Theo đánh giá của các chuyên gia, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão với cường độ gió cấp 8. Tuy sức gió không quá mạnh nhưng hoàn lưu rất rộng, gây mưa lớn và nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, người dân cần chủ động phòng tránh, không lơ là, chủ quan.
Người dân không chủ quan trước áp thấp nhiệt đới
Hồi 22 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 320km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15km/h.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10.
Trao đổi với báo chí tối 18/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, dù là áp thấp nhiệt đới hay bão cấp 8, người dân không nên chủ quan vì hoàn lưu của cơn áp thấp nhiệt đới này bao trùm rất rộng, không chỉ trong khu vực chịu tác động trực tiếp là Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ mà còn mở rộng ra khu vực nam đồng bằng, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.
"Ngoài ra, do kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh cũng như trong hệ thống rãnh hội tụ nhiệt đới nên có khả năng cao xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, gió xoáy, gió giật mạnh, gây nguy hiểm cho các hoạt động ven biển cũng như trên bờ, đặc biệt các khu neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản", ông Khiêm nhấn mạnh.
Theo ông Khiêm, tổ hợp thời tiết phân tích trên cũng gây mưa lớn ở nhiều nơi. Trong ngày hôm nay (18/9), ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to; khu vực từ Nghệ An đến Quảng Bình, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to.
Lượng mưa tính từ 07h đến 20h ngày 18/9 có nơi trên 200mm như: Thanh Mai (Nghệ An) 225.6mm, Trà My (Quảng Nam) 308.6mm, Lộc An (Thừa Thiên Huế) 242.6mm, Hương Trà (Quảng Ngãi) 242mm, Hòa Bắc (Đà Nẵng) 238.2mm,…
Dự báo, từ đêm 18/9 đến đêm 20/9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 500.
Từ đêm 18/9 đến đêm 20/9, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80-170mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Mưa không chỉ xảy ra ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ mà còn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, khu vực nam đồng bằng Thanh Hóa.
Một số tỉnh như Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng có nguy cơ sạt lở đất, khu vực Nam Bộ có thể xảy ra ngập úng đô thị.
Các khu vực vùng núi phía tây của Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên đều có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.
Cần cảnh giác trước những thông tin không chính xác về áp thấp nhiệt đới
Hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện một số thông tin không chính xác về áp thấp nhiệt đới, về bão, các hình thái thời tiết nguy hiểm... khiến người dân hoang mang, đặc biệt là những người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng tác động trực tiếp của áp thấp nhiệt đới.
Ông Khiêm cho biết, thiên tai có tính chất bất định, thay đổi nhanh theo từng giờ, chính vì thế các cơ quan chức năng phải phân tích rất kỹ, chi tiết các số liệu để đưa ra các mức độ cảnh báo từ thấp đến cao để có thể quản trị được và người dân có thể chủ động phòng, tránh.
Cơ quan dự báo luôn cập nhật sớm nhất các bản tin về thời tiết, dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn và cấp độ rủi ro thiên tai trên phạm vi cả nước theo quy định.
Chính vì vậy, cơ quan dự báo khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin không chính xác để tránh tâm lý hoang mang, chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai.