Tin nhanh

Ba Lan quyết tâm xây dựng quân đội mạnh nhất châu Âu

Việt Hà 06/09/2023 - 15:29

Thông qua một loạt các hợp đồng vũ khí lớn, Ba Lan chuẩn bị thiết lập ưu thế quân sự ở lục địa châu Âu, mặc dù chi phí cao cho việc mở rộng này là điều khiến một số chuyên gia lo ngại. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, châu Âu sẽ sớm có siêu cường quân sự mới.

Nhiều hợp đồng mua sắm “khủng”

Các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền Luật & Công lý (PiS) của Ba Lan gần đây đã tuyên bố rằng nước này sẽ có quân đội mạnh nhất châu Âu trong vòng hai năm tới, nhờ vào việc hiện đại hóa các trang thiết bị hiện có và tăng cường quân đội mạnh mẽ.

Theo Bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2023 của Global Firepower, quân đội mạnh nhất châu Âu - sau Nga - hiện là Anh, Pháp và Ý. Vị thế của Vương quốc Anh chủ yếu nhờ vào nhân lực và sức mạnh không quân, trong khi Pháp có thể trông cậy vào một hạm đội trực thăng hùng mạnh và một số tàu chiến khu trục. Ý có 404 máy bay trực thăng và hai tàu sân bay tính đến tháng 1/2023. Ba Lan đứng thứ năm trong bảng xếp hạng.

quan-doi-ba-lan.jpg
Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ tình nguyện trong một cuộc diễu hành quân sự lớn kỷ niệm Ngày Quân đội Ba Lan (15/8/2023). (Ảnh: AP)

Frank Ledwidge, một cựu sĩ quan quân đội từng phục vụ ở Balkan, Iraq và Afghanistan, nói với Euronews: “Ba Lan đang trong tình trạng chuyển đổi, họ đã đặt hàng hàng trăm vũ khí của Mỹ, Đức và Hàn Quốc, đồng thời đã tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 3% GDP”.

Ba Lan trở thành thành viên của NATO từ năm 1999. Năm ngoái, Tổng thống Ba Lan đã thông qua một đạo luật cho phép Chính phủ chi 3% GDP cho quốc phòng từ năm 2023 trở đi - cao hơn mong đợi hiện tại của NATO đối với các thành viên trong liên minh.

Để so sánh, Đức gần đây đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng để đạt được ngưỡng 2% do NATO đặt ra cho các thành viên của mình.

Vào năm 2021, theo dữ liệu mới nhất do Eurostat cung cấp, các quốc gia EU chi phần lớn GDP cho quốc phòng là Hy Lạp (2,8%), Latvia (2,3%), Estonia (2,0%), Romania (1,9%), Pháp, Síp và Litva (1,8%).

Phần Lan, thành viên mới của NATO, nước có một trong những quân đội mạnh nhất ở châu Âu, cũng có kế hoạch chi 6 tỷ euro, tương đương 2,3% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Thực tế, con số này ít hơn 116 triệu euro so với dự kiến ​​chi trong năm nay.

Nếu đề xuất của Phó Thủ tướng Jarosław Kaczyński được thực hiện, chi tiêu quân sự ở Ba Lan có thể tăng lên 5% GDP của đất nước trong thập kỷ tới.

Ba Lan cũng công bố sẽ mua số lượng lớn thiết bị vũ khí hiện đại và hoạt động tuyển quân quy mô lớn có thể sẽ diễn ra trong những năm tới.

Ba Lan muốn tuyển khoảng 150.000 quân trong thập kỷ tới, điều này sẽ đưa quân đội của nước này từ 128.000 quân tại ngũ hiện tại và 36.000 quân phòng thủ lãnh thổ lên 300.000 quân vào năm 2035. Với quân đội mới, nước này sẽ thành lập sáu sư đoàn thiết giáp - trong khi Pháp và Đức chỉ có hai, còn Anh chỉ có một.

Họ cũng đã đặt mua hơn 1.000 xe tăng mới và 600 khẩu pháo, chủ yếu từ Hàn Quốc và Mỹ. Số lượng vũ khí mới này sẽ mang lại cho Ba Lan sức mạnh hỏa lực hơn cả Anh, Pháp, Đức và Ý cộng lại.

Vào tháng 7, Ba Lan đã nhận được 33 xe tăng M1 Abrams mới trong đơn đặt hàng trị giá 250 chiếc trị giá 4,5 tỷ euro (4,9 tỷ USD). Nước này đã nhận 10 chiếc trong số gần 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther đã đặt mua từ Hàn Quốc.

Khoảng 180 chiếc K2 sẽ được giao cho Ba Lan vào năm 2025 với giá 3,16 tỷ euro, trong khi có tới 820 chiếc xe tăng sẽ được sản xuất tại Ba Lan theo giấy phép do Hàn Quốc cấp trong 10 năm tới.

Về pháo binh, Ba Lan đã chi 9,2 tỷ euro (10 tỷ USD) để mua 468 bệ phóng tên lửa HIMARS.

Ba Lan có thực sự đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình?

Cựu sĩ quan quân đội Ledwidge cho biết, với những động thái này, “không còn nghi ngờ gì nữa”, Ba Lan có thể trở thành đội quân mạnh nhất châu Âu. “Nhưng họ sẽ phải chịu rất nhiều chỉ trích nếu không thực hiện những đơn đặt hàng này và tôi cũng nghi ngờ sẽ có những vấn đề lớn về hợp đồng”, ông nói.

Việc mở rộng đào tạo quân đội mới và quy trình tuyển dụng sẽ là một “thách thức”, dẫn đến gánh nặng tài chính và hậu cần đối với đất nước. “Nhưng chúng ta nên nhớ rằng Ba Lan đang ngày càng giàu hơn, vì vậy họ có thể đủ khả năng chi trả”, ông Ledwidge nói.

quan-doi-ba-lan-2.jpg
Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ tình nguyện trong một cuộc diễu hành quân sự lớn kỷ niệm Ngày Quân đội Ba Lan (15/8/2023). (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, vẫn còn một số lo ngại trong giới chuyên gia và nhà quan sát, đặc biệt là về chi phí cho việc mở rộng quân sự này.

Vấn đề về chi phí khổng lồ cho việc mở rộng quân đội Ba Lan đã được chuyên gia quân sự Ba Lan Robert Czulda nêu ra. Ông Robert Czulda là một thành viên thường trú tại Quỹ Casimir Pulaski, người trong một bài báo gần đây đã nói rằng nước này sẽ phải đối mặt với lựa chọn “súng hay bơ”, tiến thoái lưỡng nan khi cố gắng đảm bảo nguồn tài chính dài hạn.

Là quân đội mạnh nhất ở châu Âu, Ba Lan “sẽ có nhiều khả năng tự bảo vệ mình và các quốc gia vùng Baltic bằng những gì họ sắp có, nếu khoản đầu tư thành công”, ông Ledwidge nói. “Những động lực để thực hiện điều này mang tính chính trị và chiến lược. Ba Lan cần phải có một quân đội rất mạnh vì nước này đã trở thành thành trì của NATO”, ông nói thêm. Điều này có thể sẽ đưa đất nước này vào một vị trí mới trong châu Âu và NATO.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Lan quyết tâm xây dựng quân đội mạnh nhất châu Âu