quản lý đối tượng sau cai từ cơ sở cai nghiện trở về cộng đồng. 100% đối tượng sau cai nghiện được phân công quản lý của các cấp ngành, đoàn thể, đội công tác xã hội tình nguyện. Tích cực lồng ghép với các chương trình kinh tế, xã hội tại địa bàn như hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo và các chương trình dự án khác.

Đội công tác xã hội tình nguyện tổ chức giao ban, sinh hoạt Đội được 93 buổi giao ban để đánh giá tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn và kiểm điểm công tác sau khi phân công và kết quả hoạt động của tình nguyện viên trong công tác tuyên truyền, vận động để có những hướng dẫn, điều chỉnh phù hợp.

Các Đội công tác xã hội tình nguyện đã tiếp cận, tuyên truyền vận động 5.236 lượt người. Phối hợp quản lý, giúp đỡ 58 người quản lý sau cai nghiện ma túy. Tuyên truyền vận động cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện cho 21 đối tượng nghiện ma túy. Phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức 15 buổi tuần tra, rà soát địa bàn phòng, chống tệ nạn xã hội. Tổ chức ký cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội cho 3.249 người. Tham gia Hội thi “Tuyên truyền phòng, chống ma túy” của Tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện; Đội CTXHTN xã Minh Quang đạt giải nhất huyện và đi thi cụm.

Ban Chỉ đạo 89 huyện Ba Vì đã đẩy mạnh công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn huyện. Trong năm 2023, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức rà soát, cấp phát thuốc cho 215 trường hợp người nghiện đang điều trị bằng Methadone, riêng 6 tháng đầu năm 2024 là 218 bệnh nhân.

Ông Lê Hào Quang, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Vì, cho biết hiện nay, nguồn lực trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội còn hạn chế. Công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng gặp vướng mắc. Số đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội về ma túy vẫn có chiều hướng gia tăng. Công tác quản lý sau cai và tạo công ăn việc làm, vay vốn cho những người nghiện sau cai, gia đình có người nghiện còn khó khăn…

Về phương hướng những tháng cuối năm 2024, huyện Ba Vì sẽ tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 89 thành phố Hà Nội và Ban Chỉ đạo 89 huyện về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.

Đôn đốc thực hiện để hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu cai nghiện, quản lý sau cai nghiện năm 2024. Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền trên địa bàn xã, thị trấn về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Tổ chức tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy; Pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản có liên quan. Phối hợp với Công an huyện và các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện; tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện theo Nghị định 116/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ.

Tiếp tục triển khai nhiệm vụ các mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng” để hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì: 100% xã, thị trấn thành lập mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện”