Án mạng vì mâu thuẫn bột phát: Giáo dục nhân cách là then chốt

Việt An| 04/12/2022 12:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia đánh giá, nhiều vụ án mạng do mâu thuẫn bột phát thường xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình, tình ái hoặc sử dụng chất kích thích. Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội, việc giáo dục đạo đức nhân cách từ gia đình, nhà trường là vấn đề then chốt để giảm thiểu những bi kịch đau lòng.

Ảnh hướng yếu tố tiêu cực trong môi trường sống

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, tình ái khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Mới đây nhất là vụ án mạng kinh hoàng xảy ra tại xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vào tối ngày 2/12 làm 2 người chết, với rất nhiều thương tích trên cơ thể.

Sau 12 giờ lần theo dấu vết tội phạm, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giữ nghi phạm gây án là Trần Quốc Bảo (SN 1989, trú tại thôn Mỹ Lộc, xã Xuân Viên).

giet-nguoi.jpg
Nghi phạm Trần Quốc Bảo (giữa) bị bắt giữ

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Bảo khai nhận nguyên nhân gây án là do mâu thuẫn bột phát. Được biết, Bảo từng là người yêu của con gái ông P.V.D (1 trong 2 nạn nhân bị sát hại – PV). Tuy nhiên, hôn sự sau đó không thành…

Cũng liên quan đến tình ái, vào cuối tháng 10 vừa qua, tại tỉnh Bắc Ninh xảy ra vụ án mạng kinh hoàng. Do ghen tuông với bạn gái cũ, Phan Thanh Hoàng (19 tuổi, quê Tuyên Quang) đã bắt xe từ Tuyên Quang xuống Bắc Ninh dùng dao sát hại dã bạn gái tại một tiệm cắt tóc khiến nhiều người ám ảnh. Đáng chú ý, trước khi gây án, nghi phạm đã viết thư tuyệt mệnh và đăng lên Facebook.

Trước đó, vào tháng 8/2022, chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ nhặt, một nam thanh niên ở Hòa Bình đã dùng điếu cày đánh chết người. Theo nội dung vụ án, vào khoảng 16 giờ ngày 14/8, nhóm thanh niên 5 người, trong đó có Bùi Văn Hải và anh Đ. (SN 1996 ở huyện Lạc Thủy), đến quán cà phê Điểm Hẹn ở thôn Chợ Đập, xã An Bình (huyện Lạc Thủy) uống nước.

Lúc này, anh Trịnh Đức T. (SN 1998 ở huyện Lạc Thủy) sang mượn điếu cày của nhóm Hải nhưng bị từ chối và xảy ra mâu thuẫn. Anh T. dùng cốc thủy tinh ném về phía anh Đ. nhưng không trúng.

Bất ngờ, Bùi Văn Hải cầm điếu cày đập 2 nhát vào đầu anh T. khiến nạn nhân gục tại chỗ, tử vong trên đường đi cấp cứu. Bùi Văn Hải sau đó bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố về tội "Giết người".

Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm vụ án mạng đã xảy ra trong thời gian qua gây hoang mang dư luận xã hội, mất trật tự an ninh an toàn tại địa phương. Trước tình trạng nhiều vụ án mạng xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều vụ án mạng do mâu thuẫn bột phát thường xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình, tình ái hoặc do sử dụng chất kích thích.

dao-trung-hieu.jpg
Thượng tá Đào Trung Hiếu

Nhìn nhận dưới góc độ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ án mạng như đã kể trên nằm ở sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của đối tượng gây án.

“Trong đặc điểm tâm lý cá nhân của thủ phạm đã chứa đựng sự suy thoái, lệch lạc do sự tương tác với các yếu tố tiêu cực trong môi trường sống của mình. Nhân cách sai lệch này, với đặc trưng là sự hung hãn, côn đồ, coi thường tính mạng người khác, cái tôi hiếu thắng quá cao, thái độ khinh nhờn pháp luật, là kết quả của quá trình xã hội hóa cá nhân trong môi trường bất lợi như đời sống khó khăn, văn hoá xuống cấp, đạo đức suy đồi, lối sống thực dụng, ích kỷ,” Thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích.

Giáo dục nhân cách là then chốt

Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, khi nhân cách đã chứa đựng những lệch lạc nguy hiểm, khi gặp tình huống mâu thuẫn trong đời sống, cái tôi ích kỷ và ý thức coi thường pháp luật đã thúc đẩy đối tượng lựa chọn biện pháp bạo lực để giải tỏa trạng thái tâm lý tiêu cực.

Trước việc người trẻ phạm tội có xu hướng gia tăng, chuyên gia tội phạm học cho rằng, tình trạng “Trẻ hóa tội phạm” là hiện tượng xã hội nguy hiểm bởi đây là nhóm đối tượng ở lứa tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ, còn hạn chế về nhận thức, kinh nghiệm sống, thiếu kỹ năng ứng xử và quản lý cảm xúc. Nếu bị các yếu tố bất lợi từ môi trường sống như lối sống vị kỷ, vô cảm, tôn thờ đồng tiền, tuyệt đối hóa lợi ích vật chất, cùng với văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, trò chơi bạo lực… tác động lên quá trình xã hội hóa cá nhân sẽ dẫn đến bị tiêm nhiễm và hình thành trong nhân cách các đặc điểm tiêu cực, lệch chuẩn.

Để ngăn chặn triệt để tận gốc tình trạng này, chuyên gia tội phạm học cho rằng giáo dục nhân cách là then chốt. Nếu thiếu việc giáo dục nhân cách cốt lõi của con người về đạo đức, trí tuệ và nghị lực ngay từ nhỏ, người trẻ sẽ dễ bị cuốn theo vòng xoáy của xã hội kim tiền, hình thành lối suy nghĩ tiêu cực, méo mó về cuộc đời, thiếu đi các kỹ năng cần thiết để xử lý khôn ngoan các tình huống xảy ra trong đời sống”, ông Hiếu nói.

Bàn về giải pháp căn cơ, vị chuyên gia cho rằng cần thay đổi triết lý giáo dục, hướng đến việc vun bồi nhân cách cốt lõi của con người. Cụ thể, về đạo đức, cần giáo hóa sự vị tha, vì xã hội, vì cộng đồng thay vì chỉ nghĩ đến mình. Về trí tuệ, cần rèn tư duy nhân quả và tư duy đa chiều cho người trẻ. Về nghị lực, rèn luyện con người ở trên cả 3 khía cạnh: nhẫn nại, dũng cảm và bình tĩnh giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống.

luat-su-dang-van-cuong.jpeg
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Còn tiến sĩ luật học, luật sư Đặng Văn Cường nhìn nhận, các vụ án mạng mang tính bột phát gần đây đều xuất phát trực tiếp tục ghen tuông, mâu thuẫn, thù tức, nhưng có nguyên nhân sâu xa từ giáo dục, từ đạo đức nhân cách của đối tượng.

Ông Cường cho rằng, với những người được nuông chiều, thiếu giáo dục hoặc sống trong môi trường bạo lực, môi trường thiếu lành mạnh, bản thân thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức sẽ có sự lệch lạc về nhận thức và nhân cách.

“Để giảm thiểu những vụ án mạng đau lòng đã xảy ra, ngoài việc xử lý nghiêm minh, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội thì cần phải tăng cường các biện pháp giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức nhân cách, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lòng nhân ái cho thế hệ trẻ, kịp thời phát hiện giải quyết các mâu thuẫn dân sự trong đời sống xã hội để tránh những xung đột, mâu thuẫn âm bị kéo dài và không lối thoát dẫn đến bi kịch xảy ra”. Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Án mạng vì mâu thuẫn bột phát: Giáo dục nhân cách là then chốt