Dù đã bị tuyên mức án cao nhất nhưng gần như chắc chắn bà Cốc Khai Lai sẽ thoát chết và thậm chí có thể được tự do trong thời gian ngắn.
Thực tế, bà Giang Thanh, vợ của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, từng bị kết án tử hình có ân hạn hai năm vào năm 1981 vì những việc đã làm trong thời Cách mạng Văn hóa. 10 năm sau, bà này được đưa vào bệnh viện với lý do sức khỏe.
Như vậy, phán quyết cho bà Cốc Khai Lai với tội danh giết người là tử hình và được hoãn thi hành trong hai năm, tất cả các quyền chính trị của bị cáo bị thu hồi cho đến hết đời. Thường bản án này sẽ được chuyển thành án tù chung thân nếu trong hai năm tới, bà Cốc không bị cáo buộc thêm tội danh nào. Theo Phó Chánh án Tòa án Hợp Phì, bà Cốc được hoãn thi hành án trong hai năm vì các tình tiết như sự suy giảm tinh thần của bị cáo trước khi gây án, bị cáo hợp tác với các Điều tra viên, thành khẩn nhận tội và hối lỗi.
Vợ chồng bà Cốc Khai Lai và nạn nhân (giữa)
Vị Phó Chánh án này cũng cho biết, bị cáo Cốc Khai Lai và Trương Hiểu Quân đã nói sẽ không kháng án tại phiên tòa. “Sức khỏe và tinh thần của bị cáo tại buổi tuyên án ổn định. Bị cáo nói rằng, bản án công bằng và tôn trọng luật pháp, sự thật”. Các nguồn tin ngoài Tòa cho biết, thân nhân của các bị cáo đã đạt được thỏa thuận là sẽ được thăm các bị cáo trong vòng 20 ngày nếu họ đồng ý không kháng cáo.
Trở lại phiên tòa, theo thông tin chính thức từ Tân Hoa Xã thì mọi chứng cứ đều chống lại bị cáo Cốc Khai Lai. Đoạn phim từ camera an ninh chứng minh Cốc Khai Lai và Trương Hiểu Quân đã đến phòng Neil Heywood ngay trong đêm xảy ra án mạng, đồng thời các mẫu ADN của cả hai này còn được phát hiện trên nắp bình và tách trà tại hiện trường vụ án. Tiến trình vụ án được cảnh sát dựng lại chi tiết như sau: Khi sắp xếp cho Heywood lưu trú tại phòng 1605, tầng 16 của khách sạn Nam Sơn Lệ Cảnh nằm trong quận Nam An, khoảng 21 giờ tối, Cốc Khai Lai và Trương Hiểu Quân cùng đến khách sạn, mang theo trà, rượu và hai lọ thủy tinh, trong đó một lọ chứa chất độc cyanide và một lọ đựng nhiều viên thuốc dạng nang khác. Đợi đến khi Heywood say mèm và té ngã trong phòng tắm, Cốc Khai Lai gọi Trương Hiểu Quân đưa lọ thuốc độc cyanide vào cho bà ta. Khi được nạn nhân nôn mửa và đòi uống nước, Cốc Khai Lai rót chất độc cyanide vào một bình đựng nước nhỏ mà bà ta đã chuẩn bị trước, hòa chất độc này với nước rồi trò chuyện với Heywood và đổ trực tiếp hỗn hợp chất độc vào miệng của doanh nhân này. Tiếp theo, Cốc Khai Lai đổ lọ thuốc viên nang ra khắp sàn nhà nhằm tạo hiện trường giả là Heywood đã dùng thuốc sau khi say rượu và tử vong. Gây án xong, kẻ sát nhân đã yêu cầu phục vụ khách sạn không làm phiền vị khách đang ở phòng 1605 và không quên treo bảng hiệu “đừng làm phiền” khi bà ta rời khỏi hiện trường.
Sau khi Heywood được phát hiện chết trong khách sạn Nam Sơn Lệ Cảnh ở Trùng Khánh, Phó Chủ tịch Trùng Khánh lúc đó là Vương Lập Quân đã chỉ định Phó Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh Quách Duy Quốc xử lý vụ án. Nhận được chỉ đạo, Quách Duy Quốc đã yêu cầu Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Lý Dương, Đội trưởng đội kỹ thuật điều tra Vương Bằng Phi và Phó Giám đốc thường trực Công an quận, Sa Bình Bá cùng đến điều tra hiện trường vụ án. Thông qua thẩm vấn và điều tra tại hiện trường, Quách và đội điều tra của mình phát hiện Cốc Khai Lai là nghi can lớn nhất trong vụ án. Những người này ngay lập tức đã bưng bít sự có mặt của Cốc Khai Lai tại hiện trường vụ án bằng cách ngụy tạo chứng cứ, cụ thể là dàn dựng ghi âm những cuộc thẩm vấn tại hiện trường hòng tạo chứng cứ ngoại phạm, che giấu các vật chứng và hàng loạt biện pháp khác nhằm chạy tội cho Cốc Khai Lai.
Vụ việc chỉ đổ bể sau khi Vương Lập Quân trốn vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô vào tháng 2-2012, tức gần ba tháng sau khi Heywood chết. Phó Chủ tịch Vương tiết lộ Cốc Khai Lai là nghi phạm sát hại Heywood.
Hải Yến (theo Tân Hoa Xã, AFP)